Hội nghị APEC-16: Nói không với bảo hộ thương mại

Thứ Hai, 24/11/2008, 08:20

Với chủ đề "Một cam kết mới cho sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương", Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 16 (APEC-16) quy tụ hầu hết nguyên thủ các nền kinh tế thành viên tham dự đã diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23/11, tại thủ đô Lima, Peru.

Các nhà lãnh đạo trông coi 1/2 nền kinh tế thế giới đã cam kết không nâng các rào cản thương mại trong năm tới nhằm tránh làm trầm trọng thêm khủng hoàng tài chính toàn cầu. Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hoà Peru Alan Garcia Perez, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Peru và tham dự Hội nghị nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư giữa các nền kinh tế APEC.

Dỡ bỏ mọi rào cản thương mại

Với trọng tâm của chương trình nghị sự là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngay trong ngày họp đầu tiên 22/11, các nguyên thủ quốc gia thành viên APEC đã phát đi lời kêu gọi khởi động lại vòng đàm phán thương mại Doha; đối phó với tăng giá lương thực và hàng hóa, biến đổi khí hậu, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp...

Đáng chú ý nhất là khi Hội nghị APEC-16 mới đi được nửa chặng đường, các nhà lãnh đạo APEC đã ra tuyên bố chung trong đó khẳng định không giải quyết khủng hoảng kinh tế bằng việc dựng lên các hàng rào thương mại vào năm 2009; ủng hộ tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) hồi tuần trước.

Tuyên bố chung ghi rõ: "Có một nguy cơ rằng nhiều nền kinh tế sẽ kêu gọi các biện pháp bảo hộ do tăng trưởng kinh tế thấp. Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến khủng hoảng hiện tại gia tăng. Chúng tôi ủng hộ Tuyên bố Washington và sẽ không nâng các rào cản trong đầu tư, thương mại hoặc dịch vụ trong vòng 12 tháng tới".

Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC đều cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ chỉ làm tình hình kinh tế hiện tại thêm trầm trọng. Nhấn mạnh tính quan trọng của việc tự do hóa thương mại, từng nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên APEC đã có những lời phát biểu sâu sắc.

Tổng thống Mỹ George Bush kêu gọi các nước APEC dựa vào tự do thị trường để giải quyết khủng hoảng. Còn Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thì nhắc đến những nguy cơ của việc nâng hàng rào thương mại: "Nhiều công ty sẽ phá sản, vô số công việc sẽ bị mất đi trong khi các quốc gia nhỏ và nghèo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất".

Trong chương trình, Hội nghị đã đưa ra dự án khu vực tự do thương mại trong toàn vùng châu Á -Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo APEC cam kết sẽ đi tới nhất trí vào tháng tới về một đề cương thoả thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đề cương bị sụp đổ hồi tháng 7 vừa qua sau 7 năm thương thuyết. Những lo ngại về khủng hoảng tài chính toàn cầu làm tăng sự cấp bách hoàn tất Vòng đàm phán thương mại Doha.

Tổng thống Mỹ George Bush hứa, trong hai tháng cuối còn làm Tổng thống, ông sẽ "thúc đẩy mạnh" để có được một thoả thuận nhằm giúp hoàn tất Vòng đàm phán Doha của WTO.

Cam kết mới cho sự phát triển

Có thể nói rằng, Hội nghị APEC lần này đã thực sự để lại dấu ấn mạnh mẽ cả về chất và lượng. Lượng khách tham gia hội nghị lớn nhất trong lịch sử APEC với Mỹ có 900 người, tiếp theo là Nhật Bản (500 người) và sau đó là Trung Quốc với 300 người.

Tuyên bố của Hội nghị cũng nhấn mạnh cam kết của APEC về tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, tiếp tục các nỗ lực giải quyết vấn đề đói nghèo, bệnh tật, khủng bố, biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Đây là một kết quả quan trọng của Hội nghị cấp cao APEC-16, thể hiện sự ứng phó kịp thời của APEC và gửi đi một thông điệp tích cực đối với khu vực và thế giới.

Đáng chú ý là cuộc đối thoại trực tiếp của các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), gồm đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Rõ ràng, APEC đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết khủng hoảng, tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm tạo môi trường ngày càng mở cửa, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Trước tình hình giá lương thực và hàng hóa biến động khó lường trong năm 2008, các nhà lãnh đạo APEC cũng đã ủng hộ đề xuất của ABAC về củng cố Hệ thống Lương thực APEC (AFS) và hoan nghênh Kế hoạch hành động về an ninh lương thực đã được các Bộ trưởng thông qua. Kế hoạch hành động này đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề bất ổn giá lương thực, nghiên cứu phát triển, công nghệ sinh học, viện trợ lương thực, minh bạch hóa thị trường hàng hóa nông nghiệp và vấn đề an sinh xã hội.

Trách nhiệm của Việt Nam

Trở thành thành viên chính thức của APEC vào tháng 11/1998, 10 năm qua, sự tham gia của Việt Nam trong APEC đã mang lại nhiều tác động tới tiến trình hội nhập, sự tăng trưởng và phát triển của đất nước trên nhiều phương diện. APEC là một trong số các diễn đàn đã đem lại những lợi ích thiết thực cho đất nước ta và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các dự án hợp tác của Quỹ APEC tuy không lớn, đã đóng góp vào việc nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như thủy sản, nông nghiệp, du lịch, phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh cũng như tăng cường kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập. Bên cạnh đó, APEC còn là một kênh quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương với các nền kinh tế trong khu vực.

Sự tham gia tích cực chủ động của Việt Nam trong APEC cũng đã góp phần giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC thông qua các sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển; củng cố hệ thống thương mại đa phương; đối phó với các nguy cơ khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; cải cách APEC hiệu quả và năng động phù hợp với những phát triển mới của tình hình khu vực và thế giới.

Phát biểu tại phiên họp hôm 22/11, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hoan nghênh Chính phủ các nền kinh tế thành viên APEC và các thể chế tài chính quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp nhanh, mạnh để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường tài chính và hạn chế tác động của khủng hoảng. Chủ tịch nước đề nghị các nền kinh tế lớn cần mở cửa thị trường, khôi phục lòng tin, chống lại mọi hình thức bảo hộ, thúc đẩy Vòng đàm phán Doha sớm đạt kết quả, đồng thời cần tiếp tục dành ưu tiên giải quyết những thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, môi trường.

Chủ tịch nước cũng đề nghị các nước sản xuất lương thực cần phát huy hết nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các thành viên trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

Nhằm chia sẻ gánh nặng của các thành viên đang phát triển trong việc thực hiện những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc đề nghị các nền kinh tế phát triển trong APEC cam kết tiếp tục viện trợ ODA cho các thành viên đang phát triển. Sáng kiến này được đánh giá cao và sẽ được ghi nhận trong Tuyên bố của các lãnh đạo về kinh tế toàn cầu

Huyền Chi
.
.
.