Iran thúc giục phương Tây thay đổi chính sách đối đầu

Thứ Ba, 10/04/2012, 09:33
Căng thẳng trong vấn đề hạt nhân ở Iran phần nào đã lắng dịu khi nhóm P5+1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc và Đức) dự kiến tổ chức một vòng đàm phán mới với Tehran vào trung tuần tháng này. Trong khi đó, bên cạnh tuyên bố phản đối các loại bom nguyên tử của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, Iran cũng thúc giục nhóm P5+1 thay đổi chính sách đối đầu đang được thực thi.

Tin từ hãng AP ngày 9/4 cho biết, trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Fereidoun Abbasi đã phát đi tín hiệu rằng, Tehran sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán do nhóm P5+1 sắp xếp vào trung tuần tháng 4 (có thể là ngày 13/4) và gợi ý rằng cuộc đàm phán có thể tiến hành tại thủ đô Baghdad của Iraq. Ngoài ra, phía Iran còn hứa sẽ xem xét đề xuất cắt giảm dần việc làm giàu uranium nhưng vẫn khẳng định mục đích nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trong tuyên bố của mình, ông Fereidoun Abbasi vẫn khẳng định rằng, Iran không thể thỏa mãn 100% yêu cầu của các quốc gia phương Tây về việc từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Tuy nhiên, Tehran vẫn có thể dừng việc sản xuất uranium làm giàu ở mức độ 20% (vì theo lo ngại của Mỹ và một số quốc gia khác, thành phần uranium làm giàu ở mức độ 20% có thể sử dụng để sản xuất bom nguyên tử) nhưng vẫn tiếp tục làm giàu uranium ở cấp độ thấp, phục vụ cho ngành năng lượng điện.

Iran tuyên bố vẫn tiếp tục chương trình làm giàu uranium để phục vụ mục đích hòa bình. Ảnh: AFP.

Trước đó, vào ngày 8/4, trong cuộc hội đàm với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đang ở thăm Iran, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad khẳng định, Tehran kịch liệt phản đối các loại bom nguyên tử và vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo ông Mahmoud Ahmadinejad, Iran và Nhật Bản có thể cùng nỗ lực để tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi cũng nhấn mạnh, chương trình hạt nhân của Iran là nhằm mục đích dân sự, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán với nhóm P5+1 sẽ tạo cơ hội để Iran xây dựng niềm tin với châu Âu và Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran Alaeddin Boroujerdi thì thúc giục nhóm P5+1 thay đổi chính sách đối với vấn đề hạt nhân của Iran. Đề xuất của Iran với nhóm P5+1 là "chuyển từ chính sách đối đầu sang hợp tác với Iran" vì sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Ông Alaeddin Boroujerdi cũng đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Iran trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân nhưng nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục các hoạt động hạt nhân vì mục đích hoà bình của mình.

Như vậy, cuộc đàm phán sau 15 tháng gián đoạn giữa Iran và P5+1 đang rất được mong chờ. Dẫu vậy, đến chiều 9/4, địa điểm đàm phán vẫn chưa được quyết định. Nhiều nhà phân tích lo ngại, cuộc đàm phán này sẽ không đạt được thỏa thuận giống hai cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 2010 và tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2011. Tuy nhiên, những tín hiệu mới từ phía Iran và Mỹ lại cho thấy một niềm lạc quan mới. Tất cả bắt nguồn từ thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi tới Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei thông qua Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ông Barack Obama nói rằng, Tehran có thể phát triển chương trình hạt nhân dân sự nếu nước này có thể chứng minh rằng mình không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Tổng thống Mỹ vẫn cảnh báo, thời gian để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran đang cạn dần và Tehran nên tận dụng cơ hội đàm phán hiện tại.

Liên quan đến cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 13/4 tới, tờ Thời báo New York lại dẫn nguồn tin cho rằng, Mỹ và các quốc gia châu Âu đang lên kế hoạch yêu cầu Iran đóng cửa ngay lập tức và cuối cùng là dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở hạt nhân ngầm mới hoàn thành mang tên Fordo ở gần thành phố Qum. Các nước này dự kiến sẽ yêu cầu Iran ngừng các hoạt động làm giàu urani ở cấp độ cao và vận chuyển tất cả các thanh nhiên liệu đã được làm giàu ra khỏi lãnh thổ Iran.

Tờ báo này cũng dẫn nguồn tin từ tờ Bưu điện Washington khẳng định, cách đây 3 năm, máy bay do thám không người lái của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã xâm nhập sâu trong lãnh thổ Iran và chụp hình cơ sở hạt nhân bí mật của nước này tại thành phố Qum. Kế hoạch này còn bao gồm hoạt động nghe lén của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ về sự hình thành của lực lượng đặc nhiệm Iran, song song với việc phân tích hình ảnh thu từ vệ tinh, cũng như việc mở rộng mạng lưới do thám...

Và dù không nói rõ về việc Mỹ có ủng hộ một hoạt động quân sự nhằm vào Iran như đề xuất của Israel hay không, song những tờ báo này cũng tiết lộ thông tin rằng, sau khi biết về bí mật boongke ngầm dưới mặt đất của Tehran, giới chức quân sự Israel vẫn đang tìm kiếm các biện pháp khác để phục vụ cho mục đích phá hủy chương trình hạt nhân của Iran

Huyền Chi
.
.
.