Giới truyền thông kêu gọi chống biến đối khí hậu

Thứ Ba, 08/12/2009, 08:39
Ngày 7/12, khi hàng chục ngàn đại biểu quốc tế đang có mặt tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) để tham dự lễ khai mạc Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) thì tại 45 quốc gia khác trên thế giới, giới báo chí cũng nêu cao quyết tâm chống biến đổi khí hậu bằng những lời kêu gọi hành động thiết thực và cảnh báo, nếu không có sự đồng lòng, thế giới sẽ rơi vào thảm họa mới.

Tin từ hãng AFP cho hay, 65 tờ báo của 45 quốc gia trên thế giới trong đó bao gồm cả tờ Le Monde của Pháp, Miami Herlad của Mỹ và Gulf Times cuar Qatar đã cùng cho đăng tải một loạt bài xã luận cảnh báo về sự biến đổi khí hậu và những hậu quả có thể xảy ra nếu con người không sớm ngăn chặn.

Tờ Người bảo vệ viết: "Chúng tôi kêu gọi đại diện 192 nước nhóm họp tại Copenhagen đừng ngần ngại, đừng rơi vào tranh luận, không đổ lỗi cho nhau mà hãy nắm bắt cơ hội để tránh một thất bại to lớn trong chính trị hiện đại".

Ngay sau lời kêu gọi của 65 tờ báo này, nhiều ấn phẩm báo chí bao gồm cả báo giấy, báo điện tử, truyền hình, phát thanh cũng đã hưởng ứng nhiệt tình phong trào này. Các bài báo về chống biến đổi khí hậu đã được viết bằng 20 thứ tiếng khác nhau gồm cả tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Arab.

Một số nguồn tin còn cho hay, một tháng trước thềm hội nghị, biên tập viên của những tờ báo nổi tiếng hàng đầu thế giới đã có cuộc họp kín, bàn về phương cách tuyên truyền chống biến đổi khí hậu trong thời gian diễn ra hội nghị ở Copenhagen.

Người phụ trách cơ quan về chống biến đổi khí hậu của LHQ Yvo de Boer trong lần trả lời phỏng vấn báo chí cũng khẳng định: "Giờ G đã điểm và chúng ta cần phải hành động. Trong hai tuần tới, các quốc gia nên đưa ra những cam kết chắc chắn để thể hiện thái độ, ý thức và trách nhiệm trước việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu".

Ông Yvo de Boer cũng cho hay: "Chưa bao giờ trong khuôn khổ 17 năm đàm phán về biến đổi khí hậu, lại có nhiều quốc gia cùng nhau đưa ra những lời hứa rõ ràng như vậy. Hầu như mỗi ngày, đều có những quốc gia thông báo mục tiêu và kế hoạch mới để cắt giảm khí thải. Điều này chưa có tiền lệ".

Thông điệp về chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được gửi đi khắp thế giới.
Ảnh: Reuters.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ sự lạc quan về kết quả hội nghị và nhấn mạnh rằng, tất cả các quốc gia đều có chung một mục tiêu là ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Ông khẳng định, Hội nghị Copenhagen sẽ kết thúc bằng một thoả thuận mà tất cả các nước thành viên LHQ đều ký kết.

Hiệu ứng nhà kính là một hiện tượng tự nhiên có tác dụng duy trì nhiệt độ trên bề mặt trái đất. Còn hiện tượng toàn cầu ấm lên, như trong hoàn cảnh hiện nay, là để chỉ việc nhiệt độ toàn cầu bị tăng lên bởi các hoạt động do con người gây ra. Chính những hoạt động này lại tác động hiệu ứng nhà kính làm trầm trọng thêm quá trình biến đổi khí hậu. Mặc dù Nghị định thư Kyoto đã đưa ra con số yêu cầu cắt giảm, nhưng khí thải CO2 vẫn liên tục tăng.

Theo cơ quan Năng lượng quốc tế, từ nay đến năm 2050, khí thải CO2 sẽ còn tăng 130%. Vì thế, với mục tiêu đề ra cho thế giới cắt giảm 50% khí thải CO2 thì lượng khí gây hiệu ứng phát thải vào bầu khí quyển vẫn còn rất cao.

Hội nghị Copenhagan được tổ chức để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong đó đặc biệt chú ý 3 điểm: những nước giàu giảm khí thải, những nước đang phát triển trình bày rõ ràng cơ cấu phát triển của mình, và những nước giàu phải chia sẻ gánh nặng với các nước lớn mới nổi về việc hạn chế bớt lượng khí thải.

Và mặc dù trước thềm hội nghị, có rất nhiều bùng nhùng xung quanh các vấn đề này, song đến nay, về cơ bản, các nước đều tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của LHQ. ASEAN nhất trí mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2 độ C. EU cũng cam kết cắt giảm 20% và hơn nữa nếu các quốc gia khác đạt được sự đồng thuận. Đức dự kiến sẽ cung cấp bổ sung 400 triệu euro/năm trong thời kỳ từ năm 2010 đến 2012, hỗ trợ cho các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu....

Phan Hiển
.
.
.