Gia hạn trừng phạt Nga là sự 'bất lực' của Mỹ?

Thứ Năm, 05/03/2015, 08:13
Theo Hãng tin Itar-Tass ngày 4/3, các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nhận định, chẳng có gì phải bi quan về việc Mỹ gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga do Tổng thống Barack Obama công bố trước đó một ngày. Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách kinh tế, cải cách và thương mại thuộc Duma Quốc gia Mikhail Yemelyanov nêu rõ: “Đó là một cử chỉ tuyệt vọng của Tổng thống Obama”, đồng thời khẳng định, họ (Mỹ và Liên minh châu Âu) đã thất bại khi tin rằng, những biện pháp trừng phạt sẽ buộc Nga phải thay đổi chính sách.
Ông Yemelyanov chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với Nga chỉ làm cho các công ty quốc gia của họ bị tổn thương ở mức độ lớn hơn, và sự phản hồi của Moskva đã gây thiệt hại lớn cho nền nông nghiệp châu Âu, đồng thời tạo nhiều thuận lợi cho các nhà sản xuất nội địa. Trong những năm qua, mức tăng trưởng trong sản xuất pho mát ở Nga là 26%, thịt lợn và thịt bò là 20%.

Ông nói: “Các biện pháp hạn chế của Mỹ và EU là hữu ích cho nền kinh tế của chúng tôi. Tổng thống Obama đã cho chúng tôi thêm thời gian để đóng cửa thị trường đối với các hàng hóa Mỹ, từ đó tự sản xuất để thay thế nhập khẩu”. Đồng quan điểm này, ông Leonid Kalashnikov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga nêu rõ rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ được xem như “đòn chính trị” nhằm gây áp lực lên Nga sẽ chẳng đi đến đâu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Duma quốc gia Nga Alexey Pushkov nói rằng, quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva của Washington cho thấy, chính quyền Mỹ quan tâm tới cuộc đối đầu ở Ukraine.

Ông nói: “Nếu Tổng thống Barack Obama muốn cho người ta thấy rằng, ông quan tâm tới việc thúc đẩy tiến trình chính trị ở Ukraine, chứ không phải là các cuộc đối đầu quân sự, ông đã có thể đưa ra quyết định, ít nhất là để trì hoãn việc gia hạn lệnh trừng phạt”. Tuy nhiên, ông Obama đã làm việc này “bất chấp những gì đang xảy ra ở miền Đông Ukraine”. Ông Pushkov nhấn mạnh, điều đó khẳng định sự lựa chọn của chính quyền Obama là ủng hộ sự đối đầu.

Việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga cho thấy dường như ý định của Washington không phải  để giải quyết cuộc xung đột (ở Ukraine).  Ảnh: AP.

Theo các chuyên gia, tuyên bố lần này của Tổng thống Obama cho thấy dường như ý định của Washington không phải để giải quyết cuộc xung đột (ở Ukraine), RT dẫn lời chuyên gia phân tích quốc tế Salvador Muoz cho biết: “Ukraine chỉ là cái cớ để Mỹ dồn ép Nga, cô lập Nga, khiến Nga không còn sự ảnh hưởng trên trường quốc tế, để đưa châu Âu chống lại Nga. Tôi cho đó là điều đáng tiếc”.

Trước đó, ngày 3/3, Nước Nga ngày nay (RT) dẫn báo cáo của Bộ phận báo chí Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ đã quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt được áp đặt trước đó nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama ghi rõ: “Tôi cho rằng, việc tiếp tục áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong Nghị định 13660 là cần thiết”.

Nghị định 13660 được công bố vào ngày 6/3/2014, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp trong quan hệ với Nga. Theo ông Obama, các biện pháp trừng phạt sẽ còn hiệu lực khi nào vẫn còn “mối đe dọa tiềm tàng tới các chính sách an ninh và ngoại giao của Mỹ”. Cái gọi là mối đe dọa này, theo ông chủ Nhà Trắng, là “quan điểm chính trị và những người đang làm suy yếu các quá trình và tổ chức dân chủ ở Ukraine, đe dọa đến hòa bình, an ninh, sự ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Như vậy, các biện pháp trừng phạt được áp đặt lên Nga năm 2014, bao gồm cả những lệnh trừng phạt kinh tế mới nhất nhằm vào Crimea (tháng 12/2014), sẽ được gia hạn thêm một năm. Cùng ngày, theo Hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, EU nên kéo dài cho tới cuối năm 2015 các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính và năng lượng đối với Nga: “Chúng ta cần mở rộng các biện pháp (trừng phạt) của giai đoạn 3 cho tới cuối tháng 12”.

Theo ông Hammond, việc gia hạn các biện pháp trừng phạt được coi là một công cụ để đảm bảo các bên tuân thủ các thỏa thuận Minsk.

Khổng Hà (theo Itar-Tass, Nước Nga ngày nay, Sputnik)
.
.
.