Hillary Clinton công du châu Á

Thứ Hai, 16/02/2009, 08:36

Dư luận quốc tế đang dõi theo chuyến công du 4 quốc gia châu Á (Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc) của Ngoại trưởng Hillary Clinton (từ 15 đến 22-2) bởi nó diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những chuyển biến nhanh và nhạy cảm.

Nhất là khi các vòng đàm phán 6 bên đang rơi vào bế tắc và CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị tích cực để thử tên lửa tầm xa vào cuối tháng 2.

Tái khẳng định vai trò của Mỹ tại châu Á

Khác với những người tiền nhiệm, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chọn châu Á trong chuyến công du đầu tiên của mình và Nhật Bản là quốc gia đầu tiên cựu Đệ nhất phu nhân đặt chân tới.

Giới bình luận nhận định, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton chọn Nhật Bản làm điểm dừng đầu tiên trong chuyến công du châu Á bởi tân Ngoại trưởng muốn xoa dịu sự bất bình mà bà đã tạo ra khi tuyên bố trong thời gian vận động tranh cử trước đây. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jim Steinberg cũng nhấn mạnh, quan hệ đồng minh với Nhật Bản là nền tảng cho chính sách của Mỹ ở châu Á.

Phát biểu trước chuyến công du, bà Hillary Clinton nhấn mạnh tới việc củng cố những quan hệ đối tác và đồng minh truyền thống. Mỹ muốn củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tái khẳng định vị trí của họ trong chiến lược ngoại giao mà Washington đang tiến hành. Bà Hillary Clinton sẽ ký một thỏa thuận chuyển 8.000 lính Mỹ từ Okinawa tới đảo Guam của Mỹ, đồng thời cam kết gặp một số gia đình những người bị bắt  ở CHDCND Triều Tiên trong thời kỳ Chiến tranh lạnh khi tới Nhật Bản (từ ngày 16 đến 18/2).

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone trước đó, bà Hillary Clinton đã nhấn mạnh, sẽ đề cập tới việc giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc hồi thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Dư luận cũng đang chú ý tới khả năng gặp thủ lĩnh đảng Dân chủ đối lập ở Nhật Bản, ông Ichiro Ozawa của bà Hillary Clinton bởi coi đây là động thái gây hại đối với Thủ tướng Taro Aso.

Tuy là điểm dừng chân thứ hai, nhưng việc tới thăm Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới của bà Hillary Clinton đã thể hiện sự quan tâm cũng như thái độ của Mỹ đối với những vấn đề nhạy cảm nhất, gai góc nhất mà cuộc chiến Iraq và Afghanistan đang đặt ra.

Không chỉ là quốc gia Hồi giáo lớn nhất, Indonesia còn là nước đông dân thứ tư thế giới và là nơi Tổng thống Barack Obama từng theo học và sống với mẹ đẻ khi mới 6 tuổi. Theo kế hoạch, khi tới Indonesia (từ 18 đến 19/2), tân Ngoại trưởng sẽ thông báo việc nâng cấp quan hệ giữa Mỹ với ASEAN, tổ chức vốn bị chính quyền của cựu Tổng thống Bush coi nhẹ.

Ông Michael Green, chuyên gia về châu Á, nguyên cố vấn của cựu Tổng thống Bush cho rằng, bà Hillary Clinton đã đúng khi tập trung nỗ lực ngay từ đầu để xử lý những thách thức cũng như  cơ hội mà châu Á đặt ra - sử dụng "quyền lực mềm" - thông qua kinh tế, văn hoá và ngoại giao để giải quyết các bất đồng. Chuyên gia nghiên cứu Đông Bắc Á Bruce Klingner cũng cho rằng, bà Hillary Clinton muốn lấy lòng các đồng minh kể trên vì những bất đồng với chính quyền của cựu Tổng thống Bush...

Tăng cường và mở rộng quan hệ, hợp tác với Trung Quốc

Phát biểu trước chuyến công du châu Á,  Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh, Washington muốn mở rộng và tăng cường quan hệ với châu Á, muốn hợp tác tích cực hơn, hiệu quả hơn nữa với Trung Quốc trong thời gian tới. Bà Hillary Clinton cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và sự thịnh vượng không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà trên toàn thế giới.

Mặc dù là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 nước châu Á, nhưng những vấn đề mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đặt ra khi tới Trung Quốc được coi là quan trọng nhất, trong đó có vấn đề hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên, và thảm họa người tị nạn tại Darfur, Sudan, nơi Trung Quốc đang có ảnh hưởng chính trị và kinh tế rất lớn.

Bà Hillary Clinton cho rằng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên luôn là "thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định tại khu vực Đông Bắc Á". "Vấn đề Triều Tiên" là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự bởi Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, CHDCND Triều Tiên xứng đáng được hưởng các quyền lợi chính trị - đề xuất một hiệp ước hòa bình, bình thường hóa quan hệ và tăng cường viện trợ cho CHDCND Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Cuộc khủng hoảng kinh tế, sự thay đổi khí hậu và tìm kiếm năng lượng sạch cũng sẽ là những vấn đề được bà Hillary Clinton đề cập khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Dự kiến Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ tiếp tục tái khẳng định tuyên bố trước đây khi tới Trung Quốc - thông qua hợp tác, Mỹ và Trung Quốc đều có thể cùng hưởng lợi và cùng nhau góp sức xây dựng cho sự thành công của mỗi nước.

Cũng trong các cuộc hội đàm, bà Hillary Clinton sẽ đề cập tới việc nối lại các cuộc đàm phán quân sự Mỹ - Trung vốn bị ngưng lại sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh, Washington muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với Bắc Kinh.

Bà Hillary Clinton từng tuyên bố (27/1), chính quyền mới của Mỹ muốn đối thoại với Trung Quốc về tất cả các vấn đề. Có người cho rằng, tân Ngoại trưởng quan tâm tới Trung Quốc bởi chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton là người coi trọng quan hệ Trung - Mỹ. Giới chuyên môn nhận định, quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới bởi vai trò của Trung Quốc trong chiến lược thế giới, cũng như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang theo đuổi không ngừng tăng lên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng, duy trì quan hệ cấp cao giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và chuyến thăm của bà Hillary sẽ góp phần duy trì và tăng cường tiếp xúc thân mật giữa chính phủ hai nước.

Khi mới nhậm chức, ông Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, trong đó nhấn mạnh tới việc duy trì mối liên hệ và các cuộc trao đổi quan chức cấp cao giữa 2 nước

Quốc Trung
.
.
.