“Giặc lửa” hoành hành tại nước Nga

Chủ Nhật, 08/08/2010, 13:23
Theo tin mới nhất của Bộ Các tình trạng khẩn cấp, thảm họa cháy rừng trên lãnh thổ của Nga đã được xác định hơn 820 đám cháy tự nhiên, trong đó có 24 điểm cháy bởi than bùn.

Như vậy, so với những ngày trước đó, đã xuất hiện thêm 403 khu vực mới nằm trong sự đe dọa của "bà hỏa". Cho tới nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ dập tắt hoàn toàn 300 đám cháy, 520 điểm cháy khác bao phủ một diện tích 188.500ha đang bị "giặc lửa" hoành hành, 310 đám cháy ở một khu vực rộng gần 79.000ha đã được cô lập bằng hào cát và mương nước.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế Nga cho hay: Đã có 447 người bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, trong đó có 69 người phải nằm viện và 50 người đã thiệt mạng… Ước tính bồi thường về bảo hiểm tài sản dân sự vào thời điểm này đã lên tới 6,5 triệu rup.

Thảm họa "giặc lửa" đã buộc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ban bố tình trạng khẩn cấp cấp nhà nước tại 7 khu vực, trong đó có thủ đô Moskva, đồng thời ra lệnh tổng động viên lực lượng để ngăn chặn cháy lan rộng trong thời gian ngắn nhất.

Hiện nay, ngoài lực lượng trong nước, tham gia chiến dịch dập lửa còn có lực lượng và thiết bị của các nước thuộc khối cộng đồng các quốc gia độc lập và của Italia.

"Tay bo" đánh giặc lửa.

Ngoài thiệt hại bước đầu ước tính lên tới 200 triệu USD, nước Nga sẽ phải đối đầu với thảm họa: Môi trường ô nhiễm khí bụi và khó khăn về kinh tế. Hiện nay, lửa đã thiêu trụi 103.000km2 diện tích trồng lúa mì, khiến cho chỉ tiêu thu hoạch ngũ cốc năm nay xuống còn 70-75 triệu tấn so với kế hoạch trước đó là 85 triệu tấn và lượng lúa mì xuất khẩu phải giảm xuống 15 triệu tấn so với 24,1 triệu tấn của năm 2009.

Chỉ một trận cháy tại căn cứ hậu cần quan trọng thuộc lực lượng không quân của hải quân Nga đóng ở Koloma, phía Đông Nam Moskva, đã thiêu rụi sở chỉ huy, văn phòng tài chính, 13 nhà kho chứa các thiết bị hàng không và 17 khu để xe cộ với thiệt hại về hạ tầng lên tới 30 triệu rup, đã khiến cho tướng Vladimir Vưxoskov - người lãnh đạo lực lượng hải quân Nga - và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alecsandr Tatarinov bị Tổng thống Nga cảnh cáo vì không hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được giao. Rõ ràng việc đối phó với "giặc lửa" lần này không chỉ thử thách khả năng đối phó thảm họa thiên nhiên của lực lượng dân sự, mà còn là lời cảnh báo về mức độ phản ứng của lực lượng quân đội Nga khi "giặc lửa" đe dọa các căn cứ quân sự, kho đạn, nhà máy điện hạt nhân...

Trước đó, Nhà nước Nga đã đặt cho Viện Toán học ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga một nhiệm vụ chiến lược và cực mật, nhằm dự báo các hiểm họa đe dọa nước Nga cho tới năm 2010 và các biện pháp xử lý, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của các thảm họa trên. Năm 2008, các viện sỹ và các nhà khoa học nổi tiếng đã hoàn tất công trình. Theo đó, một trong những thảm họa có thể xảy ra nhất đối với nước Nga trong thời gian gần là cháy rừng.

Để có kết luận này, các nhà khoa học đã thống kê các thông tin từ vệ tinh gửi về cho tới các ghi chép của kiểm lâm và đưa ra kết luận: Khả năng cháy rừng của nước Nga là rất lớn và theo thời gian thảm họa này càng gia tăng vì lẽ: Thứ nhất, năm 2006 nước Nga ban bố đạo luật bảo vệ rừng mới nhằm trao trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng về cho địa phương. Điều này đã dẫn tới sự "thả nổi" rừng của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương, nên một khi xảy ra sự cố tại địa phương nào thì nơi ấy tự lo. Do trung ương không còn trực tiếp chỉ đạo, nên cơ sở vật chất - kỹ thuật phòng chống và xử lý sự cố không được hiện đại hóa vì ngân sách địa phương quá eo hẹp, nên một khi có vấn đề, lực lượng kiểm lâm tại chỗ do không có sự hỗ trợ của nhà nước chỉ biết "nhìn lửa mà khóc"; mặt khác, rừng nước Nga chiếm diện tích rất lớn nên để dập lửa có hiệu quả thì nhà nước phải có đội quân tinh nhuệ, chuyên trách như các nước Bắc Mỹ và châu Âu với trang bị đặc dụng - các máy bay với sân bay, kho tàng, căn cứ hậu cần đặc biệt… và có khả năng cơ động cao, tầm hoạt động không giới hạn.

Từ cách đánh giá trên, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã đưa ra các biện pháp cụ thể từ việc sử dụng vệ tinh để giám sát - cảnh báo cho tới trang bị tối thiểu cho các lực lượng phòng hộ tại chỗ. Theo tính toán và kiểm chứng trên máy tính, trong trường hợp xảy ra thảm họa cháy rừng kinh khủng nhất, các biện pháp mô tả phòng ngừa của các nhà khoa học cũng có khả năng giảm thiệt hại bất khả kháng xuống 10 lần…

Tuy vậy, công trình nghiên cứu nghiêm túc trên quy tụ trí tuệ và trách nhiệm của các nhà khoa học theo "mệnh lệnh đất nước" đã trở nên vô giá trị vì nó không được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống, nên khi xảy ra cơ sự với lực lượng "mỏng manh" chỉ với 155.000 lính chữa cháy chuyên nghiệp, 25.000 thiết bị kỹ thuật, trong đó có 56 máy bay chuyên dụng đã không thể chủ động để áp đảo "bà hỏa" trong trận chiến "Đại hồng hỏa" đang diễn ra trên xứ bạch dương

Chí Linh
.
.
.