Israel đóng sập “cửa sổ nhân đạo” ở Gaza

Thứ Ba, 05/08/2014, 09:03
Bất chấp tuyên bố ngừng bắn nhân đạo trong vòng 7 giờ được Tel Aviv đưa ra trước đó chỉ vài giờ, ngay từ rạng sáng 4/8, quân đội Israel đã mở các cuộc không kích dồn dập vào nhiều mục tiêu tại dải Gaza, khiến ít nhất 10 người Palestine, trong đó có cả trẻ em, thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Theo các quan chức y tế của Gaza, hơn 1.820 người Palestine đã thiệt mạng vì đạn pháo của Israel kể từ khi Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) bắt đầu chiến dịch với tên gọi “Bảo vệ biên giới” hôm 8/7 và mở rộng sang tấn công trên bộ ngày 17/7 vừa qua ở Gaza. Trong khi đó, phía Israel cho biết, gần 70 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.

“Cửa sổ nhân đạo”

Đêm 3/8, IDF thông báo sẽ ngừng bắn từ 7h – 14h (giờ GMT – 14h - 21h giờ Việt Nam) tại tất cả các khu vực của người Palestine ở dải Gaza trừ khu vực phía Đông thành phố Rafah - “nơi các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và có sự hiện diện quân sự của Israel”, để mở ra một “cửa sổ nhân đạo”. Tuy vậy, Chỉ huy chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng, Tướng Yoav Mordechai cảnh báo rằng: “Trong thời gian ngừng bắn, nếu thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm, quân đội (Israel) sẽ đáp trả bằng hỏa lực về phía nơi xuất phát hỏa lực (của Palestine)”.

Trước đó, ngày 3/8, người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Peter Lerner xác nhận phần lớn bộ binh đã rút khỏi Gaza sau khi quân đội nước này hoàn tất việc phá hủy hầu hết mạng lưới gồm khoảng 30 đường hầm được đào dọc biên giới để phát động các cuộc tấn công vào Gaza. Vị Trung tá này cũng khẳng định chiến dịch chưa kết thúc và Israel sẽ tiếp tục triệt tiêu tiềm lực rocket của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas cũng như khả năng của phong trào này trong việc thâm nhập vào Israel.

Về phần mình, Hamas tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 giờ đồng hồ do Israel công bố là một hành động đơn phương hòng đánh lạc hướng dư luận về “các cuộc thảm sát người dân Palestine của Israel” ở vùng đất duyên hải của Palestine này. Thông cáo báo chí của Hamas nhấn mạnh, phong trào này không tin tưởng những đề xuất như vậy, đồng thời cảnh báo người dân cảnh giác cao độ.

Dải Gaza trở nên hoang tàn sau nhiều vụ oanh tạc của Israel.Ảnh: EPA.

Cũng trong ngày 3/8, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở dải Gaza đã được khởi động tại thủ đô Cairo, Ai Cập, tuy nhiên, Chính phủ Israel hoãn việc cử phái đoàn đàm phán tới tham dự. Phái đoàn cấp cao Palestine, gồm các quan chức của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), lãnh đạo các nhóm vũ trang Hamas, Jihad, đã nêu một số đề xuất với Phái đoàn trung gian Ai Cập, trong đó có việc yêu cầu mở rộng khu vực đánh bắt cá cho ngư dân Gaza trong khu vực bán kính 12km, thay vì chỉ có 4,8km như hiện nay, chấm dứt lệnh “cấm lai vãng” tại khu vực biên giới, thả các tù nhân mới bị bắt giữ, bãi bỏ lệnh phong tỏa của Israel, đảm bảo sự di chuyển tự do của hàng hóa và sự đi lại của người dân. Ông Musa Abu Marzooq, Trưởng phái đoàn Hamas tham dự đàm phán thì đưa ra tuyên bố, phái đoàn Palestine chỉ có thể đàm phán với phía Ai Cập và không có đàm phán trực tiếp với Israel.

Nỗi quan ngại của cộng đồng quốc tế

Ngày 4/8, tại thủ đô Tehran của Iran, các ngoại trưởng thuộc Ủy ban Palestine thuộc Phong trào Không liên kết (NAM) đã tiến hành phiên họp khẩn cấp kéo dài 1 ngày, tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Gaza cũng như những khó khăn trong công tác phân phát hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở vùng duyên hải đang bị bao vây này.

Tại phiên họp, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích cái mà ông gọi là "sức ì" của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) trước các cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và các tay súng Hồi giáo của Palestine tại dải Gaza, đồng thời hối thúc các nước thành viên NAM đối phó ngay lập tức với chiến dịch quy mô lớn của Israel tại Gaza.

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono thì cho rằng, cuộc xung đột hiện nay tại dải Gaza không phải là một cuộc xung đột tôn giáo, mà những vấn đề phải đối mặt hiện nay tại đây liên quan đến nhân loại, đạo đức, luật pháp và chiến tranh. Tổng thống Indonesia đã gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo thế giới, nhất là các nước lớn trong HĐBA, các nhà lãnh đạo Israel và Hamas, kêu gọi ngăn chặn đổ máu và kiến tạo một nền hòa bình lâu dài, bền vững ở Palestine.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng kịch liệt lên án các vụ tấn công của Israel gây thương vong cho dân thường, đặc biệt là đợt tấn công mới đây (hôm 3/8) nhằm vào một trường học của LHQ ở phía Nam Gaza, nơi có khoảng 3.000 người Palestine đang trú ẩn, khiến 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, đây là hành động vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế về nhân đạo, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, chiến sự gia tăng chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế và nhân đạo tại Gaza. Ông Ban Ki-moon cũng yêu cầu các bên cùng thực thi lệnh ngừng bắn, chấm dứt bạo lực để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu hiện nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thì nhấn mạnh rằng: “Israel cần đáp ứng các tiêu chuẩn và tránh gây thương vong cho dân thường”.

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) cũng lên án những hành động tội ác của Israel ở Gaza không chỉ cướp đi mạng sống của dân thường Palestine mà cả những nhân viên thuần túy làm công tác nhân đạo của LHQ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố kêu gọi giới lãnh đạo Palestine và Israel “can đảm chấm dứt bạo lực vô nghĩa” và tiến tới những dàn xếp nhằm đảm bảo hai bên cùng tồn tại hòa bình, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau

Hà Khổng
.
.
.