Gói kích thích kinh tế của Mỹ: Đòn bẩy để thoát khỏi khủng hoảng

Thứ Năm, 12/02/2009, 09:42
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 10/2 (tức rạng sáng 11/2 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 838 tỷ USD với 61 phiếu thuận và 37 phiếu chống.

Mặc dù chỉ có 3 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu đồng ý, song giới phân tích kinh tế vẫn hy vọng rằng kế hoạch này của chính phủ Mỹ cùng với hơn 2 tỷ USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED và Bộ Tài chính Mỹ cung cấp, sẽ giúp gây dựng lại lòng tin của người dân về khả năng phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Những điểm mới

Thông tin từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho hay, gạt bỏ những bất đồng, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã nhất trí về những điểm bổ sung của gói kích thích kinh tế với phần hỗ trợ thêm về thuế, bỏ kế hoạch lập "danh sách ngân hàng xấu", hạn chế lương thưởng và bơm vốn cho các tổ chức tài chính.

Vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu tiến hành, Chủ tịch Thượng viện Harry Reid, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã có cuộc họp với tân Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.

Theo đó, cùng với đề xuất của những người này, kế hoạch mới của Thượng viện sẽ giảm thuế năng lượng thay thế; giảm 35 tỷ USD tiền thuế hỗ trợ cho thị trường nhà đất; thêm khoản hỗ trợ thuế với tổng chi phí 17 tỷ USD cho người về hưu; giảm 20 tỷ USD trong việc xây dựng trường học; hạn chế mức lương thưởng của các giám đốc điều hành những công ty nhận tiền từ kế hoạch giải trừ tài sản xấu được thông qua hồi tháng 10/2008. Dù không lập danh sách "các ngân hàng xấu", song Thượng viện lại đề xuất chuyển sang hình thức góp vốn của cả Chính phủ và tư nhân.

Được đưa ra ngay giữa lúc kinh tế Mỹ bị khủng hoảng, hệ thống tài chính ở vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, song ngay từ ban đầu, gói kích thích kinh tế của tân Tổng thống đã gặp nhiều trở ngại. Tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện hồi cuối tháng 1, dù được thông qua với gói kích thích kinh tế trị giá 819 tỷ USD song ông Barack Obama đã không nhận được lá phiếu thuận nào từ đảng Cộng hòa.

Ngược lại, Hạ viện Mỹ đã điều chỉnh và bổ sung một số điều khoản bao gồm hai mảng chính là 607 tỷ USD cho hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và 212 tỷ USD cắt giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp. Khi đưa lên Thượng viện, Chính phủ Mỹ có điều chỉnh bổ sung thêm gói giảm thuế trị giá 100 tỷ USD cho những khách hàng mua ôtô mới hoặc đồ dùng gia đình. Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ lại có tỏ vẻ nghi ngờ hơn về gói kích thích kinh tế này.

Theo hãng tin CNN, kế hoạch của tân Tổng thống nhận được số phiếu thuận nhiều hơn mức cần thiết đúng 1 phiếu. Nhưng đây chưa phải là chướng ngại vật cuối cùng. So với lần thông qua ở Hạ viện, giá trị của gói kích thích kinh tế đã được Thượng viện điều chỉnh tăng thêm gần 20 tỷ USD và có sự khác biệt là các Thượng nghị sĩ chỉ đồng ý với 293 tỷ USD cắt giảm thuế và 545 tỷ USD đầu tư công.

Bước tiếp theo là một ủy ban gồm đại diện của Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ phải đàm phán để thỏa thuận những điểm khác biệt giữa hai phiên bản của kế hoạch được thông qua tại hai viện. Sau đó, kế hoạch sẽ được chuyển lên bàn làm việc của ông Barack Obama để đợi phê chuẩn. 

"Tấn công" khủng hoảng với 3.000 tỷ USD

Từ Floria, tân Tổng thống Barack Obama đã xuất hiện trước công chúng, tuyên bố "thông tin tốt lành" về việc thông qua gói kích thích kinh tế của Thượng viện và hứa sẽ nhanh chóng triển khai. Như vậy, số tiền mà Mỹ chi dùng để đối phó với khủng hoảng kinh tế có thể sẽ lên tới gần 3.000 tỷ USD.

Trong kế hoạch mang tên "Ổn định và phục hồi tài chính", Bộ Tài chính Mỹ sẽ cùng với FED thành lập Qũy đầu tư Công - Tư với số vốn ban đầu là 500 tỷ USD và có thể tăng lên mức 1.000 tỷ USD; cung cấp các khoản vay với tổng giá trị là 1.000 tỷ USD cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp; bơm vốn trực tiếp cho ngân hàng… Mục đích chính của kế hoạch mới này là giúp cho các ngân hàng đứng vững hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Rõ ràng, ngay từ những ngày đầu sau lễ nhậm chức, tân Tổng thống Barack Obama và đội ngũ lãnh đạo mới dưới quyền đã giữ đúng lời hứa bằng việc tập trung giải quyết vấn đề "nóng" nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế.

Dốc toàn tâm, toàn lực để vực dậy sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, ông Barack Obama đang từng bước lấy lại vị thế của siêu cường này và khẳng định tài năng quản lý của mình.

Giới phân tích cho rằng, thời điểm hiện nay là giai đoạn "lửa thử vàng" đối với tân Tổng thống và nếu vượt qua, nó sẽ giúp ông có thêm nhiều uy tín không chỉ ở trong nước mà cả trên cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực của Chính phủ Mỹ hiện nay cũng sẽ có tác động tích cực tới kinh tế thế giới và phần nào củng cố thêm lòng tin của mọi người về khả năng phục hồi nhanh của nền kinh tế toàn cầu

Huyền Chi
.
.
.