Eurozone “nín thở” chờ kết quả bầu cử QH lần 2 của Hy Lạp

Thứ Hai, 18/06/2012, 15:33
Ngày 17/6, cả châu Âu nín thở, hồi hộp chờ đợi cử tri Hy Lạp đi bầu cử Quốc hội lần 2 sau khi cuộc bầu cử đầu tiên thất bại do các chính đảng bất đồng trong việc thành lập chính phủ liên minh.
>> EU tìm mọi cách giải cứu Hy Lạp

Kết quả cuộc bầu cử theo lựa chọn của người dân Hy Lạp sẽ quyết định sự ra đi hay ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) của nước này cũng như sự ổn định hay hỗn loạn của đồng euro trong thời buổi nợ công ở châu Âu càng ngày càng gia tăng.

Ngay trong sáng 17/6, khi các địa điểm bỏ phiếu ở Hy Lạp còn chưa kịp mở cửa thì lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp khẩn cấp để tìm cách tháo gỡ những khó khăn nảy sinh một khi kết quả bầu cử ở Hy Lạp được công bố.

Cả Thủ tướng Anh David Cameron lẫn Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều lo ngại nguy cơ xảy ra “tam khủng hoảng” như lời cảnh báo của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Largarde.

Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính eurozone Jean-Claude Juncker đã cảnh báo, Hy Lạp không nên quay lưng lại với eurozone và cho rằng một chiến thắng cho phe cánh tả cực đoan không ủng hộ cứu trợ sẽ gây ra hậu quả "không thể lường trước" cho liên minh tiền tệ này.

Thủ tướng lâm thời Hy Lạp cũng bày tỏ lo ngại xảy ra hỗn loạn bởi cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 2 cũng sẽ quyết định tương lai của việc nước này có ở lại eurozone hay không. Còn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo, sự sụp đổ của đồng euro có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới cho nền kinh tế thế giới và nếu không ngăn chặn kịp thời, nguy cơ hệ thống ngân hàng thế giới bị đánh sập hoàn toàn có thể xảy ra...

Các phân tích, đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng cho hay, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, hay chiếm 0,4% kinh tế toàn cầu, nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía Nam châu Âu này lại có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.     

Theo tin từ hãng BBC, hai đối thủ chính trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này là đảng cánh tả Syriza và đảng Tân Dân chủ thuộc cánh hữu. Hai đảng này có lập trường hoàn toàn đối lập nhau đối với gói giải cứu mà EU dành cho Hy Lạp. Trong khi đảng Tân Dân chủ cam kết thực thi các điều khoản hà khắc đi kèm với 2 gói cứu trợ (gói thứ nhất trị giá 110 tỷ euro vào năm 2010 và gói cứu trợ thứ hai được thông qua vào năm ngoái trị giá 130 tỷ euro) thì đảng Syriza kiên quyết bác bỏ và chủ trương tăng chi tiêu xã hội.

Cuộc bầu cử Quốc hội lần 2 ở Hy Lạp được cho là sẽ quyết định việc đi hay ở khu vực eurozone của nước này.

Lãnh đạo đảng Tân Dân Chủ Antonis Samaras mang quan điểm là tái thương lượng về các điều khoản trong thỏa thuận giải cứu với lãnh đạo các nước thuộc khối eurozone một cách ôn hòa hơn.

Trong khi đó, trả lời báo giới trước thềm bầu cử, lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras tuyên bố, nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội thì sẽ chấm dứt thỏa thuận cứu trợ với EU và IMF. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp buộc phải rời khỏi khu vực eurozone.

Đa số người dân Hy Lạp bất mãn với các điều kiện ràng buộc của các gói cứu trợ... Nhưng họ lại sợ hãi chính sách của đảng Syriza bởi càng chi tiêu thì nợ công càng gia tăng và việc rút khỏi khu vực eurozone sẽ khiến kinh tế nước này bị kiệt quệ, dẫn đến đời sống khó khăn. Một số nhà phân tích khác lại cho rằng, trong hai năm qua, đời sống của người dân Hy Lạp đã thay đổi đáng kể do tác động của việc cắt giảm tiền lương, lương hưu, tăng thuế và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Đối với họ bây giờ, Hy Lạp ở lại hay rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu, lựa chọn bầu cho đảng nào không còn là vấn đề quan trọng. Điều mà họ quan tâm nhất hiện nay là sẽ phải đối mặt với sự bất ổn của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn, thời gian dài hơn.

Người ta dự đoán, cũng như cuộc bầu cử lần thứ 1, sẽ khó có một đảng phái chính trị nào ở Hy Lạp giành đủ số phiếu để chiếm đại đa số ghế trong Quốc hội. Việc thành lập chính phủ liên hiệp sẽ được tính đến nhưng liệu kịch bản như cuộc bầu cử lần 1 có bị lặp lại? Câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ. Sáng 18/6, kết quả kiểm phiếu sơ bộ ở Hy Lạp sẽ được công bố

Phan Hiển
.
.
.