IS mở rộng tấn công ở cả Iraq và Syria

Thứ Ba, 14/10/2014, 09:48
Ngày 12/10, bất chấp các cuộc không kích của liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo, khoảng 10.000 tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đánh chiếm và kiểm soát phần lớn diện tích tỉnh Anbar, có vị trí chiến lược quan trọng ở phía Tây Iraq, bao gồm cả thủ phủ Ramadi của tỉnh này. Trong khi đó, một nhánh khác của IS thì điều nhiều vũ khí hạng nặng vây hãm thành phố Kobane ở Syria. Theo các chuyên gia, nếu chiếm được hai vị trí quan trọng này, IS sẽ kiểm soát một vùng rộng lớn từ Iraq tới Syria.

Chủ tịch Hội đồng tỉnh Anbar Sabah Al Kerhut khẳng định, các tay súng IS hiện chỉ còn cách Baghdad khoảng 13km, đang “áp sát và sẵn sàng tấn công thủ đô Baghdad”. Ông Kerhut kêu gọi Chính phủ Iraq khẩn cấp tìm sự trợ giúp quân sự của Mỹ vì sợ Anbar có thể thất thủ và rơi vào tay IS trong vòng 10 ngày tới. Trước tình thế như vậy, các quan chức Iraq đã cầu cứu Mỹ triển khai lực lượng để bảo vệ Baghdad trước nguy cơ lọt vào tay IS. Đáp lại lời cầu cứu này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey ngày 13/10 cho biết, Washington đã huy động máy bay trực thăng tấn công Apache để hỗ trợ các lực lượng Iraq trong các cuộc giao tranh với phiến quân IS ở gần sân bay của thủ đô Baghdad.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại cho rằng, bất chấp các cuộc không kích do Mỹ chỉ huy, người Iraq xét cho cùng sẽ phải chiến đấu chống lại IS hiện đang tiến chiếm nước này. Ông Kerry nói: “Theo thời gian, chúng tôi tin rằng, chiến lược sẽ được xây dựng, năng lực sẽ xây dựng, IS sẽ ngày càng bị cô lập. Tuy nhiên, cuối cùng chính người Iraq sẽ phải giành lại Iraq. Người Iraq ở Anbar sẽ phải chiến đấu vì Anbar”.

Tỉnh Anbar của Iraq có thể thất thủ và rơi vào tay IS trong vòng 10 ngày. Ảnh: AP.

Trong khi đó, tại thành phố chiến lược Kobane của Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 553 người được thống kê là thiệt mạng trong một tháng xung đột ở đây. Trong ngày 12/10, Mỹ vẫn tiếp tục không kích các mục tiêu của IS tại Kobane, còn lực lượng dân quân người Kurd thì bám trụ ở cửa khẩu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây chính là lối thoát cuối cùng cho dân thường vẫn còn mắc kẹt trong khu vực này và cũng là con đường di chuyển duy nhất của lực lượng người Kurd, vì IS đang bao vây ba mặt Đông, Nam và Tây Kobane. Các binh sĩ người Kurd nhấn mạnh, nếu bị chặn ở ngả này nữa thì lực lượng người Kurd tại Kobane sẽ hoàn toàn bị bao vây, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ quân sự khẩn cấp. Trước tình cảnh trên, ông John Kerry khẳng định sẽ không bỏ qua những bi kịch xảy ra tại Kobane, mặc dù những gì đang xảy ra tại khu vực này “không xác định các chiến lược của liên minh đối với IS”. Thêm vào đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng nêu rõ “cần phải có thời gian để liên minh hoạt động hiệu quả, xây dựng được khả năng ứng phó của quân đội Iraq. Và để bắt đầu, trọng tâm đầu tiên cần tập trung là Iraq trong khi tiến hành phá hủy các trung tâm chỉ huy, trạm nhiên liệu và trung tâm đào tạo của IS tại Syria”

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria, Staffan de Mistura, nếu IS chiếm được Kobane, các thường dân ở Kobane “rất có thể sẽ bị tàn sát”, Ông Mistura kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các thiết bị quân sự cũng như những người tình nguyện vào Kobani giúp bảo vệ người Kurd tại Syria, cũng như ngăn bước tiến của các chiến binh IS. Tuy nhiên, cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay, một hành lang như vậy là không thực tế. Theo ông Cavusoglu, để đánh bại IS cần có giải pháp toàn diện hơn. Cũng trong ngày 12/10, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi tất cả các bên hành động để ngăn chặn nguy cơ “thảm sát” dân thường ở thị trấn Kobane của Syria. Ông Ban Ki-moon nêu rõ: “Mạng sống của hàng nghìn người đang bị đe dọa bởi cuộc giao tranh giữa các phần tử thánh chiến và lực lượng người Kurd. Tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đứng lên ngăn chặn nguy cơ thảm sát dân thường ở Kobane”.

Ngày 12/10, thông qua mạng xã hội Twitter, lực lượng IS tại Iraq đã thừa nhận tiến hành ba vụ đánh bom cùng ngày gần khu văn phòng chính quyền thị trấn Qara Tapah của người Kurd tỉnh Diyala, giáp với Iran. IS cho biết, các vụ đánh bom liều chết trên do 3 thành viên người nước ngoài của lực lượng này tiến hành, gồm một người Đức, một người Saudi Arabia và một người Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 13/10, chính quyền Iraq đã cập nhật số thương vong. Theo đó, có 58 người thiệt mạng và 107 người bị thương trong các vụ tấn công trên. Bộ trưởng Nội vụ nước này xác nhận, trong số người thiệt mạng có Chuẩn tướng Ahmed al-Dulaimi.

Hà Khổng
.
.
.