Israel đe dọa sử dụng quân sự chấm dứt hoạt động sản xuất hạt nhân của Iran

Thứ Tư, 06/03/2013, 08:56
Ngày 4/3, tức một ngày sau khi các hãng truyền thông Iran đưa tin về việc nước này đang chế tạo 3.000 máy ly tâm hiện đại làm giàu uranium để có thể đẩy nhanh tốc độ làm giàu uranium, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đe dọa sử dụng biện pháp quân sự mạnh để chấm dứt hoạt động sản xuất hạt nhân của nước này.
>> Iran bị cáo buộc lên kế hoạch chế tạo bom hạt nhân

Phát biểu qua đường truyền vệ tinh từ Jerusalem tới thủ đô Washington D.C (Mỹ), nơi đang diễn ra hội nghị chính sách của Uỷ ban quan hệ đối tác Mỹ - Israel (AIPAC), ông Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Những lời nói suông không đủ sức mạnh để buộc Iran dừng chương trình sản xuất hạt nhân. Các biện pháp trừng phạt cũng không đủ. Trừng phạt phải đi đôi với những đe dọa trực tiếp bằng quân sự nếu như những biện pháp ngoại giao - trừng phạt thất bại”. 

Cáo buộc chính quyền Tehran đang sử dụng thời gian để đẩy nhanh các hoạt động sản xuất và làm giàu uranium của mình, Thủ tướng Israel khẳng định, nước này sẵn sàng tổ chức các cuộc không kích nhằm vào Iran nếu cảm thấy cần thiết. Chưa hết, Thủ tướng Israel còn đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama phải có thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ khi ông này có chuyến công du Israel vào giữa tháng 3, ông Benjamin Netanyahu sẽ nêu cụ thể hơn về vấn đề này. Và mặc dù đưa ra nhiều cáo buộc nhằm vào Tehran, song Thủ tướng Israel cũng phải thừa nhận rằng cho đến nay, Iran vẫn chưa vượt qua “ranh giới đỏ” mà chính ông đã đặt ra tại Liên hợp quốc hồi tháng 9 năm ngoái.

Dẫu vậy, ông Benjamin vẫn bày tỏ lo ngại rằng, nếu Iran lắp đặt thành công thêm 3.000 máy ly tâm, nước này có thể đẩy nhanh tốc độ làm giàu uranium, chế tạo đầu đạn hạt nhân và bom hạt nhân.

Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ ra “ranh giới đỏ” trong chương trình hạt nhân của Iran.  Ảnh: AFP.

Phải nói rằng, việc Iran chế tạo thêm 3.000 máy ly tâm thế hệ mới đã làm gia tăng lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, nhất là trong bối cảnh Iran và nhóm P5+1 vừa kết thúc vòng đàm phán mới ở Kazakhstan.

Mặc dù Iran đã khẳng định, những máy li tâm mới chỉ được phát triển để làm giàu uranium dưới 5% chứ không thể đạt mức 20%, song nó cũng đã trở thành thách thức và cả lý do để các nước đang tìm kiếm ngăn chặn Iran làm giàu uranium có thêm bằng chứng để tin rằng chính quyền Tehran đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Giới quan sát nhận định, từ những thông tin nói trên, rất có thể chính quyền Tel Aviv sẽ xúc tiến việc gây sức ép với Tehran bởi chương trình hạt nhân của Iran đe dọa tới sự tồn vong của quốc gia Do Thái này và tới vị thế hiện nay của Israel như một cường quốc duy nhất ở Trung Đông có sở hữu vũ khí hạt nhân.

Người ta cũng không loại trừ khả năng Israel sẽ sớm nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề liên quan đến hạt nhân của Iran. Thực tế là hồi tháng 10 năm ngoái, tạp chí Chính trị thế giới của Mỹ từng công bố một tài liệu cho thấy, Mỹ và Israel đang chuẩn bị triển khai một kế hoạch chiến tranh ở Trung Đông trong đó Mỹ đóng vai trò chủ yếu vì quân đội Israel không có đủ nguồn lực để "đơn thương độc mã" tấn công các nhà máy làm giàu hạt nhân của Iran tại khu vực Natanz và Fordow được xây dựng sâu trong lòng đất.

Tương tự, một báo cáo mang tên "Kế hoạch Iran" của một nhóm các nhà ngoại giao và quân sự Mỹ cũng khẳng định, các cuộc tấn công Iran của Mỹ sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm và tiêu tốn của Mỹ ít nhất hàng trăm tỷ USD/năm và rằng, cuộc chiến tranh của Mỹ thành công không những sẽ đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác cho toàn khu vực.

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, trả lời phỏng vấn báo Maariv của Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng khẳng định: “Hiệu lực của việc dội bom Israel vào các cơ sở hạt nhân Iran sẽ là không đầy đủ và cần sự can thiệp quân sự của Mỹ. Các lệnh trừng phạt có thể ngăn chặn Iran thực hiện chương trình hạt nhân của mình chỉ khi trên đầu họ lơ lửng một mối đe dọa quân sự có sức thuyết phục" và rằng, cuộc tấn công phải được thực hiện trước thời điểm Iran hoàn tất quá trình làm giàu uranium tới 20%.

IAEA chưa sẵn sàng công nhận hạt nhân dân sự Iran

Phát biểu trong phiên họp Hội đồng điều hành của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Vienna, Áo, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết, cơ quan này chưa sẵn sàng công nhận chương trình hạt nhân của Iran là hạt nhân dân sự và cần thời gian để tiếp tục xác minh về nguyên liệu làm giàu hạt nhân của Iran.

Đồng thời, ông Yukiya Amano cũng cho rằng, Iran chưa thể hiện thái độ hợp tác cần thiết để IAEA có thể tiếp cận đầy đủ với chương trình của nước này. Kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, IAEA đã tiến hành ba vòng đàm phán với Iran, nhưng vẫn chưa có kết quả lạc quan. Hôm 4/3, cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry cũng đều cảnh báo Iran về thời hạn cho các giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Phó Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ ưu tiên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao không có nghĩa là chính quyền Tổng thống Barack Obama không sẵn sàng chuyển sang các phương án lựa chọn khác, trong đó có cả việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. 

Chu Nguyễn

Châu Anh
.
.
.