Hội nghị đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ lần thứ 4

Thứ Ba, 17/06/2008, 10:00

Hội nghị đối thoại kinh tế chiến lược Trung-Mỹ lần thứ tư diễn ra trong 2 ngày (17 và 18/6) tại Annapolis, bang Maryland, Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi nó diễn ra trong bối cảnh giá lương thực và giá dầu trên thế giới gia tăng, nhiều hội nghị quốc tế về tài chính, kinh tế đã và đang diễn ra nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Sẽ điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ?

Hội nghị cũng diễn ra đúng thời điểm Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới vừa tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 200.000 thùng/ngày kể từ 1/7/2008 nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng của thế giới. Đây là kết quả của cuộc tiếp xúc giữa Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon với Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi.

Saudi Arabia cũng đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp giữa các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ vào ngày 22/6 tới ở Jeddah để thảo luận biện pháp đối phó với vấn đề giá nhiên liệu tăng cao hiện nay.

Đồng Chủ tịch hội nghị lần này về phía Mỹ vẫn là Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, còn Trung Quốc đã có sự thay đổi - Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn thay vị trí của bà Ngô Nghi, mới nghỉ hưu. Được biết, Hội nghị đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ chính thức khởi động từ tháng 12-2006 và được tổ chức mỗi năm 2 lần.

Dư luận chung cho rằng, mở cửa thị trường tài chính tiền tệ và điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ là một trong những trọng tâm thảo luận của hai bên. Theo giới kinh tế, thời gian qua, mặc dù đồng nhân dân tệ đã tăng giá đáng kể so với đồng USD, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục hối thúc Trung Quốc điều chỉnh giá đồng NDT vì cho rằng tỷ giá hiện nay thấp hơn 40% so với thực tế và điều này khiến cho thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc luôn ở mức cao.

Ngoài ra, 2 bên cũng sẽ thương đàm xung quanh 5 lĩnh vực quan trọng như quản lý kinh tế, tài chính vĩ mô, phát triển và bảo vệ vốn, lợi ích của việc mở cửa thị trường, đầu tư và tạo cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường.

Mỹ cho rằng, hội nghị không chỉ giúp cho Mỹ và Trung Quốc hiểu nhau hơn trong lĩnh vực thương mại, mà còn giúp 2 nước tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Giới kinh tế cho rằng, việc cải cách tỷ giá hối đoái là vấn đề cấp thiết đặt ra cho Trung Quốc trong cả trung và dài hạn. Và một tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ giúp chính sách kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc phát huy hiệu quả hơn trong việc kiểm soát lạm phát và cũng sẽ giúp tạo ra những sự thay đổi về cấu trúc kinh tế mà Trung Quốc đang cần để cân bằng thương mại.

Trước khi diễn ra hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson từng tuyên bố, cán cân thương mại Trung - Mỹ sẽ hợp lý hơn nếu tỷ giá đồng nhân dân tệ được điều chỉnh sát với thực tế hơn. Hiện các doanh nghiệp Mỹ đều cho rằng, đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn thực tế là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên và khiến cho nước Mỹ mất hơn 3 triệu việc làm kể từ năm 2001.

Theo thống kê, thâm hụt thương mại trong tháng 4-2008 của Mỹ đã lên tới trên 60 tỷ USD và 1/3 trong số này là thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy không phải là nội dung chính, nhưng những thách thức trong việc quản lý kinh tế hiện nay cũng là vấn đề được các nhà đàm phán quan tâm, thảo luận. Giới chuyên môn cũng quan tâm tới vai trò của sự hợp tác thương mại, kinh tế Mỹ - Trung sẽ có những đóng góp gì cho thế giới trong giai đoạn vật giá leo thang.

Tiếp tục đàm phán để tháo gỡ bế tắc

Vấn đề tăng giá nhiên liệu và lương thực tại Mỹ và Trung Quốc, cũng như cuộc khủng hoảng tín dụng và sự suy thoái trên thị trường nhà đất tại Mỹ cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này. Tại hội nghị lần trước (diễn ra tại Bắc Kinh cuối năm 2007), Trung - Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về hợp tác giám sát an toàn thực phẩm, dược phẩm, xây dựng quy hoạch hợp tác năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tạo được bước đột phá nào về tỷ giá đồng nhân dân tệ cũng như tình trạng nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc…

Cách đây hơn 2 tháng (3/4), khi tiếp Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng tuyên bố, hợp tác kinh tế là một phần quan trọng và là nền tảng trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nhấn mạnh, Hội nghị đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ đã trở thành kênh quan trọng, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược và phát triển hợp tác cùng có lợi.

Tính đến nay, hợp tác kinh tế Mỹ - Trung đã được mở rộng trong lĩnh vực thương mại, tài chính và đầu tư. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc đang thực hiện những biện pháp tích cực để cân bằng cán cân thương mại song phương, đồng thời hy vọng, Mỹ sẽ giảm các rào cản thương mại đầu tư và hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ kinh tế 2 nước cùng ổn định, phát triển. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson cũng kêu gọi Trung Quốc hạ bớt mức thuế nhập khẩu đối với những sản phẩm và công nghệ bảo vệ môi trường.

Hai bên đã thiết lập nguyên tắc trong đối thoại, đó là hai bên cùng thắng. Theo đó khi mưu cầu lợi ích của mình cũng quan tâm tới lợi ích của đối tác. Hai bên cũng thống nhất quan điểm đàm phán - cho dù ai trở thành người kế nhiệm Tổng thống Bush đều phải coi trọng sự phát triển ổn định, lành mạnh Trung - Mỹ. Và để Hội nghị đối thoại kinh tế chiến lược Trung - Mỹ lần thứ tư thành công, hai bên nhất trí quan điểm, đó là cùng có lợi, cùng thắng và tiếp tục đối thoại

Quốc Trung
.
.
.