GĐ cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc bị dư luận yêu cầu từ chức

Thứ Tư, 28/12/2011, 11:52
Giám đốc NIS Won Sei Hoon đang bị dư luận kêu gọi từ chức vì bị “bịt mắt” trong cái chết của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il hôm 17/12 vừa qua.

Những chỉ trích vừa qua của dư luận trong và ngoài Hàn Quốc đối với Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) thực sự khiến giới chuyên môn quan tâm bởi trong quá khứ NIS từng có khá nhiều bê bối. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi Giám đốc NIS Won Sei Hoon đang bị dư luận kêu gọi từ chức vì bị “bịt mắt” trong cái chết của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il hôm 17/12 vừa qua.

Những cáo buộc đối với NIS và người đứng đầu Won Sei Hoon mỗi ngày một gia tăng khi xuất hiện tin đồn về hiện tượng siêu nhiên trước khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời - cơn bão tuyết đột nhiên dừng lại, bầu trời phát ra những quầng sáng màu đỏ tại khu núi Paektu vài phút (có tin nói núi lửa Lake Chon rạn nứt mạnh tạo thành những âm thanh như tiếng sấm)…

Bà Park Young Sun, người của Đảng Tự do cấp tiến đối lập yêu cầu Giám đốc Won Sei Hoon từ chức vì sự thiếu thông tin và quản lí yếu kém đến mức không thể chấp nhận được. Chủ tịch Ủy ban tình báo quốc hội, người của đảng cầm quyền GNP Kwon Young Se cũng cho rằng, Giám đốc NIS phải nhận lỗi và từ chức bởi không biết gì về cái chết của Chủ tịch Kim Jong-il. Thậm chí Nghị sĩ Choi Jae-sung còn cáo buộc, NIS đang đùa cợt với thông tin tình báo.

Ngoài chỉ trích kể trên, Giám đốc Won Sei Hoon còn phải đối mặt với thách thức mới sau khi CHDCND Triều Tiên quyết định thay đổi các kênh liên lạc bí mật (tần số cùng hệ thống mã hóa) nhằm ngăn cản Hàn Quốc khai thác thông tin sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời. Việc này sẽ khiến cho NIS gặp khó khăn trong việc khai thác thông tin từ hoạt động thám mã.

Giới chuyên môn cho rằng, Bình Nhưỡng đã quyết định ngăn chặn mọi khả năng rò rỉ tin tức sau khi quân lệnh đầu tiên của Đại tướng Kim Jong-un bị lộ ra bên ngoài. Trước đó (ngay sau khi kết thúc cuộc tập trận Mỹ-Hàn Quốc hôm 1/12/2010), Giám đốc Won Sei Hoon cũng từng cảnh báo về nguy cơ “sẽ tiếp tục có hành động quân sự” sau khi những thiết bị giám sát điện tử phát hiện ra các động thái bất thường của Bình Nhưỡng.

Về phần mình, ngày 21/12, Giám đốc Won Sei Hoon cho biết, chiếc tầu hỏa bọc thép của Chủ tịch Kim Jong-il không hề rời nhà ga Yongsong ở Bình Nhưỡng vào thời điểm ông qua đời. Trong khi đó, giới truyền thông CHDCND Triều Tiên thông báo, Chủ tịch Kim Jong-il từ trần do đau tim khi đang ngồi tầu hỏa đi thị sát tại một địa điểm không xác định ở ngoại ô Bình Nhưỡng ngày 17/12. Tuy nhiên, trước đó (20/12), Giám đốc Won Sei Hoon đã thừa nhận sự yếu kém của NIS trong việc thu thập tin tức tình báo tại CHDCND Triều Tiên.

Cách đây hơn 10 tháng (22/2), Giám đốc Won Sei Hoon từng đệ đơn xin từ chức, nhưng không được Tổng thống Lee Myung-bak chấp thuận. Ông Won Sei Hoon quyết định ra đi để nhận trách nhiệm về vụ 3 nhân viên tình báo (2 nam 1 nữ) đột nhập phòng của đặc phái viên Indonesia khi ông này đang ở thăm và làm việc tại Seoul.

Giới truyền thông đưa tin, 3 nhân viên tình báo kể trên đã cố gắng lấy cắp tài liệu quân sự của Indonesia trong máy tính xách tay nhưng việc này bị phát hiện. Tuy không bị mất thông tin quân sự bí mật, nhưng chiếc máy tính xách tay của Bộ trưởng Thương mại Indonesia không tìm thấy sau vụ đột nhập bất hợp pháp kể trên.

Khi đó, vụ bê bối kể trên khiến Hàn Quốc có nguy cơ mất thương vụ trị giá 1 tỷ USD bởi sai lầm ngớ ngẩn của NIS. Giới truyền thông Hàn Quốc coi đây là nỗi nhục quốc thể và bê bối ngoại giao lớn nhất kể từ khi Giám đốc Won Sei Hoon lãnh đạo NIS. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.

Sau khi vụ bê bối xảy ra, Thượng nghị sĩ Hong Joon-pyo và Chung Do-un đã yêu cầu Tổng thống Lee Myung-bak cách chức Giám đốc Won Sei Hoon, nhưng bất thành. Giám đốc Won Sei Hoon trước khi được bổ nhiệm đứng đầu NIS từng là trợ lý đắc lực của Tổng thống Lee Myung-bak khi ông làm Thị trưởng Seoul.

Giới truyền thông đưa tin, trước khi vụ bê bối kể trên xảy ra, Giám đốc Won Sei Hoon từng bí mật thăm Mỹ (17/2)  để thảo luận về những vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Trong cuộc hội đàm với Giám đốc cơ quan tình báo trung ương Mỹ Leon Panetta và các nhân vật cao cấp khác của Washington, Giám đốc Won Sei Hoon đã trao đổi nhiều thông tin nhạy cảm, trong đó có đề cập tới những giải pháp trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Giới truyền thông từng đưa tin, hơn 1 năm trước (trung tuần tháng 9/2010), Giám đốc Won Sei Hoon đã đề cập tới những động thái “đáng quan tâm” của Đại tướng Kim Jong-un. Cách đây hơn 2 tháng (19/10), báo chí Hàn Quốc từng dẫn lời Giám đốc Won Sei Hoon cho biết, NIS đã bắt giữ một số điệp viên đang muốn mưu sát những nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng tại Hàn Quốc. Trước đó (10/5), ông Won Sei Hoon từng ra lệnh thẩm định kế hoạch Đại cương an ninh mạng Internet để đối phó với các hoạt động khủng bố dùng công nghệ cao tấn công vào mạng máy tính của các cơ quan Hàn Quốc.

Phát biểu tại hội nghị Chiến lược an ninh mạng internet quốc gia và quyết định xây dựng kế hoạch Đại cương an ninh mạng Internet hôm 10/5, Giám đốc Won Sei Hoon cho biết, Seoul cần khẩn trương thành lập hệ thống ứng phó với các sự cố an ninh mạng toàn cầu, cũng như nâng cao ý thức của người dân về an ninh mạng, nâng cao chất lượng các dịch vụ an ninh mạng trong kinh tế - thương mại và những đối sách ngoại giao và công nghệ ứng phó với các sự cố các trang mạng Hàn Quốc bị hacker nước ngoài tấn công…

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.