Hiểm họa khủng bố ở châu Âu

Thứ Bảy, 17/01/2015, 10:02
Sau loạt vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin ở thủ đô Paris (Pháp), bóng ma khủng bố cực đoan đã dần phủ đen cuộc sống của người dân châu Âu, nhất là khi vào ngày 16/1, Bỉ - quốc gia vốn được xem là yên bình trong lòng lục địa già này đã phải nâng mức đe dọa an ninh toàn quốc lên mức tình trạng an ninh khá nghiêm trọng.

Từ các chiến dịch truy kích khắp châu Âu

Trong một tuyên bố được đưa ra vào rạng sáng 16/1, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố, Bỉ đã quyết định nâng mức cảnh báo an ninh từ mức 2 lên mức 3 trong thang mức cảnh báo gồm 4 cấp. Mức này có nghĩa tình trạng an ninh khá nghiêm trọng. Lý giải về động thái này, ông Charles Michel cho biết, quyết định được đưa ra sau cuộc họp khẩn của nội các bởi trước đó, cảnh sát nước này đã thông báo về vụ tiêu diệt hai nghi phạm khủng bố và bắt giữ hàng loạt nghi phạm khác trong 10 cuộc đột kích tại trung tâm thành phố Verviers ở miền Đông, thủ đô Brussel và một số vùng ngoại ô hôm 15/1.

Công tố viên Eric Van Der Sypt, người tham gia chỉ huy chiến dịch này cho biết, những kẻ bị tiêu diệt và bị bắt giữ đã đọ súng khốc liệt với lực lượng chống khủng bố Bỉ. Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Một số nghi phạm được xác định đã từng đến một số quốc gia ở Trung Đông như Iraq, Syria. Những kẻ khác thậm chí còn ngang nhiên bày tỏ thái độ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Giới chức Bỉ cho rằng, những kẻ này đều thuộc một nhóm chiến binh thánh chiến người Bỉ mới trở về nước sau khi tham chiến cùng IS ở Syria. Khi về nước, chúng dự định tiến hành các cuộc tấn công tương tự như ở Pháp. Táo tợn hơn, chúng còn lên kế hoạch đặt bom tại trụ sở cơ quan cảnh sát và Viện công tố Bỉ. Cơ quan điều tra Bỉ đang xem xét khả năng những kẻ này có quan hệ với những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt ở Pháp.

Các chuyên gia hình sự đang kiểm tra hiện trường vụ truy kích và tiêu diệt 2 nghi phạm khủng bố.Ảnh: Reuters.

Tờ Joods Actuel dẫn bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình iTele (Pháp) của Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynder cho biết, các trường học của người Do Thái ở Antwerp và Brussels được lệnh tạm đóng cửa vì nằm trong danh sách mục tiêu tấn công của nhóm khủng bố này.

Trước nguy cơ khủng bố lan rộng, nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đã “noi gương” Bỉ, tiến hành nhiều cuộc truy quét và tăng cường biện pháp an ninh, nhất là tại những cơ sở trọng điểm. Như ở Áo, cảnh sát tuần tra thường xuyên trên đường phố thủ đô Vienna, nhà ga xe lửa, sân bay và trung tâm mua sắm. Chưa hết, Áo còn công bố một gói biện pháp an ninh chống khủng bố được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực ứng phó trước các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra như cung cấp thêm xe bọc thép hạng nặng, áo giáp chống đạn và trực thăng. Công nghệ theo dõi và giám sát qua video cũng được Áo chú trọng đầu tư, song song với việc cải thiện an ninh mạng và thành lập thêm cơ sở huấn luyện lực lượng đặc nhiệm…

Ở Tây Ban Nha, cảnh sát cũng đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi vì đã gửi các tin đe dọa khủng bố đến một số nhân vật nổi tiếng, phóng viên và quan chức chính phủ. Những nhân vật bày tỏ sự ủng hộ chủ nghĩa khủng bố trên mạng Internet thì bị theo dõi và kiểm soát do lo ngại họ có thể là đầu mối liên hệ cho bọn khủng bố tiến vào nước này.

Tương tự, cảnh sát Đức đã bắt giữ một đối tượng tình nghi ủng hộ IS. Tên này mang quốc tịch Đức và Tunisia, mới trở về sau thời gian sống ở Syria và bị nghi tham gia các khóa huấn luyện chiến đấu của IS. Riêng ở Italia, các viện công tố tại nhiều thành phố đang điều tra hơn 30 người Hồi giáo sống ở nước này nhưng lại có “cảm tình” với phong trào thánh chiến Hồi giáo. Đồng thời, cảnh sát đã yêu cầu các cơ quan truyền thông lớn có trụ sở ở thủ đô Rome phải tăng cường biện pháp an ninh nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố.

Đến cuộc điều tra ở Pháp

Trong lúc này, cuộc điều tra khủng bố ở Pháp đang có nhiều tiến triển. Ngày 16-1, khám xét nơi ẩn náu của kẻ khủng bố bắt cóc con tin tại cửa hàng tạp hóa của người Do Thái Amely Coulibaly tại Gentilly, ngoại ô thủ đô Paris, cảnh sát đã thu giữ một loạt vũ khí, từ súng Kalashnikovs, AK47 đến mìn và lựu đạn hơi cay. Ngoài ra, cảnh sát còn tìm thấy những lá cờ đen của IS, quân trang, đạn dược và một số thẻ căn cước. Rà soát các mối quan hệ của Amely Coulibaly và kết hợp với những thông tin tình báo khác có được, cảnh sát Pháp đã bắt giữ thêm 12 nghi phạm khủng bố Hồi giáo và tìm kiếm sự hỗ trợ của Interpol trong việc truy đuổi bạn gái của tên này là Hayat Boumediene.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng, chưa bao giờ thách thức khủng bố từ “những kẻ thù nội địa” lại đè nặng lên nước Pháp như hiện nay. Ông Manuel Valls còn cho biết thêm rằng, những thông tin về tình báo Mỹ tiết lộ xung quanh việc chi nhánh mạng khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Arab cung cấp cho hai anh em nhà Kouachi 20.000 USD để tấn công khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo cho thấy, nguy cơ có thể lặp lại những vụ tấn công tương tự. Vì thế, không chỉ có cảnh sát, quân đội cũng đã triển khai 10.500 binh sĩ để bảo vệ an ninh trên khắp đất nước, đặc biệt là các khu vực nhạy cảm như nhà thờ, thánh đường, trường học…

Dự kiến, vào tuần tới, Pháp sẽ đưa dự thảo luật mới về chống khủng bố.

Và cam kết chính sách mới về Hồi giáo

Song song với các biện pháp quân sự và an ninh để chống khủng bố, châu Âu cũng thực thi chiến dịch chống bài Hồi giáo nhằm ngăn chặn sự chia rẽ sắc tộc, tôn giáo đang âm ỉ cháy kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở Pháp. Và để xóa nhòa những mâu thuẫn có thể nảy sinh, hôm 15/1, Tổng thống Pháp Francois Hollande tiếp tục đưa ra những tuyên bố rằng, “người Hồi giáo là nạn nhân chính của sự cuồng tín, trào lưu chính thống và sự cố chấp”. Vì thế, theo ông Francois Hollande, toàn thể nước Pháp phải đoàn kết trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp.

Tại thủ đô Berlin của Đức, phát biểu trước Hạ viện, Thủ tướng Angela Merkel cũng cam kết bảo vệ người Do Thái, người Hồi giáo đang sống tại nước này khỏi định kiến. Bà Angela Merkel cho rằng, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ mạnh mẽ là cách tốt nhất để đối phó với bạo lực cực đoan.

Gia Nam
.
.
.