Hậu khủng hoảng nợ công tại Mỹ: Những hệ lụy khó kiểm soát

Chủ Nhật, 20/10/2013, 09:10
Ngày 18/10 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Barack Obama cảnh báo, cuộc khủng hoảng ở Mỹ khuyến khích kẻ thù của Washington, nhưng cuộc nội chiến vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ông Barack Obama cũng khẳng định, không có ai giành chiến thắng trong việc khiến chính phủ phải đóng cửa vì uy tín của nước Mỹ bị tổn hại bởi vấn đề này. Ông Barack Obama còn khuyến cáo, Quốc hội không thể điều hành đất nước bằng việc lê lết từ khủng hoảng này tới khủng hoảng khác.
>> Các cuộc thương lượng về ngân sách ở Mỹ: "Ngã giá" không thành

Mặc dù Tổng thống Barack Obama cam kết, chính phủ sẽ chi trả đầy đủ lương cho toàn bộ 2 triệu nhân viên liên bang phải nghỉ việc trong thời gian chính phủ đóng cửa, nhưng giới phân tích cảnh báo, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có lập trường rất khác nhau về vai trò và quy mô của chính phủ. Do đó, nhiều nguy cơ vẫn tiềm ẩn bởi đảng Dân chủ muốn tăng thuế và tăng chi tiêu, trong khi đảng Cộng hòa muốn duy trì mức thuế và thu nhỏ quy mô chính phủ.

Nhiều người bày tỏ quan ngại về khả năng chính phủ Mỹ có thể sẽ bị đóng cửa từ trung tuần tháng 1/2014 bởi lưỡng viện và Tổng thống Barack Obama mới thông qua việc cấp vốn cho chính phủ hoạt động tới ngày 15/1/2014. Ngoài ra, tính đến ngày 17/10 (theo giờ địa phương), nợ công của Mỹ đã vượt con số hơn 17.000 tỷ USD, trong khi mức giới hạn cho phép trước đây là gần 16.700 tỷ USD.

Giới phân tích hoài nghi trước khả năng Quốc hội Mỹ giải quyết được vấn đề ngân sách. Bởi thỏa thuận ngân sách (tới ngày 15/1/2014) chỉ mang tính tạm thời và lưỡng viện đã lập một nhóm công tác để nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận dài hạn.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan thuộc đảng Cộng hòa cho biết, từ năm 2009 đến nay chưa có một cuộc họp ngân sách nào và đã tới lúc thảo luận tìm cách dung hòa sự khác biệt. Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Patty Murray thuộc đảng Dân chủ tin rằng, cả hai đảng đều muốn cho người dân thấy Quốc hội có thể làm việc và đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng.

Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors, việc chính phủ Mỹ đóng cửa trong 16 ngày đã gây thiệt hại tới 24 tỷ USD và sẽ khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm sút nghiêm trọng trong quý 4/2013. Còn theo đánh giá của Moodys, một trong 3 cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế có tầm cỡ thế giới, tăng trưởng của Mỹ sẽ bị mất đi 0,5 điểm phần trăm trong quý 4/2013.

Trước đó Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo, có thể hạ bậc tín nhiệm đang ở mức AAA của Mỹ. Trong khi đó giới kinh tế đang tính những tác động khác của việc đóng cửa chính phủ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế đang trên đà phục hồi của Mỹ, đặc biệt là thị trường việc làm. Tiếp đến, việc chính phủ đóng cửa tác động tới sức chi tiêu.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng của Thomson Reuters/Michigan of University giảm, dấu hiệu đáng lo ngại trước mùa mua sắm cuối năm. Bên cạnh đó là những quan ngại về triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế. Có chuyên gia còn tuyên bố “chính trường đang giết chết thương trường”.

Giám đốc điều hành hãng BlackRock, ông Laurence Finnk cho rằng, thị trường Mỹ đang suy thoái vì khủng hoảng chính quyền. Theo nhà kinh tế trưởng của Moody's Mark Zandi, lý do khiến nền kinh tế Mỹ không thể tiến xa hơn là bởi sự bất ổn do Washington gây ra.

Giới truyền thông cho rằng, tính tới nay tuy Tổng thống Barack Obama là nhân vật nhận được ít lời đổ lỗi nhất, nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn bị coi là người không thể kiểm soát được cuộc chiến ngân sách khiến chính phủ phải đóng cửa. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò do CNN và ORC tiến hành đầu tháng 10 cho thấy, 63% người được hỏi nói rằng, họ tức giận trước việc đảng Cộng hòa để chính phủ phải đóng cửa.

Đương nhiên, ông John Boehner, người đứng đầu đảng Cộng hoà tại Hạ viện là người bị chỉ trích nhiều nhất xung quanh vấn đề này. Giới bình luận cho rằng, một cuộc nội chiến trong đảng Cộng hòa đang diễn ra sau thất bại trong cuộc đối đầu với đảng Dân chủ về việc “đóng cửa chính phủ”. Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người khởi xướng việc cắt ngân quỹ của Obamacare đã chỉ trích các Thượng nghị sĩ Cộng hòa là “quân ta ném bom quân mình”.

Tổng thống Barack Obama (trái) và ông John Boehner.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Peter King chỉ trích ông Ted Cruz là “điên khùng” và quyết không để bị bắt làm con tin. Theo ông Tom Davis, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc hội (đảng Cộng hòa), nhiều nghị sĩ Cộng hòa “bỏ phiếu không vì biết đây sẽ là lời kêu gọi cho tranh cử”, và số bỏ phiếu ủng hộ cũng thừa biết có thể sẽ biến họ thành mục tiêu bị tấn công tại cuộc đấu sơ bộ trong nội bộ đảng và việc này chỉ làm tổn hại tới thương hiệu của đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thừa nhận, Lầu Năm Góc vẫn gặp khó khăn về ngân sách do tình trạng cắt giảm chi tiêu. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc hôm 17/10, ông Chuck Hagel cho rằng, cho dù chính phủ đã mở cửa trở lại, nhưng sẽ phải mất một thời gian để khắc phục hậu quả. Bởi khi chính phủ đóng cửa hôm 1/10 đã khiến hơn 400.000 nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng phải tạm thời nghỉ việc.

Mặc dù ngày 7/10, hầu hết số nhân viên này đã quay trở lại làm việc, nhưng phải tới ngày 17-10, 5.000 nhân viên cuối cùng mới trở lại vị trí. Theo ông Chuck Hagel, nếu còn tiếp diễn việc chính phủ phải đóng cửa, Bộ Quốc phòng sẽ không thể tuyển dụng thêm người tài, đồng thời làm giảm sút niềm tin của những đồng minh thân cận.

Phần lớn nhân viên chính phủ liên bang Mỹ chưa được nhận lương tháng 10. Do đó khi trở lại nhiệm sở sau 16 ngày phải nghỉ việc vì chính phủ đóng cửa, đại đa số công chức và nhân viên chính quyền liên bang Mỹ đều có cảm giác giống nhau: “Thật tuyệt khi được làm việc và nhận tiền lương”, “Được quay trở lại làm việc là điều vô cùng quan trọng”. Nhưng không phải mọi thứ đều trở lại bình thường ngay. Bởi theo anh Malcolm Gettmann thuộc Sở Thuế vụ cho biết, sau 16 ngày nghỉ, chắc chắn công việc sẽ bị chậm do phải đối phó với một núi thư và email.

Lê Trịnh
.
.
.