Iraq phản đối binh sỹ nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ

Thứ Năm, 09/10/2014, 09:19
Trong khi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu đang được mở rộng với lý do IS ngày càng nguy hiểm, thì Iraq - quốc gia đang bị IS chiếm đóng nhiều khu vực đã bất ngờ lên tiếng phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ nước này.

Chống IS không cần bộ binh nước ngoài

Hãng tin UPI ngày 8/10 đã dẫn lời tuyên bố của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi được đưa ra trước đó một ngày trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu. Theo đó, ông Haider al-Abadi tuyên bố phản đối sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ Iraq, đồng thời nhấn mạnh rằng chủ quyền của nước này cần được bảo toàn và tôn trọng, bất chấp hành động của quốc tế đối với IS.

Bình luận của Thủ tướng Iraq được đưa ra 5 ngày sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trao cho chính phủ các quyền mới để đưa lực lượng quân sự vào Syria và Iraq, cũng như cho phép lực lượng nước ngoài sử dụng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cho các chiến dịch nhằm vào IS. Nhiều nhà phân tích nhận định, lần này, chính quyền Baghdad đã thể hiện sự cứng rắn hơn trong tuyên bố và điều đó cũng cho thấy, Iraq thực sự đã hết kiên nhẫn với lối cư xử “coi thường nước này” của các quốc gia khác.

Cách đây một tuần, trong khi trả lời phỏng vấn hãng BBC, ông Haider al-Abadi cũng đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước việc các quốc gia Arab tham gia vào chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm chống IS trên lãnh thổ Iraq. Khi đó, Thủ tướng Haider al-Abdi cũng đã nhấn mạnh, việc chống IS là điều cần thiết nhưng các quốc gia phương Tây có rất nhiều cách để giúp Iraq, thậm chí cả việc hỗ trợ tài chính, vũ khí và kỹ năng cho các lực lượng an ninh nước này chống lại sự hoành hành ngang ngược của các thế lực khủng bố.

Ông Haider al-Abadi cũng không ngần ngại khi bày tỏ chính kiến của mình trước các nhà báo tham dự cuộc họp bên lề Đại hồi đồng Liên hợp quốc (LHQ) hồi cuối tháng 9. Đồng thời, Thủ tướng Iraq cũng bày tỏ lo ngại rằng, những hành động vi phạm chủ quyền của nước khác kiểu này sẽ biến Iraq trở thành nạn nhân của các cuộc trả thù từ những nhóm Hồi giáo cực đoan như những gì mà Yemen và Pakistan đã phải hứng chịu khi cho Mỹ tiến hành không kích.

Iraq đang gấp rút đào tạo các thanh niên Hồi giáo dòng Shiite để họ tham gia vào cuộc chiến chống IS. Ảnh: EFE.

Không thể đơn phương áp đặt

Như vậy, kể cả cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston tại Thủ đô Baghdad hồi cuối tháng 9, đến nay, người đứng đầu chính phủ Iraq đã không dưới 3 lần bày tỏ quan điểm của mình về chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS. Tuy nhiên, bất chấp những phản đối này, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục mở các đợt không kích mới nhằm vào các cơ sở của IS ở cả Iraq và Syria. Trong một diễn biến mới nhất, hôm 7/10, Quốc hội Canada cũng đã bỏ phiếu cho phép quân đội nước này tham gia liên minh chống Iraq với lực lượng gồm 600 quân cùng với 6 máy bay chiến đấu và một số máy bay quân sự trong vòng 6 tháng tới…

Theo nhiều nhà phân tích, quả thực, trong thời gian vừa qua, các cuộc không kích của Mỹ nhằm tiêu diệt IS đã đạt được một số thành công bước đầu. Nhưng chiến dịch này lại không hề “làm chùn bước tiến” của IS trong việc mở rộng phạm vi hoạt động khủng bố. Ngược lại, chiến dịch này chỉ mang lại những tranh cãi và mâu thuẫn mới, nhất là trong việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia.

Hôm 7/10, Đặc phái viên LHQ ở Syria Staffan de Mistura cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn việc các tay súng IS chiếm đóng thị trấn Kobani ở Syria và tạo ra các vụ thảm sát mới. Điều này cũng có nghĩa là đã đến lúc, cộng đồng quốc tế cần phải có cái nhìn rộng hơn, quyết đoán và tôn trọng các nước đang bị IS xâm chiếm để tìm ra một giải pháp hợp lý nhất trong vấn đề tiêu diệt IS. Dùng sức mạnh quân sự là điều đương nhiên, nhưng dùng nó thế nào để không tạo ra những “cuộc khủng hoảng nhân đạo” bởi hành động trả thù của IS cũng như những vấn đề pháp lý khác nảy sinh lại là một vấn đề khác. Đúng như những gì mà Ngoại trưởng Nga đã nói: “Bất cứ hành động nào trên phạm vi toàn cầu, kể cả sử dụng vũ lực nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố, đều phải được tiến hành một cách phù hợp với luật pháp quốc tế”. Không thể chống cái phi pháp bằng một hành động phạm pháp khác

Phan Hiển
.
.
.