Khắc phục hậu quả siêu bão Sandy “cơ hội ghi điểm” trước thềm bầu cử Mỹ

Thứ Bảy, 03/11/2012, 11:40
Nước Mỹ những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 không chỉ bận rộn với việc đánh giá hậu quả nặng nề của siêu bão Sandy, mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 6/11.

Trong bối cảnh trùng hợp những sự kiện lớn như vậy, quân bài trên bàn cờ chính trị trước thềm bầu cử Tổng thống đã có thêm yếu tố mới không kém phần quan trọng là vấn đề khắc phục hậu quả siêu bão. Cả Tổng thống Barack Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đều cố gắng tận dụng tối đa thời gian còn lại, bằng lời lẽ và những hành động thể hiện sự cảm thông sâu sắc, sự sẻ chia đối với nạn nhân vùng bão lũ nhằm tìm kiếm thêm những lá phiếu ủng hộ của các cử tri.

Sau siêu bão Sandy, Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney đã có những cuộc đấu khẩu mới gay gắt hơn những lần “chạm trán” trước đó. Điểm chung dễ thấy nhất giữa hai ứng viên là họ đến các bang hằng ngày, dừng chân rất lâu ở những nơi siêu bão Sandy quét qua, gặp gỡ, thăm hỏi nạn nhân của cơn bão lớn này và tiếp tục chỉ trích nhau về chính sách phục hồi kinh tế Mỹ. Với tư cách là người đứng đầu chính quyền Washington, trong 5 ngày qua, ông Barack Obama được đánh giá là đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc giải quyết hậu quả do siêu bão Sandy gây ra ở các bang miền Đông nước Mỹ.

Vẫn vận động tranh cử, song cách mà đương kim Tổng thống tiếp cận người dân khôn khéo đến mức ông đi đến đâu, tỷ lệ ủng hộ gia tăng ở đó. Từ việc tới thăm trụ sở Hội Chữ thập đỏ tới việc gặp gỡ người dân, Tổng thống đều thực hiện một cách bài bản, khoa học và đầy chiến thuật. Trong 3 ngày (từ 31/10 đến 2/11), ông Barack Obama di chuyển liên tục, từ Wisconsin tới Nevada, Colorado và cả Ohio.

Mặt khác, Tổng thống Mỹ còn ra những quyết sách, chỉ thị sát sườn với cuộc sống người dân trong vùng bão lũ. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã nhận xét, ông Barack Obama đã thể hiện được sự “toàn tâm toàn ý” của mình đối với dân Mỹ. Và động thái này của Tổng thống đã khiến ứng viên Mitt Romney phải e dè hơn trong việc tìm cách đối phó. Thận trọng tìm kiếm những điểm yếu của đối thủ, mặt khác lại liên tục thể hiện sự sẻ chia, quan tâm đến các nạn nhân của siêu bão, ông Mitt Romney đã thể hiện sự “lúng túng” của mình trong tình cảnh có một không hai này. Do đó, như một điều tất yếu, đương kim Tổng thống bỗng nổi trội hơn và ghi điểm trước người dân.

Sau khi siêu bão Sandy đi qua, người dân phải xếp hàng dài để mua nhiên liệu tại các cây xăng ở New York và New Jersey. Ảnh: AP.

Trong một cuộc thăm dò nhanh của báo Washington Post và ABC News, 80% cử tri cho điểm ông Barack Obama “xuất sắc” trong cách xử lý tình hình thiên tai khẩn cấp. Còn theo thăm dò của hãng Gallup, hơn một nửa ý kiến tin tưởng Tổng thống sẽ chiến thắng trong kỳ bầu cử sắp tới. Kết quả khảo sát của NBC/Wall Street Journal (WSJ) thể hiện, ông Barack Obama dẫn điểm ở 3 bang dao động quan trọng. Người ta ước tính, với những đặc điểm riêng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có thể sẽ trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất với mức chi phí dự đoán lên tới gần 7 tỷ USD.

Theo tin từ hãng CNN, 3 ngày sau khi cơn bão quét qua, nước Mỹ bắt đầu dần hồi phục. Như ở New York, hệ thống tàu điện ngầm đã mở lại hoạt động, sân bay lớn cuối cùng là LaGuardia cũng nối lại các dịch vụ. Giao thông ở miền Đông Bắc nước Mỹ bắt đầu ổn định hơn... Nhưng đấy mới chỉ là ở những thành phố lớn. Còn ở khu vực ven biển, gần 4,5 triệu người Mỹ vẫn đang đối mặt với tình trạng mất điện, thiếu lương thực thực phẩm, khan hiếm nhiên liệu. Các trạm xăng ở khu vực miền Đông luôn tấp nập với hàng dài người đợi chờ mua nhiên liệu. Tại một số làng gần biển, người dân thậm chí còn phải bới rác tìm thức ăn...

Đó là chưa kể những tổn thất về kinh tế do siêu bão Sandy gây ra. Với sức gió gần 100km/h, sức tàn phá của siêu bão Sandy được đánh giá là chỉ đứng sau cơn bão Katrina năm 2005. Ước tính, thiệt hại về kinh tế ở Mỹ vào khoảng 50 tỷ USD, chiếm khoảng 0,3% GDP nước này. Chi phí để dọn dẹp sau siêu bão có thể vào khoảng 30-40 tỷ USD. Nhưng cái mà các nhà kinh tế học lo lắng nhất là siêu bão Sandy có thể kéo nền kinh tế của Mỹ đi xuống, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị suy thoái. Vì thế, cử tri Mỹ khi cầm lá phiếu, yếu tố chính sách kinh tế và sự cảm thông đối với người dân được cho là 2 tiêu chí quan trọng để họ lựa chọn một trong hai ứng cử viên làm Tổng thống mới của nước Mỹ trong nhiệm kỳ 2012-2016

Huyền Chi
.
.
.