Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow 2019:

Chung tay đối phó thách thức và mối đe dọa an ninh đương đại

Thứ Bảy, 27/04/2019, 06:29
Với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trên khắp thế giới, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 8, diễn ra từ ngày 23 đến 25-4, đã khẳng định được tầm quan trọng của một diễn đàn quốc tế; nơi các vấn đề an ninh có ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn đinh của khu vực và thế giới được đưa ra thảo luận sâu rộng, nhằm "mở khóa" giải pháp tăng cường an ninh xuyên quốc gia.


Nâng tầm đối thoại an ninh

Được tổ chức lần đầu vào năm 2012, Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow (MCIS)  - một sáng kiến của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga - đang dần khẳng định được tầm quan trọng của mình, thu hút nhiều đại biểu là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chuyên gia quân sự từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế tham gia. Từ năm 2012 đến nay, quy mô và thành phần tham dự hội nghị không ngừng tăng lên. Năm nay, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 8 (MCIS-8) thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ 111 nước và 7 tổ chức quốc tế có uy tín trong đó có gần 30 Bộ trưởng Quốc phòng.

Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 8 (MCIS-8) thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ 111 nước và 7 tổ chức quốc tế có uy tín. Ảnh: MCIS

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân độ Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã tham dự hội nghị.

Trong lá thư chào mừng hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hội nghị đã tập hợp những người đứng đầu Bộ Quốc phòng, những đại diện của Bộ Chỉ huy cao cấp quân đội các nước, các chuyên gia quốc tế hàng đầu để thảo luận các vấn đề và thách thức an ninh nhức nhối nhất mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải. Mối quan tâm lớn của các quốc gia đã cho thấy Hội nghị An ninh quốc tế Moscow nằm trong số diễn đàn có uy tín nhất về lĩnh vực an ninh.

Từ đó, Tổng thống Putin bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị sẽ góp phần đoàn kết những nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, giải quyết các xung đột khu vực và bảo đảm an ninh toàn cầu, thực hiện những sứ mệnh gìn giữ hòa bình cần thiết.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thượng tướng Alexander V. Fomin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cũng khẳng định: "Sự tham gia đông đảo của các quốc gia và tổ chức tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc đối thoại, cũng như sự thiếu vắng của các diễn đàn đối thoại quốc tế".

"An ninh quốc tế phần lớn phụ thuộc vào mức độ tin tưởng giữa các quốc gia và cách duy nhất để tin tưởng chính là đối thoại", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga nhấn mạnh.

Mở khóa giải pháp tăng cường an ninh xuyên quốc gia

Kéo dài trong 3 ngày từ 23 đến 25-4, chương trình nghị sự của MCIS-8 tập trong vào việc định hình quan điểm và cách tiếp cận mới về hợp tác an ninh và quân sự quốc tế, cung cấp không gian trao đổi về thách thức và mối đe dọa an ninh đương đại, bao gồm cả việc cải thiện hệ thống kiểm soát vũ khí.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Alexander V. Fomin nhấn mạnh, các phiên toàn thể của MCIS-8 đã thành công trong việc làm rõ các thách thức và mối đe dọa an ninh đương đại trên toàn cầu và ở khu vực, chỉ ra sự thất bại của IS tại Syria và Iraq cũng như các mối đe dọa khủng bố trong điều kiện biến đổi của chúng, nêu bật các phương pháp tiếp cận mới về hợp tác về quân sự trong nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế, và các khía cạnh an ninh khu vực của nền văn minh châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.

Đặc biệt, 4 phiên thảo luận chuyên đề với các nội dung "Cách mạng màu và chiến tranh phức hợp: Đặc điểm chung và đặc tính riêng", "Phòng thủ chống tên lửa và triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ", "Bắc Phi: Chủ nghĩa khủng bố và di cư bất hợp pháp", và "Sự khôi phục và phát triển tại Syria và Iraq, hồi hương người tị nạn" đã đặt lên bàn đối thoại những vấn đề bức thiết nhất tại những điểm nóng an ninh trên thế giới, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp nhằm tăng cường an ninh giữa các quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev khẳng định những cuộc xung đột và các điểm căng thẳng có ở khắp nơi, không trừ ngóc ngách nào trên toàn cầu.

Ông Patrushev cho rằng, nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng quốc tế là xây dựng một thế giới không có xung đột và bạo lực. "Điều này chỉ có thể thực hiện trong điều kiện tuân thủ thiện chí của các nước nhận về mình các thỏa thuận quốc tế, cũng như củng cố các nền tảng tập thể, mà trước hết là cơ chế của Liên hợp quốc.

Sự hợp tác giữa các nước và nhân dân chúng ta cần dựa trên nguyên tắc không phải là độc tài và áp lực, mà trên cơ sở tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, tôn trọng văn hóa, truyền thống và lợi ích của nhau", ông nhấn mạnh.

Đây cũng chính là thông điệp được các đại biểu tham dự MCIS-8 nhất trí, theo đó cam kết thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường tin tưởng, nỗ lực đảm bảo an ninh xuyên quốc gia.

Trong bối cảnh Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từ chối tham dự MCIS-8, các đại biểu tham dự MCIS-8 đều đồng lòng khẳng định rằng, chỉ có những hợp tác trên tinh thần xây dựng và đoàn kết mới có thể giải quyết được sự gia tăng của những thách thức và mối đe dọa an ninh toàn cầu.

An Nhiên
.
.
.