Hy Lạp sẽ ra sao sau “ngày định mệnh”?

Thứ Hai, 06/07/2015, 09:39
Hoặc rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), gọi là Grexit, hoặc tiếp tục sống kham khổ trong nhiều năm tới. Rõ ràng, đất nước thần thoại đã rơi vào tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Ngày 5/7, người dân Hy Lạp đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về các đề xuất “thay đổi cải cách để lấy tiền cứu trợ” mà nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế đưa ra. Các chuyên gia phân tích rằng, bản chất của cuộc trưng cầu ý dân này là các cử tri Hy Lạp phải chọn một trong hai điều tồi tệ: hoặc rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), gọi là Grexit, hoặc tiếp tục sống kham khổ trong nhiều năm tới. Rõ ràng, đất nước thần thoại đã rơi vào tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.

“Có” thì sao, và “Không” thì sẽ thế nào?    

Khi tham gia bỏ phiếu, người dân Hy Lạp phải trả lời “Có” hoặc “Không” trước câu hỏi: “Liệu bản thỏa thuận được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại cuộc họp của Eurogroup diễn ra hôm 25/6/2015, gồm 2 phần, có chấp nhận được hay không?”. Đây là một câu hỏi dài và khó.

Vì các cử tri đều phải thông hiểu tình hình, thông hiểu những yêu cầu của chủ nợ và nhất là phải hiểu và chấp nhận thực thi những biện pháp thực tế sau đó. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây thực sự là một câu hỏi thiếu óc tưởng tượng và sự chuẩn bị, với ý định dàn dựng các cuộc đối đầu giữa lực lượng ủng hộ chính phủ và phe đối lập, chấm dứt các cuộc đối đầu liên tục với các chủ nợ, đẩy toàn bộ trách nhiệm cho chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về việc đã trực tiếp đẩy đất nước vào tình trạng vỡ nợ và phá sản.

Trên thực tế, chính trường Hy Lạp đã “phân cực” trước câu hỏi này. Phe nói “Không” gồm đảng cánh tả Syriza của Thủ tướng Tsipras, đảng cánh hữu độc lập ANEL và đảng cực hữu Aube Dorée. Trong khi phe nói “Có” gồm các đảng đối lập như Nouvelle Democratie (cánh hữu), Pasok (trung lập) và To Potami (trung lập). Đảng Cộng sản Hy Lạp kêu gọi bỏ phiếu trắng.

Trong trường hợp số phiếu chống (nói “Không”) vượt số phiếu thuận thì Hy Lạp “lợi ít, thiệt nhiều”. Thứ nhất, với kịch bản Grexit, Hy Lạp sẽ phải khởi động lại đồng nội tệ (drachma). Với đồng drachma “yếu” sẽ kích thích sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường thu hút du lịch… Tuy nhiên, đồng drachma sẽ mất giá nghiêm trọng, vào khoảng 35-40%, vì còn phải có thời gian mới lấy lại niềm tin và việc giảm nguồn lực FDI là khó tránh.

Thứ hai, số nợ cũng ngày càng gia tăng theo thời gian và sự biến động tỷ giá, trong bối cảnh không được tiếp cận các nguồn vốn trong khu vực và quốc tế, việc vay mượn sẽ khó khăn hơn trước. Cuối cùng là, việc tìm kiếm các đối tác và chủ nợ mới như Nga hay Trung Quốc cũng không dễ trong bối cảnh của một quốc gia vỡ nợ. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp khẳng định kết quả “nói không” của cuộc trưng cầu dân ý không đồng nghĩa với việc Athens phải ra khỏi Eurozone và Liên minh châu Âu (EU).

Một poster về cuộc trưng cầu với dòng chữ “Không” trong tiếng Hy Lạp tại Athens.  Ảnh: Reuters.

Theo lãnh đạo Hy Lạp, việc phản đối sẽ giúp tiếng nói của Athens “có trọng lượng hơn” trong các cuộc đàm phán sắp tới. Trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Tsipras đã một lần nữa kêu gọi mọi người bỏ phiếu “Không” đối với “tối hậu thư thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ châu Âu: “Tôi kêu gọi các bạn nói “Không” với tối hậu thư và quay lưng lại với những kẻ khủng bố bạn mỗi ngày”. Ông Tsipras cũng hối thúc người Hy Lạp “hãy quyết định sống với lòng tự trọng tại châu Âu”,

Còn trong trường hợp ngược lại, Hy Lạp sẽ ngay lập tức đàm phán về một gói cứu trợ mới. Tuy nhiên, gói cứu trợ mới này sẽ không được thỏa thuận nhanh chóng và điều này có nghĩa là việc kiểm soát khắc nghiệt đối với rút tiền và chuyển tiền có thể vẫn còn tồn tại lâu hơn so với dự đoán.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis nói, các ngân hàng sẽ mở cửa trở lại vào ngày 7/7, bất chấp kết quả trưng cầu dân ý. Đây là điều khó có thể xảy ra, trừ khi ECB đồng ý để tăng tín dụng cho các ngân hàng Hy Lạp.  ECB đang chịu áp lực rất lớn để không làm như vậy trước khi Hy Lạp có một gói cứu trợ tài chính mới.

Một khó khăn nữa là các chủ nợ của Hy Lạp đang có những quan điểm rất khác nhau. IMF cho biết sẽ không tham gia vào  gói cứu trợ thứ ba, nếu nó không bao gồm việc giảm nợ cho Hy Lạp. Trong khi đó, các nước châu Âu đã loại trừ khả năng giảm nợ cho Hy Lạp, trước khi nước này thực hiện các biện pháp cải cách.

Và những cáo buộc

Trả lời phỏng vấn tờ El Mundo của Tây Ban Nha trước thềm cuộc trưng cầu ý dân, Bộ trưởng Varoufakis đã lên án gay gắt nhóm bộ ba chủ nợ quốc tế, miêu tả hành động của họ giống như việc khủng bố: “Tại sao họ buộc chúng tôi phải đóng cửa các ngân hàng? Để gieo rắc sự sợ hãi trong dân chúng. Và gieo rắc sợ hãi được gọi là khủng bố”.

Ông Varoufakis tin rằng, chủ nợ EU muốn dân Hy Lạp đồng ý với các điều khoản cứu trợ tài chính để họ có thể “làm bẽ mặt người dân Hy Lạp” và nhận định, việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính của EU khi con số thiệt hại có thể lên tới 1.000 tỷ euro. Từ đó, mặc dù chỉ trích lối hành xử kiểu khủng bố của các chủ nợ nhưng ông Varoufakis rất tin tưởng là ngay cả khi người dân nước ông phản đối, Hy Lạp vẫn có thể đạt được thỏa thuận nào đó với các chủ nợ châu Âu.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Varoufakis một lần nữa nhắc lại cam kết sẽ từ chức nếu kết quả đợt bỏ phiếu ngày 5/7 cho thấy người dân đồng thuận với những yêu cầu của chủ nợ. Không chỉ Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ngay cả Thủ tướng Tsipras cũng chỉ trích các đối tác trong Eurozone muốn “khủng bố hóa” người dân Hy Lạp.

Phản ứng trước lời cáo buộc của Bộ trưởng Varoufakis, người đồng cấp Đức Wolfgang Schauble, một trong những người chỉ trích Hy Lạp nặng nề nhất, lại nhẹ nhàng rằng, nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì điều đó cũng chỉ là tạm thời: “Hy Lạp là thành viên của Eurozone. Không nghi ngờ gì về điều đó”.

Ông Schauble khẳng định: “Cho dù có đồng euro hay tạm thời không có nó, thì chỉ có người Hy Lạp trả lời được câu hỏi đó. Và rõ ràng là chúng tôi sẽ không để họ suy vong”.

Trước đó, ông Schauble cho rằng ông không có gì bất ngờ nếu Hy Lạp bị phá sản. Theo ông, trên cơ sở dữ liệu kinh tế và chính sách của Chính phủ Hy Lạp, ngay từ đầu, ông đã rất hoài nghi các cuộc đàm phán với Athens có thể đi tới thành công. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo việc Hy Lạp phải rời Eurozone sẽ gây ra hậu quả “khủng khiếp”, làm mất sự tín nhiệm cũng như uy tín của châu Âu với thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.