Hàng ngàn người dân Mỹ tưởng niệm cố Tổng thống John F.Kennedy

Chủ Nhật, 24/11/2013, 12:43
Hôm 22/11, bất chấp trời mưa và rét, hàng ngàn người dân Dallas (Mỹ) vẫn tập trung tại Dealey Plaza ở trung tâm thành phố để tưởng niệm giây phút Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát cách đây 50 năm. Tổng thống Barack Obama cũng đã ra sắc lệnh trên toàn quốc tưởng niệm ông John F.Kennedy và yêu câu treo cờ rủ tại các tòa nhà chính phủ.

An ninh ngày tưởng niệm

Để chuẩn bị cho các hoạt động này, lực lượng an ninh Mỹ được lệnh phải thắt chặt an ninh trên cả nước, đặc biệt là những khu vực có tụ tập đông người. Riêng tại Dealey Plaza, nơi Tổng thống John F.Kennedy bị bắn chết cách đây 50 năm, các rào chắn an ninh đã được dựng lên.

Chỉ những người có vé mời mới được bước vào khu vực này. Camera an ninh được lắp đặt trong khu vực đã hoạt động hết công suất và truyền hình ảnh về trung tâm sở chỉ huy của cảnh sát Dallas, giúp lực lượng cảnh sát giám sát hành vi của mọi người và phát hiện sớm những kẻ khả nghi gây rối.

Đúng 11h45, thời khắc mà vị Tổng thống thứ 35 của Mỹ đang đi cùng phu nhân và vợ chồng Thống đốc bang Texas trong đoàn xe danh dự qua Dealey Plaza, lễ tưởng niệm chính thức được bắt đầu. 45 phút sau đó, tức là 12h30, Thị trưởng Dallas Michael Rawlings đã cử hành một phút mặc niệm để tưởng nhớ Tổng thống John F.Kennedy đúng vào thời khắc mà ông bị trúng đạn.

Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm đầu tiên dành cho cố Tổng thống này, Thị Trưởng Dallas Michael Rawlings nói: “Cách đây nửa thế kỷ, khi hy vọng và thù hận xung đột chính tại Dallas này, chúng ta đã chứng kiến cơn ác mộng đã cướp đi sinh mạng của Tổng thống Kennedy ngay trước mắt mình”.

Sau nghi lễ chính thức tại Dallas, các hoạt động tưởng niệm cũng được tổ chức tại nhiều địa phương trên khắp nước Mỹ, nhất là tại những nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông John F.Kennedy. Cờ rủ được treo tại Nhà Trắng, đồi Capitol và các tòa nhà khác của chính phủ.

Tại thủ đô Washington D.C, Tổng thống Barack Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton cùng các thành viên gia đình Kennedy đã tới đặt vòng hoa tại mộ cố Tổng thống John F.Kennedy ở nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi ông với người vợ Jackie và 2 con được an táng.

Lễ tưởng niệm 50 năm ngày Tổng thống Mỹ John F.Kennedy bị ám sát đã được tổ chức tại Dealey Plaza vào trưa ngày 22/11.

Những giả thuyết về động cơ ám sát

Lên cầm quyền khi mới 43 tuổi, Tổng thống John F.Kennedy tuy tại vị chưa đầy 3 năm nhưng lại được xem là một trong những Tổng thống được tôn kính nhất nước Mỹ. Mặc dù khi đó, Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn đỉnh điểm nhưng ông John F.Kennedy vẫn giúp nước Mỹ giành được nhiều thành quả quan trọng cả về đối ngoại và đối nội, trong đó có việc đàm phán với Liên Xô về Hiệp ước cấm thử hạt nhân, giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và tham vọng đưa người lên Mặt Trăng.

Theo các nhà phân tích, vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy là một trong những sự kiện đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ và gây chấn động toàn thế giới. 50 năm qua đi, hình ảnh ông John F.Kennedy bị bắn 2 viên đạn vào cổ và đầu vẫn ám ảnh nước Mỹ, bởi lẽ ông là Tổng thống đầu tiên mà cảnh bị ám sát được ghi hình và phát trên truyền hình.

2 ngày sau khi xảy ra sự kiện kinh hoàng này, thủ phạm Lee Harvey Oswald đã bị một chủ hộp đêm bắn chết, để lại điều bí ẩn về động cơ vụ ám sát. Vì thế, nửa thế kỷ qua, người ta vẫn thỉnh thoảng “đào bới” lại thông tin về vụ ám sát để đưa ra những giả thuyết mới.

Cho đến nay, có 3 giả thuyết vẫn được phổ biến và có độ thuyết phục nhất định về vụ việc.

Thứ nhất là nghi ngờ khả năng ông John F.Kennedy đã bị các “bố già” mafia Carlos Marcello và Santo Trafficante ra lệnh ám sát để ngăn chặn cuộc chiến chống mafia do vị Tổng thống này khởi xướng.

Giả thuyết thứ 2 là nhằm vào Phó Tổng thống Lyndon Johnson với ngụ ý rằng ông này đã dàn dựng một vụ ám sát với sự tham gia của CIA. Mục đích của việc này là bởi ông Lyndon Johnson lo ngại chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng thống phát động sẽ nhằm vào ông còn CIA tham gia bởi lẽ muốn ngăn chặn ý đồ rút quân khỏi Việt Nam và thiết lập mối quan hệ thân thiện hơn với Cuba và Liên Xô của Tổng thống John F.Kennedy.

Cuối cùng là kết quả điều tra với nhiều sai sót nhưng lại khẳng định Lee Harvey Oswald hành động hoàn toàn “độc lập tác chiến”

Hà Linh
.
.
.