Giao dịch nội gián - mối lo lớn nhất trong các doanh nghiệp

Chủ Nhật, 13/07/2008, 09:50
Ngày nay, trên thế giới, vấn nạn nhân viên lấy trộm thông tin tuyệt mật của doanh nghiệp đã qua mặt virus và trở thành nguy cơ bảo mật lớn nhất trong các tập đoàn. Cuộc thăm dò gần đây của Viện Bảo mật máy tính Mỹ (CSI) cho thấy, có tới 59% người được hỏi nhắc tới "nội gián" trong khi chỉ có 52% nói tới virus mà thôi.

So với thời kỳ "đỉnh điểm" năm 2000, số vụ dính virus và gián điệp thông tin đều đã giảm nhưng đây là lần đầu tiên vấn nạn nội gián qua mặt được virus về số lượng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự công khai thông tin về tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp và các giao dịch mua bán chứng khoán đã trở thành một tập quán bắt buộc. Điều này chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nào nó được thực hiện một cách công bằng.

Sự công bằng và trung thực thể hiện ở khả năng các mua bán diễn ra trong bối cảnh sao cho công chúng tham gia đều có cơ hội như nhau về thông tin và cùng có một điều kiện tiếp cận. Nhưng, chính sự rò rỉ các thông tin sẽ tạo các bất công đáng ngại nhất trong TTCK. Giao dịch nội gián mang lại hai thái cực trong kinh doanh: kẻ cười người khóc; kẻ hốt bạc tỷ, người thì bị phá sản.

Xin lấy ví dụ trước tiên về trường hợp tại hãng máy bay Airbus. Ngày 2/7 vừa qua, cựu Chủ tịch Airbus Gustav Humbert (người Đức) đã bị cơ quan pháp luật nước này cáo buộc giao dịch nội gián cổ phiếu để hưởng lợi bất chính.

Trước đó, hai quan chức Pháp của công ty mẹ là Tập đoàn Vũ trụ và Phòng thủ hàng không châu Âu (EADS) cũng bị bắt giữ vì các hoạt động vi phạm pháp luật trong kinh doanh để hưởng lợi bất chính.

Ông Gustav Humbert (58 tuổi), là Chủ tịch của Airbus bị tình nghi có liên quan đến vụ buôn bán bất hợp pháp ở công ty mẹ EADS. Theo kết quả điều tra, trong khoảng ngày 9 và 29/11/2005, ông Gustav Humbert đã bán 160.000 cổ phiếu của EADS, kiếm lời 2,7 triệu USD.

Ủy ban điều hành chứng khoán Pháp (AMF) cho biết, thật ra việc bán cổ phiếu này là hợp pháp nếu ông Gustav Humbert không tiết lộ một số thông tin bí mật về tài chính của EADS. Bởi vì sau khi bán cổ phiếu, ông lại để lộ việc hủy bỏ kế hoạch ra mắt máy bay khổng lồ Airbus A380, khiến cổ phiếu của EADS bị sụt giá tới 1/3 giá trị.

Riêng tại Mỹ, nơi nổi tiếng với những vụ scandal trên thị trường tài chính, xu hướng giao dịch nội gián dường như đang trỗi dậy. Hồi năm ngoái, phố Wall liên tiếp xảy ra nhiều vụ mua bán nội bộ làm rung động ngành tài chính.

Cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Phần mềm Oracle Christopher Balkenhol bị khởi tố về hành vi kiếm lời bất chính từ những thông tin nội bộ do vợ của ông vốn là trưởng trợ lý của Giám đốc điều hành Oracle Larry Ellison tiết lộ về thông tin mua hai hãng phần mềm Siebel Systems Inc. và Retek Inc. năm 2003.

Nhờ mua cổ phiếu của hai hãng này trước khi thông tin sáp nhập được công bố, Christopher Balkenhol đã bỏ túi 97.000 USD. Nhưng có lẽ, vụ án liên quan tới ông Joseph Nacchio-Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng truyền thông khổng lồ Qwest Communications International từ năm 1997-2002 mới thực sự gây sốc trong dư luận. Ông này bị tòa án Mỹ và SEC kết tội vi phạm 19 trong 42 cáo buộc giao dịch nội gián và gian lận tài chính và bị tù 10 năm, nộp phạt 1 triệu USD cho mỗi vi phạm.

Rõ ràng, giao dịch nội gián bị xem như một hành động phi pháp tại hầu hết các nền kinh tế. Không thể bao biện cho hành động này vì ở chừng mực nào đó, giao dịch nội gián cũng đã gây ra một sự cạnh tranh không bình đẳng trên thương trường.

Trong những TTCK phát triển, các luật lệ chế định và các phân tích về hành vi mua bán nội gián được đưa ra một cách chi tiết đến độ các hành vi mách nước hoặc các mối quan hệ, liên hệ công việc,… cũng được mô tả rõ ràng. Tuy nhiên, để phơi sáng đều khắp các "vùng mờ" là công việc hết sức khó khăn và cao cả của sự nghiệp xây dựng một TTCK lành mạnh.

Vì vậy, theo các văn bản của ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSCO) công bố năm 1998 và sửa đổi năm 2003, giao dịch nội gián cần phải bị ngăn cấm vì 3 lý do: bảo vệ nhà đầu tư; bảo vệ TTCK được công bằng, hiệu quả và minh bạch; giảm các nguy cơ cho hệ thống tài chính.

Hiện có hơn 85% quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của IOSCO đã thông qua các quy tắc cơ bản của tổ chức này. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dùng những quy tắc cơ bản của IOSCO để đánh giá tính lành mạnh của nền tài chính một nước

Huyền Chi
.
.
.