Gián điệp trên bàn đàm phán

Thứ Hai, 15/06/2015, 08:39
Nghe lén đang trở thành nỗi ám ảnh lớn trên toàn thế giới, nhất là khi có thêm nhiều quốc gia cảnh báo về khả năng bị rò rỉ thông tin từ các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương quan trọng.

Cuộc điều tra của Thụy Sĩ và Áo xung quanh vụ tin tặc tấn công các địa điểm tổ chức hội đàm về chương trình hạt nhân của Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đang thách thức các nỗ lực quốc tế nhằm xóa nhòa những khoảng cách và bất đồng giữa các quốc gia trên thế giới.

Cuộc điều tra của Thụy Sĩ và Áo

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 11/6, một thành viên của nhóm đàm phán hạt nhân của Iran đã cảnh báo về nguy cơ gián điệp trong quá trình đàm phán với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân ở Iran. Và trong lúc cả thế giới đang ngỡ ngàng về một cảnh báo được cho là “hơi thừa” và khá nhạy cảm thì giới chức Thụy Sĩ và Áo cũng bất ngờ tiết lộ về cuộc điều tra nghe lén tại những khách sạn đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán này. Từ đây, mọi chuyện dần được hé lộ qua thông tin mà hai hãng thông tấn của Anh là The Guardian và The Telegraph đăng tải ngày 12/6.

Theo đó, công ty an ninh mạng nổi tiếng Kaspersky Lab mới phát hiện một loại virus máy tính được bí mật cài để thu thập thông tin tình báo nước ngoài tại các cuộc đàm phán này. Virus này được phát tán ở nhiều địa điểm tại Geneva, xâm nhập vào hệ thống mạng của khách sạn – nơi tổ chức các cuộc đàm phán.

Qua việc tìm hiểu, kiểm tra một số máy tính bị nghi ngờ sử dụng vào hoạt động tình báo bất hợp pháp này tại khách sạn Palais Wilson và Intercontinental ở Geneva (Thụy Sĩ), các chuyên gia an ninh mạng của Kaspersky Lab khẳng định, đây là loại virus Duqu 2.0 nhưng đã được cải tiến. Phần mềm gián điệp này có thể đột nhập vào mọi hệ thống máy tính của các khách sạn ở châu Âu. Hiện, Duqu 2.0 cũng đã được phát hiện trong hệ thống máy tính ở khách sạn Beau Rivage ở Lausanne và Royal Plaza ở Montreux (Áo).

Chưa rõ tổ chức hay quốc gia nào đứng đằng sau vụ việc này song bê bối nói trên thực sự cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình đàm phán giữa Tehran và nhóm P5+1, nhất là khi hạn chót về thỏa thuận cuối cùng (30/6) đang tới gần. Trong khi đó, có một số ý kiến đã cho rằng, Israel đứng đằng sau việc này vì chính quyền Tel Aviv luôn phản đối một thỏa thuận về hạt nhân ở Iran. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely đã bác bỏ thông tin này.

Các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 đang tiến sát đến hạn chót cho thỏa thuận cuối cùng vào ngày 30/6. Ảnh: Getty Imagine.

Dẫu vậy, lời phủ nhận này vẫn chưa có nhiều trọng lượng bởi hồi tháng 3, tờ World Street Journal của Mỹ từng đăng tin rằng, Israel bắt đầu nghe trộm các cuộc đàm phán Iran và nhóm P5+1 từ năm 2014. Mục đích của việc nghe lén là nhằm xây dựng kế hoạch chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Quan chức Mỹ khi đó đã rất tức giận trước thông tin này.

Điệp viên nấp sau bàn hội nghị

Trên thực tế, việc nghe lén tại các bàn hội nghị đã không ít lần được nhắc đến, nhất là sau khi cựu điệp viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ về những hoạt động do thám, gián điệp do NSA và Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ) tiến hành. Nhiều nhà phân tích từng nhận định, hành động này của các cơ quan tình báo nước ngoài phục vụ mục đích cá nhân cho một quốc gia hoặc một nhóm tổ chức riêng rẽ có thể gây tác hại xấu tới sự đoàn kết thế giới cũng như ảnh hưởng tới kết quả các cuộc hội nghị. 

Chẳng hạn, NSA và GCHQ đã do thám các Hội nghị đối tác biến đổi khí hậu (COP) liên tục từ năm 2009 đến nay và cung cấp cho 2 đoàn đàm phán biết trước chiến lược đàm phán, quan điểm, lập luận, sự chuẩn bị và mục tiêu đàm phán của các đối tác. Điều này cũng có nghĩa là 2 đoàn đàm phán Anh và Mỹ đã có lợi thế rất nhiều và nhiều thông tin để có thể “vây úp” đối phương trong quá trình đàm phán. Đáng chú ý là không chỉ tại COP mà tại các hội nghị hợp tác kinh tế như G77, G20,… cũng không ít gián điệp.

Một nhà đám phán cao cấp của một quốc gia G77 xác nhận như sau: "Tôi cũng như các nhà đám phán không hề ngạc nhiên về hoạt động gián điệp này. Các quốc gia có điều kiện về công nghệ và nguồn lực tài chính đã và đang cài cắm các điệp viên của họ vào phái đoàn đàm phán, và họ sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai".

Trở lại với cuộc điều tra của Thụy Sĩ và Áo, giới quan sát cho rằng, không chỉ có mỗi mình Israel "rình rập" bên bàn hội nghị mà hầu như tất cả các cường quốc thế giới quan tâm đến chương trình đàm phán hạt nhân Iran đều có gián điệp "nằm vùng" tại các địa điểm này. Mục đích của việc này là để thủ thế trên bàn hội nghị. Iran do là một bên quan trọng của các vòng đàm phán, nên từ lâu đã là mục tiêu gián điệp hàng đầu, rồi đến Mỹ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Châu Anh
.
.
.