IMF cảnh báo về “tam khủng hoảng” của thế giới

Thứ Năm, 14/06/2012, 11:37
Hôm 12/6, Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo về “tam khủng hoảng” mà thế giới đang đối mặt. Một mặt khuyến cáo về sự giảm sút mạnh mẽ của các nền kinh tế phát triển, mặt khác, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đề nghị các nước đang phát triển phải tăng cường khả năng phòng về chống lại các "cơn bão tài chính" nổi lên từ các nước thu nhập cao, đặc biệt là tại châu Âu.

Theo quan điểm của Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, thế giới đang đối mặt với “tam khủng hoảng” gồm giảm thu nhập đầu người, thiệt hại về môi trường và những hệ lụy xã hội khi các quốc gia ở châu Âu phải thông qua các gói viện trợ nhằm kích sự phát triển kinh tế.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay, như bà Christine Lagarde cảnh báo là các quốc gia giàu hơn muốn nâng cao GDP của nước họ trong khi có hơn 200 triệu người trên thế giới đang tìm kiếm việc làm và tỷ lệ đói nghèo ngày càng gia tăng. Các biện pháp bảo vệ môi trường, kích thích “tăng trưởng xanh” cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn khi các dự án, kế hoạch triển khai chống lại biến đổi khí hậu không được thực thi.

Theo bà Christine Lagarde, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại châu Âu và tốc độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, cộng với mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và tình hình bất ổn xã hội có thể làm giật lùi nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong việc vạch ra một tương lai phát triển bền vững hơn.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đang bàn thảo với các quan chức IMF về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thế giới hiện nay.

Một điểm đáng chú ý nữa là không chỉ các quốc gia ở châu Âu mà Mỹ cũng đang có nguy cơ chìm ngập trong nợ nần. Tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới Deloitte Touche Tohmatsu Limited có trụ sở tại thành phố New York, bang New York (Mỹ) cho biết, nếu cộng cả các khoản lãi suất phải trả cho số tiền nợ, tổng khoản nợ thực tế của chính phủ Mỹ hiện đã ở mức xấp xỉ 16.000 tỷ USD, chứ không phải hơn 15.700 tỷ như các số liệu hiện có. Vấn đề nợ của Mỹ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ một khi các nhà đầu tư không còn hứng thú cho vay thêm tiền nữa.

Hiện nước ngoài đang nắm giữ khoảng 5.000 tỷ USD trái phiếu của chính phủ Mỹ, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản mỗi nước nắm giữ khoảng 1.000 tỷ USD, tiếp đó là Brazil, Thụy Sĩ. Đây cũng là lý do tại sao trong vài năm qua, Quốc hội Mỹ đã phải nhiều lần thông qua đạo luật tăng mức trần nợ và đang cho phép mức nợ trần là 16.394 tỷ USD.

Trong khi đó, dự báo mới nhất do Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra cũng khuyến cáo, nền kinh tế thế giới có thể sẽ còn mất ổn định trong một vài năm tới. Kinh tế toàn cầu có thể sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm nay – mức phục hồi thấp nhất khi mà mối đe dọa từ các nền kinh tế phát triển ảnh hưởng đến các nước đang phát triển. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khoảng 5,3%, so với 6,1% năm ngoái và 7,4% năm 2010. Tăng trưởng của nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ sẽ vào khoảng 2,1%, trong khi Nhật Bản là 2,4%. Trung Quốc được dự báo đạt 8,2%, thấp hơn chút ít so với mức 8,4% mà WB đưa ra hồi đầu năm.

Ông Andrew Burns - Giám đốc World Bank cho biết, các nền kinh tế mới nổi phục hồi khá nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nhờ ngân sách chính phủ mạnh và kiểm soát lạm phát tốt. Tuy nhiên đến nay, mặc dù ngân sách của các nước này vẫn tốt hơn so với phát triển nhưng lại có ít khả năng thúc đẩy chi tiêu chính phủ hơn nếu cuộc khủng hoảng mới nổ ra. Vì thế, WB đề nghị các nước đang phát triển tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các "cơn bão tài chính" nổi lên từ các nước thu nhập cao, đặc biệt là tại châu Âu.

Biện pháp đầu tiên là nên thắt chặt chính sách tài chính để chuẩn bị cho một thời gian dài biến động trong nền kinh tế toàn cầu có thể đòi hỏi các liều kích thích mạnh mới từ chính phủ các nước. Các quốc gia đang có được tăng trưởng vững chắc nên tiếp tục sử dụng biện pháp này để xây dựng lại khả năng che chắn của mình

Sông Thương
.
.
.