Iran bất ngờ đề nghị hòa đàm để giải quyết căng thẳng hạt nhân

Thứ Hai, 02/01/2012, 17:45
Vào ngày cuối cùng của năm 2011 (31/12), Iran đột nhiên đưa ra đề nghị hòa đàm để giải quyết căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại ký dự luật quốc phòng trị giá 662 tỷ USD, trong đó có các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới nhằm vào Ngân hàng Trung ương và ngành Tài chính của Iran.

Tờ Người bảo vệ của Anh số ra ngày 1/1 dẫn lời của nhà đàm phán hàng đầu Iran Saeed Jalili cho biết, Iran sẵn sàng trở lại cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu với các cường quốc khác để giải tỏa nỗi lo ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này.

Hiện chương trình hạt nhân của Iran đã khiến Mỹ tăng cường thêm sự hiện diện cũng như hợp tác quân sự của nước này với các quốc gia khác trong khu vực vùng Vịnh.

Phát biểu tại cuộc gặp với các nhà ngoại giao Iran ở Thủ đô Tehran, ông Saeed Jalili nói: "Chúng tôi đã chính thức nói với họ (EU) về việc trở lại bàn đàm phán với tinh thần hợp tác". Theo hãng tin Mehr của Iran, ông Saeed Jalili sẽ gửi một bức thư đến Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton. Nội dung lá thư đề nghị hai bên nối lại đối thoại về vấn đề hạt nhân. Ông Saeed Jalili cho biết là Iran sẵn sàng thảo luận lại với các cường quốc.

Đại sứ Iran tại Đức Alireza Sheikh-Attar cho biết: "Chúng tôi sẽ sớm gửi bức thư này. Tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được lập trình sớm trong tháng 1". Đài Truyền hình quốc gia Iran cũng trích lời của Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi trong cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Trung Quốc rằng: "Iran đã sẵn sàng cho việc nối lại hòa đàm" theo đề xuất của Nga.

Được biết, từ sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nêu bật khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, EU đã dự kiến cấm vận dầu mỏ đối với Iran, một biện pháp đang được Mỹ thực hiện. Chủ đề Iran cũng đã được bàn thảo trong 4 phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong đó có đề xuất của một số quốc gia phương Tây về việc tăng cường cấm vận về kinh tế, tài chính. Sức ép lại càng gia tăng với quốc gia Hồi giáo này khi xảy ra cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Anh ở Thủ đô Tehran khiến Anh rút nhân viên ngoại giao về nước, còn các quốc gia khác thì đưa ra lời khuyến cáo với Iran.

Nhiều nhà phân tích nhận định, dự luật quốc phòng của Mỹ không chỉ có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ với Iran càng thêm căng thẳng mà còn tác động xấu tới mối quan hệ Mỹ-Nga-Trung Quốc bởi Moskva và Bắc Kinh đều thường xuyên giao thương với Tehran. Đó là chưa kể đến biện pháp cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Iran mà các nước thành viên EU đang xem xét.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi cảnh báo rằng, những biện pháp cấm vận kiểu này có thể sẽ đẩy giá dầu thô trên thế giới lên mức 200 USD/thùng

H.Chi
.
.
.