EU tìm giải pháp cho mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính

Thứ Bảy, 15/03/2008, 09:23
Lịch trình cắt giảm hơn nữa lượng khí thải nhà kính đã được các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông qua hôm 14/3 tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ). Đây được coi là tiền đề cho việc thúc đẩy thực hiện chỉ tiêu làm trong sạch môi trường mà LHQ vẫn kêu gọi.

Kiểm soát năng lượng

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa, người chủ trì cuộc họp đã ví kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính như "cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3". Ông khẳng định, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với mục tiêu mà Ủy ban châu Âu (EC) đề ra là đến năm 2020 thì cắt giảm 20% khí thải.

Hiện, EC vẫn đang cố thuyết phục các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc thực hiện chính sách tự do hóa thị trường năng lượng. Chủ tịch EC, ông Jose Manuel Barroso khẳng định rằng một thị trường quốc tế về năng lượng của châu Âu sẽ được xây dựng và nối kết với việc cung cấp các nguồn năng lượng mới.

Đương nhiên là sự suy thoái hiện nay của thị trường tài chính sẽ có tác động không nhỏ tới mục tiêu này của EC, song ông Jose Manuel Barroso vẫn tin tưởng rằng không gì có thể ngăn cản bước tiến hiện đại hóa của nền kinh tế châu Âu.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Javier Solana thì cảnh báo về nguy cơ mất an ninh trên toàn thế giới do hiện tượng ấm nóng của khí hậu gây ra.

Các báo cáo gửi lên ông Javier Solana đều cho thấy khả năng xảy ra thiếu hụt lương thực thực phẩm và nước uống nếu thời tiết ngày càng nóng hơn. Sự thay đổi khí hậu do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính cũng là một trong những nguyên nhân gây ra việc hàng triệu người di trú tới châu Âu khi những nơi khác phải chịu điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Cuối cùng, trong bối cảnh gia tăng nguy cơ khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, EU cũng đã chấp thuận sáng kiến của Pháp kết nối giữa thành viên EU với các quốc gia vùng Địa Trung Hải. Theo đó, EU và Israel, các quốc gia Arab như Algeria và Tunisia sẽ lập nên CLB Med. Lộ trình hành động của CLB Med sẽ được cụ thể hóa sau khi Pháp nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU vào tháng 7 tới.

Những nghi ngờ

Thông tin từ tờ Độc lập của Anh cho biết, riêng với đề xuất từ chính quyền London, xin giảm thuế cho các mặt hàng "xanh" như bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, 27 thành viên EU sẽ bàn tiếp trong một cuộc họp khác. Nguyên do là vì một số nước vẫn chưa tin tưởng lắm về kế hoạch sản xuất loại đèn này và cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm.

Hơn nữa, EC cũng chưa thống nhất được mức thuế nào là mức thuế thấp nhất thích hợp cho các loại hàng hóa "thân thiện với môi trường". Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cũng thừa nhận về sự chia rẽ trong nội bộ các thành viên EU xung quanh ý tưởng của Anh.

Còn nữa, đó là vấn đề tài chính. Việc cắt giảm khí thải nhà kính không phải là chuyện đơn giản mà ngược lại nó đòi hỏi phải có trình tự, thời gian và đặc biệt là rất tốn kém. Ước tính, để có thể giảm được 1/5 lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 như đã đề ra, EU cần phải chi tới 90 tỷ euro, tức khoảng 0,5% GDP của châu Âu.

Vào thời điểm hiện nay, khi mà đồng euro đang lên giá và tín dụng có chiều đi xuống ở Mỹ, kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn thì nhiều quốc gia bắt đầu lo ngại rằng liệu họ có đủ sức để gánh gánh nặng của khoản tiền nói trên hay không?

Và một khi EU quyết tâm thực hiện thì liệu họ có thành công trong việc thuyết phục những nước khác như Mỹ, Brazil... làm theo hay không?

Huyền Chi
.
.
.