Iraq: Nhân viên một công ty an ninh Mỹ bắn chết dân

Thứ Bảy, 22/09/2007, 09:10
Việc Chính phủ Iraq tước giấy phép hành nghề của Blackwater USA, công ty chuyên bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ tại Iraq vì tội nổ súng bắn giết bừa bãi người dân vô tội ở nước này, đã tạo nên những phản ứng khác nhau.

Giới chuyên môn cho rằng, vụ nổ súng hôm 16/9/2007 chỉ là giọt nước tràn ly bởi thời gian qua, Công ty Blackwater USA nói riêng và một số công ty trong và ngoài Iraq nói chung đã làm nhiều chuyện khiến dư luận bất bình.

Theo phát ngôn viên của Chính phủ Iraq, ông Ali al-Dabbagh thì Chính phủ Iraq không có ý định rút giấy phép của Công ty Blackwater vô thời hạn. Việc tạm ngừng hoạt động của Blackwater USA cũng đã khiến Mỹ gặp khó khăn tức thì vì thiếu vệ sĩ.

Ngày 19/9/2007, Mỹ đã quyết định hạn chế đi lại đối với các nhà ngoại giao và những quan chức Mỹ, theo đó họ chỉ nên hoạt động trong “vùng Xanh” ở thủ đô Baghdad. Đại sứ quán Mỹ tại Iraq cũng tuyên bố ngừng tất cả các hoạt động đi lại bằng đường bộ của nhân viên ngoại giao trên toàn lãnh thổ Iraq để đánh giá lại vấn đề an toàn.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã đồng ý mở một cuộc điều tra  về vụ này.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng Iraq, ngày 16/9/2007, những vệ sĩ của Công ty Blackwater đã vô cớ nổ súng khiến 8 người chết và 13 người bị thương khi họ đi qua quận Mansour, phía tây thủ đô Baghdad.

Tất cả những nạn nhân kể trên đều là người dân vô tội và họ trở thành "vật hy sinh" trước sự “tức giận” của các nhân viên làm việc cho Blackwater - trả thù vụ đánh bom xe nhằm vào một đoàn xe hộ tống các nhà ngoại giao Mỹ khi đi qua quảng trường Nisoor trở về “vùng Xanh”.

Điều đáng nói là những vụ nổ súng diễn ra trước đó của Blackwater và một số công ty cung cấp vệ sĩ khác đều được cơ quan chức năng Iraq bỏ qua và đến nay chưa có bất cứ một cá nhân hay công ty nào bị khởi tố vì tội làm chết và bị thương người dân vô tội.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Iraq lại đưa ra con số khác - có tới 20 người Iraq bị chết, chứ không phải chỉ có 8 hay 11 người như thông tin ban đầu.

Blackwater - “Nước đen” được thành lập tại bang North Carolina cách đây đúng 10 năm (1997) với số thành viên ban đầu chỉ có 6 người. Những người thành lập Blackwater đều xuất thân từ lực lượng đặc nhiệm “Báo biển” nổi tiếng ở Mỹ, trong đó có Erik Prince và Al Clark.

Sau sự kiện 11/9/2001, nhu cầu cung cấp vệ sĩ và đảm bảo an ninh tăng cao nên Blackwater phát triển nhanh chóng - trung bình tăng gấp 600 lần so với năm trước. Tính đến nay, mỗi năm Blackwater huấn luyện cho khoảng 40.000 nhân viên và người của họ đã có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những khu vực “nóng”. Chủ tịch Blackwater hiện là ông Gary Jackson.

Trong con mắt của người dân Iraq, nhân viên của Blackwater là một đám lính đánh thuê chuyên ức hiếp dân lành. Sự xuất hiện của những vệ sĩ Blackwater trên các đường phố Iraq khiến nhiều người ở đây bất bình. Tuy vậy, họ đảm bảo an ninh cho những người có nhu cầu.

Hơn nữa, Blackwater đã đảm trách được một phần công việc mà Chính phủ Mỹ đáng lẽ phải làm - bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ tại Iraq, cho dù họ nhiều lúc đã vượt khỏi tầm kiểm soát của quân đội Mỹ và luật pháp Iraq.

Hiện có tới 129.000 nhân viên bảo vệ thuộc đủ các quốc tịch đang hoạt động tại Iraq. Sự lộng hành, lạm quyền không chỉ xuất hiện tại Blackwater, mà còn ở nhiều công ty cung cấp vệ sĩ khác.

Có nhiều thông tin nói rằng, chính người Mỹ (vệ sĩ) đã giúp cựu Bộ trưởng Điện lực Ayham al-Samaraie đang phải chấp hành bản án 2 năm tù vì bị cáo buộc có dính líu tới khoản tiền tham nhũng lên tới 2 tỉ USD, đào tẩu sang Jordany.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Iraq, cựu Bộ trưởng Điện lực Ayham al-Samaraie đã được một số nhân viên đặc nhiệm Mỹ mặc thường phục cứu ra khỏi nhà tù. Điều đáng nói, đây là lần thứ hai ông Ayham al-Samaraie được người Mỹ giúp thoát khỏi nhà tù nằm trong “vùng Xanh”, khu vực được bảo vệ đặc biệt.

Theo quyết định ký hôm 17/9/2007, Blackwater phải rời khỏi Iraq ngay lập tức và không được phép tiếp tục hành nghề tại quốc gia này. Ngoài ra, cơ quan chức năng Iraq cũng sẽ tiến hành tổng kiểm tra đối với tất cả các công ty tư nhân chuyên cung cấp vệ sĩ đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Theo giới chuyên môn, hàng nghìn vệ sĩ mà các công ty tư nhân thuê ở Iraq hiện có thân phận không rõ ràng. Nếu quyết định hôm 17/9/2007 của Chính phủ Iraq được thực hiện nghiêm túc thì đây sẽ là tổn thất vô cùng nghiêm trọng đối với hoạt động của quân đội Mỹ tại Iraq, bởi Blackwater đảm trách một phần công việc đáng kể.

Tính đến nay Blackwater đã phái khoảng 1.000 nhân viên tới làm nhiệm vụ tại Iraq và họ đã ký được nhiều hợp đồng với Chính phủ Mỹ với tổng trị giá lên tới 800 triệu USD.

Được biết, Blackwater là 1 trong 3 công ty được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê bảo vệ nhân viên Chính phủ Mỹ tại Iraq, 2 công ty còn lại chỉ đảm nhiệm những công việc phụ.

Trong khi dư luận về vụ nổ súng còn chưa lắng dịu thì việc tha bổng cho Đại úy Lucas McConnell, sĩ quan quân đội Mỹ, 1 trong 8 thành viên lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ bị buộc tội liên quan đến vụ thảm sát 24 dân thường Iraq tại thị trấn Haditha năm 2005 đã diễn ra theo lệnh của Trung tướng James Mattis, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Iraq.

Theo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, binh sĩ Mỹ được miễn trừ trước bất kỳ hình thức truy tố nào tại Iraq. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Iraq Abdul-Karim Khalaf cho biết, hình thức miễn trừ này không áp dụng đối với các công ty tư nhân.

Cách đây gần 6 tháng (23/3/2007), Phó thủ tướng Iraq Salam al-Zubaie cũng đã bị mưu sát bởi bàn tay của viên vệ sĩ tiếp cận. Tuy Phó thủ tướng Salam al-Zubaie thoát chết nhưng đã có tới 9 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương.

Khi đó Thủ tướng Nouri al-Maliki không những ra lệnh cho Bộ Nội vụ rà soát lại toàn bộ lực lượng vệ sĩ, nhất là số đang bảo vệ cho các thành viên chính phủ, mà còn tính tới khả năng thuê lực lượng bảo vệ nước ngoài để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho số lãnh đạo cao cấp trong nội các, cũng như một số yếu nhân khác.

Nhiều người còn nói, không loại trừ khả năng một số công ty cung cấp vệ sĩ đứng sau những vụ bắt cóc, tống tiền và ám sát từng xảy ra trước đây

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.
.