Hội nghị thượng đỉnh BRICS

Thứ Sáu, 30/03/2012, 11:04
Một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS là thiết lập một ngân hàng phát triển chung, tạo quỹ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển. Tiếp đến là việc tìm tiếng nói chung để biến sức mạnh riêng thành sức mạnh tập thể.

Sự có mặt của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào; Tổng thống Brazil Dilma Rousseff; Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cùng những quan khách tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 4 (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) tại thủ đô New Dehli, Ấn Độ một lần nữa khẳng định rằng, các nước trên thế giới đang đứng trước cơ hội phát triển hiếm có nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Lãnh đạo 5 quốc gia BRICS cùng các quan khách tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/3 đều cho rằng, cần phải có nỗ lực tập thể để giải quyết mối quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, cũng như các vấn đề khác của khu vực và thế giới.

Giới truyền thông cho rằng, sau khi chính thức kết nạp Nam Phi (18/2/2011) nhóm BRICS tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của mình trên trường quốc tế cho dù chưa phải là tổ chức có tên tuổi trên thế giới bởi mới thành lập được 4 năm (2009-2012).

Một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS là thiết lập một ngân hàng phát triển chung, tạo quỹ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển. Tiếp đến là việc tìm tiếng nói chung để biến sức mạnh riêng thành sức mạnh tập thể.

Được biết, BRICS đang hướng tới việc sử dụng ngoại tệ ngoài đồng USD bởi nhóm này muốn đa dạng hóa đồng tiền giao dịch. Sự suy yếu của đồng USD hiện nay đã khiến Brazil, Trung Quốc và Nam Phi - 3/5 thành viên của BRICS muốn sử dụng thêm đồng tiền khác để giao dịch thương mại nội khối trong tương lai.

Lãnh đạo các nước BRICS tham dự hội nghị thượng đỉnh.

Dư luận và giới chuyên môn cũng quan tâm tới những tuyên bố tại Diễn đàn doanh nghiệp BRICS (28/3) của Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên. Giới kinh tế cho rằng, với sức mạnh kinh tế hiện nay, BRICS đang tái định hình bức tranh kinh tế toàn cầu, cũng như khẳng định những tác động làm thay đổi trên trường thế giới của các nước thành viên BRICS và trọng tâm của thế giới giờ đây có thể nói đã chuyển từ trục Tây sang trục Đông.

Trong khi Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma đánh giá cao tiềm lực của BRICS - chiếm 43% dân số thế giới, tiềm năng tăng trưởng thương mại và đầu tư nội khối của BRICS lớn (sở hữu 4.300 tỷ USD dự trữ ngoại hối), tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, thì Bộ trưởng Thương mại Brazil, Trung Quốc, Nga đều cho rằng, thế giới cần một công cụ tài chính đủ mạnh để tạo ra nhiều cơ hội thương mại, cũng như có thêm một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU) vượt qua khủng hoảng tài chính ở châu Âu, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết phải nhanh chóng ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Eurozone lây lan trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, BRICS là một khối liên kết khá lỏng lẻo bởi các nước thành viên gắn bó với nhau theo mô hình quan hệ song phương nhiều hơn là đa phương nhằm tối đa hóa các lợi ích quốc gia của mình. Ngoài ra, giới kinh tế còn nhận định, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, loại hình kinh tế, ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số tăng cao và nhất là tình trạng các nước rơi vào bẫy "nước thu nhập trung bình" đang là những vấn đề đối với các thị trường mới nổi.

Dư luận cũng cảnh báo, thời gian qua một số nước thành viên BRICS đã quá say sưa với tốc độ tăng trưởng cao cùng tâm lý “đuổi kịp G7” trong khi GDP bình quân đầu người của BRICS vẫn thấp hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người của G7. Dư luận cho rằng, BRICS nên hợp tác chặt chẽ hơn nữa, xóa bỏ những bất đồng để có thể gặt hái nhiều thành công hơn trong thời gian tới khi nhóm này tiếp tục là niềm hy vọng của kinh tế thế giới.

Theo báo cáo thường niên của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, các thành viên BRICS có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khá vững trong vòng 15 năm tới và sẽ vượt Mỹ sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó của ông Jim ONeal, Chủ tịch Goldman Sachs. Còn theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), BRICS đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7,1% năm 2010 và 6,4% năm 2011. Giới truyền thông đưa tin, ngoài lĩnh vực kinh tế, BRICS cũng đề cập tới một số điểm nóng trên thế giới.

Theo đó, BRICS không tuân thủ bất cứ lệnh trừng phạt đơn phương nào với Iran mà có thể gây thiếu hụt nguồn cung dầu. Được biết, các thành viên BRICS đều bày tỏ quan ngại về tác động của giá dầu thô đang có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh Mỹ và EU áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran. Với GDP đạt gần 14.000 tỷ USD, BRICS đóng góp 30% mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi Goldman Sachs đặt tên gọi BRIC để chỉ 4 nước mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) cách đây 11 năm 2001.

Tại cuộc gặp song phương hôm 28/3 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đều cam kết củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược, cũng như nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại song phương để đạt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác. Kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đã lập kỷ lục khi đạt gần 80 tỷ USD. Theo xếp hạng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong 25 trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, Trung Quốc xếp đầu bảng cùng với Mỹ, Ấn Độ thứ tư, Brazil thứ chín.

A.Huy
.
.
.