Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Nhật Bản: Tốn kém, xa rời thực tế

Thứ Hai, 07/07/2008, 08:26

Theo các con số do Chính phủ Nhật Bản công bố, nước này đã phải chi tới gần 600 triệu USD cho các hoạt động tổ chức hội nghị, sắp xếp chỗ nghỉ cho các nguyên thủ và lên kế hoạch bảo vệ an ninh. Chỉ trong 3 ngày, số tiền đủ mua hơn 100 triệu màn chống muỗi cho bệnh nhân sốt xuất huyết và cứu chữa cho 4 triệu người có HIV/AIDS trên thế giới trong vòng một năm đã "bay vèo qua cửa sổ".

Khai mạc đúng vào thời điểm giá dầu leo thang ở mức kỷ lục hơn 146 USD/thùng và kinh tế thế giới đang lún sâu vào khủng hoảng, Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp G8 diễn ra tại đảo Hokkaido (Nhật Bản) từ ngày 7 đến 9/7 được coi là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới tìm ra phương cách tốt nhất cho tình hình hiện nay. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động trước thềm hội nghị lại cho thấy cuộc họp vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.

Chi tiêu quá đà

Phải nói rằng, trong thời điểm hiện nay, Hội nghị Thượng đỉnh G8 được rất nhiều người kỳ vọng bởi họ cho rằng qua đây, những nhà lãnh đạo các nước giàu có bậc nhất thế giới sẽ đưa ra một số biện pháp giúp giải quyết tình trạng gia tăng đói nghèo hiện nay. Nhưng những thống kê của giới báo chí phương Tây lại cho thấy điều ngược lại.

Theo các con số do Chính phủ Nhật Bản công bố, nước này đã phải chi tới gần 600 triệu USD cho các hoạt động tổ chức hội nghị, sắp xếp chỗ nghỉ cho các nguyên thủ và lên kế hoạch bảo vệ an ninh. Chỉ trong 3 ngày, số tiền đủ mua hơn 100 triệu màn chống muỗi cho bệnh nhân sốt xuất huyết và cứu chữa cho 4 triệu người có HIV/AIDS trên thế giới trong vòng một năm đã "bay vèo qua cửa sổ".

Max Lawson, cố vấn chính trị cấp cao của Quỹ từ thiện Oxfam nói: "Tại sao chúng ta không đề nghị các nhà lãnh đạo phân phối tiền viện trợ đến các nước nghèo thay vì để họ tổ chức gặp gỡ và đưa ra những lời hứa".

Quả thật, những lời nhận xét nói trên không phải không có lý. Chỉ riêng việc tổ chức hội nghị thôi cũng đã tiêu tốn của chính quyền Tokyo 25,5 tỷ yên (tương đương hơn 200 triệu USD).   

Nặng tính quan liêu trong chủ đề

Một điều lạ là dù an ninh lương thực và giá nhiên liệu là mối quan tâm khẩn cấp hiện nay của thế giới, nhưng hội nghị năm nay lấy "hiện tượng Trái đất ấm dần" làm chủ đề. Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất đối với G8 chính là các vấn đề kinh tế.

Robert Hormats, Phó Chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs Corp ở New York (Mỹ) cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự hỗn loạn tài chính mà tâm điểm là Mỹ. Lạm phát lương thực và dầu mỏ là các vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới đại bộ phận dân chúng.

Do đó, theo dự đoán của nhiều người, tuy vấn đề ấm nóng toàn cầu được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự nhưng việc phản ứng thế nào trước tình trạng lạm phát leo thang và sự phát triển kinh tế toàn cầu chậm lại mới thực sự là tâm điểm.

Về vấn đề thực phẩm, các nhà lãnh đạo G8 có thể sẽ thông báo một gói trợ cấp hoặc cam kết đầu tư nông nghiệp vào các nước nghèo...

Phớt lờ các cam kết viện trợ

Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G8, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), Robert Zoellick đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G8 hành động ngay lập tức để đối phó với việc giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Các tổ chức này ước tính, thế giới cần khoảng 10 tỷ USD để đảm bảo các nhu cầu ngắn hạn của những người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ông Robert Zoellick cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh Gleneagles năm 2005, G8 đã cam kết tăng viện trợ phát triển, đặc biệt là cho châu Phi vào năm 2010, đồng thời lưu ý rằng những viện trợ này giờ đây cần thiết hơn bao giờ hết bởi châu Phi chiếm tới 2/3 các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu.

Với tư cách là người đứng đầu tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, Giám đốc WB hối thúc G8 xem xét 2 biện pháp mới nhằm "cải thiện năng lực của thế giới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra".

Còn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong chuyến công du châu Á trước thềm Hội nghị cũng dự định sẽ gây áp lực đối với các lãnh đạo G8 để họ có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết khủng hoảng lương thực, vấn đề thay đổi khí hậu và xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, bản thân các nước G8 cũng đang đối mặt với sức ép về sự suy thoái của nền kinh tế

Huyền Chi
.
.
.