Tiết lộ mới của 'người thổi còi' Edward Snowden:

Hàng ngàn email và tin nhắn bị tình báo Anh theo dõi mỗi ngày

Thứ Bảy, 14/03/2015, 09:23
Trợ thủ đắc lực cho Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) trong chương trình theo dõi và nghe lén trên toàn cầu là Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ). Cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã tiết lộ thông tin này hôm 12/3 bằng việc đăng các trang tài liệu trong báo cáo của Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh.

Hàng ngàn email bị đọc mỗi ngày

Việc các nhân viên GCHQ đọc email của người dân mỗi ngày đã được thực hiện từ cách đây 6 năm, khi chương trình theo dõi quy mô lớn PRIMS được NSA triển khai trên toàn thế giới.

Tính trung bình mỗi ngày có ít nhất 1.000 email bị xâm nhập và khoảng 999.000 tin nhắn điện thoại hoặc trên mạng Internet bị theo dõi.

Con số này do Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh (ISC) đưa ra trong một báo cáo đệ trình lên Quốc hội.

Theo đó, GCHQ đã tiến hành chặn thu trên diện rộng để phát hiện các mối đe dọa thông qua việc tìm kiếm những mô hình cũng như mối liên hệ để lần ra đầu mối hoặc những cái tên khả nghi.

Toàn bộ dữ liệu là các thư điện tử cùng tin nhắn sau khi bị xâm nhập sẽ được lưu lại trong kho dữ liệu và thậm chí còn được chia sẻ cho NSA.

Thông tin này một lần nữa lại dấy lên những lo ngại về sự an toàn cho thông tin cá nhân của người dùng Internet và điện thoại di động trên toàn thế giới.

Trụ sở của GCHQ ở Cheltenham. Ảnh: PA

Bởi lẽ, cách đây hơn 1 tháng, vào cuối tháng 1, tạp chí Del Spiegel của Đức cũng đã dẫn nguồn tin do Edward Snowden cung cấp cho biết, GCHQ và NSA đang sử dụng một chương trình sao chép thông tin bàn phím như một phần trong các hoạt động tinh vi tấn công mạng tại hơn 14 nước trên thế giới.

Chương trình này có tên gọi là Qwerty và hoạt động nhờ vào mã độ Regin vốn được Mỹ và các nước phương Tây sử dụng trong suốt một thập kỷ qua.

Khi được cài đặt trên máy tính, Qwerty có thể đánh cắp mật khẩu, ảnh chụp màn hình, nghe lén các cuộc đàm thoại, kiểm soát các chức năng point-and-click của chuột, theo dõi lưu lượng truy cập và khôi phục các tài liệu đã bị xóa…

Hôm 31/1, Qwerty đã xâm nhập cả vào hệ thống máy tính của Ủy ban Châu Âu (EC) và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). GCHQ còn sử dụng Qwerty để tấn công nhà cung cấp viễn thông của Bỉ Belgacom.

Từ Belgacom, GCHQ có thể theo dõi hệ thống máy tính của nhiều cơ quan hành chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels.

Và chiêu theo dõi bằng sim thẻ điện thoại

Riêng về lĩnh vực viễn thông, tài liệu của Edward Snowden khẳng định, từ tháng 4 năm 2010, GCHQ và NSA đã thực hiện một chương trình có tên là DAPINO GAMMA. Chương trình này giúp đánh cắp được mã khóa tích hợp trong thẻ SIM do Công ty Gemalto của Hà Lan và một số công ty khác trên thế giới chế tạo.

Theo lý giải của các chuyên gia, mỗi một SIM (Subscriber Identity Module) – thẻ nhỏ được đặt trên các điện thoại di động, giúp người dùng thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin hay truy cập dữ liệu đều được kích một mã gọi là “Ki”.

Khi kích hoạt SIM, người dùng đã tự bật các phím mã hóa cuộc gọi, văn bản và sử dụng Internet giữa điện thoại di động và nhà cung cấp viễn thông của họ. Nhưng các mã này đều không thể an toàn trước chương trình DAPINO GAMMA của NSA và GCHQ. Nghĩa là, hai cơ quan này có thể thu thập dữ liệu thông tin liên lạc và mở hoặc khóa các nội dung của tin nhắn, cuộc gọi bất cứ lúc nào họ muốn.

Sau khi thực hiện chương trình này với sản phẩm của Công ty Gemalto– nơi sản xuất khoảng 2 tỷ thẻ SIM điện thoại mỗi năm và hàng tỷ thẻ ngân hàng khác tại 85 quốc gia khác nhau trên thế giới, NSA và GCHQ sẽ tác động đến các nhà sản xuất SIM thẻ và các doanh nghiệp viễn thông khác kể cả những nhà sản xuất điện thoại như Ericsson, Nokia; các nhà khai thác di động như MTN IranCell, Belgacom.

Tờ The Intercept cho hay, đến nay, NSA và GCHQ đã kiểm soát được 70% mạng lưới viễn thông trên toàn thế giới. Thậm chí, hai cơ quan này còn do thám các nhân viên viễn thông và cơ quan tiêu chuẩn để xâm nhập hệ thống mạng điện thoại di động toàn thế giới bằng một chương trình mang tên AURORAGOLD.

Chương trình này đã xâm nhập thành công 701 trong số 985 mạng di động toàn cầu.

Gia Nam
.
.
.