Kavli - người muốn kịp thời tôn vinh các tài năng

Chủ Nhật, 01/06/2008, 16:48
Giải thưởng Kavli do Quỹ Kavli (mang tên người sáng lập và bảo trợ) hoạt động độc lập nhưng được sự phối hợp của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Na Uy, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy và Bộ Ngoại giao Na Uy. Giá trị của giải thưởng này khiến giới khoa học vô cùng hào hứng…

Cuộc đột phá táo bạo và hào hứng

Sau một năm khởi động, ngày 28/5/2008, ông Ole Didrik Laerum, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Na Uy đã công bố danh tính 7 vị được trao tặng Giải thưởng khoa học Kavli lần đầu tiên.

"Giải Vật lý học thiên thể" trao cho Maarten Schmidt của Viện Công nghệ California (CIT) và Donald Lynden-Bell của Đại học Cambridge về những công trình nghiên cứu bản chất của các chuẩn tinh (quasar). Maarten Schmidt nghiên cứu sự phát xạ của các chuẩn tinh từ thập niên 60 của thế kỷ trước, về sau, ông sử dụng kết quả thu được vào việc tính toán khoảng cách đến các chuẩn tinh. Lynden-Bell có công trình lý thuyết công bố từ năm 1969 chứng minh: chính lỗ đen đang nuôi các chuẩn tinh.

"Giải Nano" trao cho Louis E. Brus của Đại học ColumbiaNew York và Sumio Iijima của Đại học Meijo Nhật Bản - về phát hiện các tinh thể nano có tính bán dẫn. Công trình này mới được công bố cách nay 5 năm.

"Giải Khoa học thần kinh" trao cho Pasko Rakic của Trường Y thuộc Đại học Yale, Thomas Jessell của Đại học Columbia ở New York và Sten Grillner của Viện Karolinska Thụy Điển. Đây là những công trình còn rất mới mẻ: Pasco Rakic - về cơ chế tự tổ chức của neuron trong quá trình phát triển của bào thai; Thomas Jessell - xác định những tín hiệu hóa học trao đổi giữa các tế bào không thuộc vi sai trong khi chuyển hóa thành neuron; còn Sten Grillner - tìm ra cơ chế để thần kinh kiểm soát nhịp hoạt động của tủy sống.

Giải thưởng Kavli do Quỹ Kavli (mang tên người sáng lập và bảo trợ) hoạt động độc lập nhưng được sự phối hợp của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Na Uy, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy và Bộ Ngoại giao Na Uy. Giá trị của giải thưởng này khiến giới khoa học vô cùng hào hứng…

Giải Kavli làm khác với tiền nhân

Khi nói đến các giải thưởng về khoa học, có lẽ chúng ta đã quen với uy tín "đệ nhất thiên hạ" của giải thưởng Nobel dành cho 6 lĩnh vực vật lý, hóa học, y sinh học, văn học, kinh tế học và đóng góp cho nền hòa bình thế giới. Nhưng thực tế gần đây cho thấy Thụy Điển, quê hương của Alfred Nobel đã cảm nhận ra sức ép từ ngay những nước láng giềng của mình.

Phần Lan đã cho ra đời giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ (Millenium Technology prize) trị giá 1 triệu bảng Anh (1,2 triệu USD) và đã vinh danh Tim Berners-Lee - người đã cho ra đời World Wide Web và hình thành nên truyền thông đại chúng của thế kỷ XXI.

Tiếp đó, sự ra đời một giải thưởng khoa học có giá trị cũng rất lớn (1 triệu USD) mang tên nhà vật lý Na Uy Kavli là một điều thách thức: đất nước này vốn đã phải lệ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng vì người Na Uy mong muốn có một sự phát triển bền vững trong tương lai, nên họ chọn con đường phát triển khoa học - kỹ thuật - công nghệ và liên kết với cộng đồng khoa học quốc tế.

Không giống với Nobel trao giải cho nhiều lĩnh vực, từ khoa học đến văn học, ông Kavli chỉ tự hạn chế trong 3 lĩnh vực: vật lý học thiên thể, khoa học nano và thần kinh học, bởi vì ông tin tưởng rằng chúng sẽ mang lại những ích lợi to lớn cho nhân loại. Nói giải thưởng Kavli là "tranh chấp" với giải thưởng Nobel là thiếu công tâm. Xét về ý đồ thì giải thưởng Kavli chính là sự bổ sung cho giải thưởng khoa học chủ yếu của hành tinh.

Giải thưởng Kavli khích lệ những nhà nghiên cứu đang làm việc trong ba chuyên ngành hẹp mà, như chính Kavli giải thích, giải Nobel không thể ôm xuể, nhưng lại đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người. Ba chuyên ngành hẹp đó, theo nhận định của Kavli, có cái to lớn nhất (thiên văn), có cái nhỏ bé nhất (nano), và có cái phức tạp nhất (thần kinh).

Khác biệt thứ hai là tính năng động của giải Kavli không như giải Nobel từng khiến nhiều người phải mất vài chục năm chờ đợi. Từ xuất xứ, như trong di chúc của Alfred Nobel, "giải thưởng được trao cho những ai, trong năm trước đó, đã đem lại lợi ích to lớn cho nhân loại", nhưng sau này Ủy ban Giải thưởng Nobel đã phải mất 16 năm loay hoay xem xét rồi mới trao giải cho Einstein vì phát minh của ông về hiệu ứng quang điện tử.

Còn phải trường kỳ hơn nữa là nhà vật lý học Fred Reines, người khám phá ra neutrino: ông đã phải chờ đợi 39 năm. Tuy nhiên, thâm niên chờ nhận giải Nobel của Fred Reines vẫn thua nhà sinh học Barbara McClintock: ngay từ thập niên 40 của thế kỷ trước bà đã khám phá và nghiên cứu quan trọng về các yếu tố gen, nhưng mãi hơn bốn chục năm sau, đến năm 1983, các vị giám khảo Nobel mới chịu thừa nhận thành tựu của bà và trao giải Nobel. Ở thời điểm đó, Barbara McClintock may mà còn sống (82 tuổi).

Kỷ lục buồn nhất thuộc về Ernst Ruska, làm việc cho Viện Fritz-Haber der Max-Planck-Gesellschaft tại Berlin, Đức. Đó là người đầu tiên thiết kế ra kính hiển vi điện tử vào năm 1933, nhưng mãi đến năm 1986 mới được nhận giải thưởng Nobel. Rõ ràng, để nhận giải thưởng Nobel, một giải thưởng không trao tặng sau khi đã chết, phải sớm có phát kiến và phải biết… sống lâu.

Còn Kavli - khi kể về giải thưởng của mình, ông luôn luôn nhấn mạnh là sẽ chú ý vào những phát kiến "nóng". Ý nghĩa kết quả những công trình đó sẽ được thẩm định bởi mấy chục chuyên gia trải rộng trên toàn thế giới.

Cha đẻ giải Kavli là ai?

Fred Kavli (sinh năm 1928, nay tròn 80 tuổi) là ví dụ sinh động về một người nước ngoài biết biến "ước mơ Mỹ" thành hiện thực. Sinh trưởng tại vùng quê Eresfjord, Na Uy, từ nhỏ đã biết mình có sở thích quan tâm đến khoa học khi say sưa quan sát những ánh hào quang phương Bắc, nhưng Kavli không đi vào lĩnh vực nghiên cứu.

Dưới ách chiếm đóng của bọn phát xít, xăng dầu còn quý hơn vàng, cậu bé Fred cùng các anh trai tổ chức khai thác gỗ củi bán làm nhiên liệu chạy ôtô. Thành công trong làm ăn, Fred vào học khoa Vật lý thực hành trường Đại học Công nghệ Na Uy, và anh tự mình trang trải việc học hành.

Năm 1956, nhận bằng tốt nghiệp được đúng ba ngày, với 300 USD trong túi, Kavli quyết định chuyển sang sinh sống tại Mỹ, nơi người cha vẫn giữ kỷ niệm về ba chục năm cư trú... Không rủng rỉnh tiền, không người thân thích, nhưng Kavli vẫn nhanh chóng kiếm được một công việc trong hãng chuyên sản xuất cảm biến dùng cho tên lửa vũ trụ. Khỏi mất nhiều thời gian, Kavli đã được phong làm kỹ sư trưởng, rồi nuôi ý đồ mở công ty riêng…

Trên tờ The Los Angeles Times khi đó liền xuất hiện một mẩu rao vặt: "Một kỹ sư cần tìm tài trợ để triển khai doanh nghiệp riêng" - ấy chính là của Kavli. Hai năm sau, 1958, ông đứng ra lập tổ hợp Kavlico và kết quả 42 năm hoạt động của nó là trở thành một trong những thủ lĩnh của ngành sản xuất thiết bị cảm biến dùng cho công nghiệp vũ trụ, hàng không và ôtô.

Ngoài quản lý tổ hợp Kavlico, kể từ năm 1960, ông Kavli còn tham gia thị trường bất động sản, thu về không ít lợi nhuận. Có người hỏi Kavli học như thế nào mà làm cảm biến giỏi thế, ông trả lời: "Ở nước Mỹ các ngài, cần gì phải biết tất cả, chỉ cần biết nêu câu hỏi cho đúng mà thôi".

Năm 2000, Kavli bán lại tổ hợp Kavlico cho người khác, thu về 345 triệu USD và bắt đầu làm khoa học một cách nghiêm túc: thành lập Quỹ Kavli để đỡ đầu các viện nghiên cứu, trợ cấp cho những nhà khoa học có năng lực, tài trợ cho các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học. Phương thức ủng hộ tài chính của Quỹ Kavli đã dẫn tới sự ra đời của 15 viện nghiên cứu trong những trường đại học lớn trên thế giới, tập trung vào ba lĩnh vực khoa học: vật lý thiên văn và vật lý lý thuyết, công nghệ nano và thần kinh học.

Năm 2001, Kavli hiến tặng 7,5 triệu USD cho Viện Vật lý lý thuyết Đại học Tổng hợp California ở Santa-Barbara (UCSB) nên năm 2003, Viện này mang tên Kavli.

Năm 2005, thông qua Quỹ Kavli, ông tuyên bố thành lập một giải thưởng khoa học với quỹ tiền thưởng là 20 triệu USD (trích từ 400 triệu USD của Quỹ Kavli) nhằm hai năm một lần khích lệ những công trình nghiên cứu kinh viện tài năng, không xét đến những công trình thuộc ngành vật lý thực hành.

Hiện nay, Quỹ Kavli có trụ sở tại California đang tài trợ cho các viện nghiên cứu thuộc 10 trường đại học, trong đó Mỹ được 10 trường, Trung Quốc được 2 trường, còn Anh, Na Uy, Hà Lan - mỗi nước 1 trường.

Trong 5 năm qua, Quỹ đã chi hết 75 triệu USD nhưng bù lại, có một số nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu do Quỹ Kavli tài trợ, như hai nhà vật lý học Frank Wilczek và David Gross, nhà y sinh học Richard Axel đã giành giải thưởng khoa học Nobel năm 2004. 

Vào ngày 9/9/2008 tới đây, tại Oslo, Na Uy, 7 nhà khoa học có tên trên sẽ nhận được tấm huy chương Kavli đầu tiên cùng tiền thưởng 1 triệu USD và dải băng lưu niệm. Thái tử Na Uy Haakon sẽ đích thân trao giải thưởng cho họ. Nghi lễ trao giải thưởng Kavli được truyền hình trực tiếp tới New York - nơi diễn ra Liên hoan Khoa học thế giới - để thực hiện đúng nguyện ước của người sáng lập giải: thành tựu khoa học cần được ghi nhận kịp thời và quảng bá rộng rãi

Đăng Bẩy
.
.
.