IMF: Nhật Bản đủ tiềm lực để khôi phục kinh tế sau thảm họa kép

Thứ Sáu, 18/03/2011, 18:55
Mặc dù thảm họa động đất và sóng thần đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn cả về người và của đối với Nhật Bản, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/3 khẳng định "đất nước Mặt trời mọc" vẫn có đủ tiềm lực tài chính để khôi phục nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Caroline Atkinson, phát ngôn viên IMF, nhấn mạnh Tokyo đang có những bước đi đúng đắn nhằm khắc phục hậu quả của thảm họa kép xảy ra hôm 11/3 làm hơn 16.000 người thiệt mạng và mất tích tính đến thời điểm hiện tại. Bà cho rằng hậu quả nghiêm trọng nhất mà thảm họa động đất và sóng thần để lại cho Nhật Bản là vấn đề nhân đạo. Vì vậy, chính sách quan trọng cần được ưu tiên nhất hiện nay đó là việc giải quyết các nhu cầu nhân đạo, cơ sở hạ tầng, tái thiết và giải quyết vấn đề hạt nhân.

IMF tin tưởng với một nền kinh tế mạnh, xã hội phồn vinh, Chính phủ Nhật Bản có đủ các nguồn lực tài chính để giải quyết những vấn đề trên. Bên cạnh đó, người phát ngôn IMF cho rằng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là một trong các biện pháp hữu hiệu giúp Nhật Bản đối phó với tác động của thảm họa kép, đặc biệt khi nợ công của nước này hiện đang chiếm tới 200% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Với ý chí quật cường, sự cần cù, tình yêu lao động, người dân Nhật Bản sẽ thành công trong việc đưa đất nước ổn định trở lại. Ảnh minh hoạ, nguồn: AFP.

Trong khi đó, mạng tin Bloomberg của Mỹ cũng khẳng định với những bằng chứng trong lịch sử, thảm họa động đất và sóng thần mà Nhật Bản vừa hứng chịu lại là cơ hội để Tôkiô bước vào giai đoạn phát triển mới. Các trận động đất hay sự cố hạt nhân những năm 1855, 1923, 1945 hay 1995 đã từng cho thấy khả năng khắc phục hậu quả, cải tiến, nắm bắt cơ hội và dần trở thành một trong những siêu cường về kinh tế của Nhật Bản.

Với trận siêu động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân vừa xảy ra, người ta vẫn thấy tính kỷ luật, sự bình tĩnh và tinh thần bảo vệ cuộc sống bằng mọi giá trong chính phủ và cả người dân "xứ sở hoa anh đào".

Theo đề nghị hỗ trợ của giới chức Nhật Bản, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc Nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G-7) đã thống nhất can thiệp vào thị trường tiền tệ Nhật Bản lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua nhằm ngăn chặn tỷ giá đồng Yên tăng so với đồng USD.

Các biện pháp can thiệp ngay sau đó đã tác động tức thì tới thị trường tài chính Nhật Bản: đồng Yên đã giảm giá, theo đó 1 USD đổi được 81 Yên thay vì chỉ 79 Yên trước đó trong phiên giao dịch trước đó. Chỉ số chứng khoán Nikkei mở cửa sáng 18/3 cũng tăng 248,80 điểm (2,78%), lên 9.211,47 điểm, sau khi giảm 1,44% trong ngày 17/3.

Các nhà lãnh đạo kinh tế G-7 cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, đồng thời cam kết sẽ hợp tác theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tiền tệ cũng như sẽ đối phó với tình trạng mất ổn định của tỷ giá hối đoái

Thanh Tùng
.
.
.