EU tìm biện pháp thống nhất về an ninh dữ liệu

Thứ Bảy, 26/10/2013, 11:13
Khai mạc hôm 24/10 tại thủ đô Brussels của Bỉ, Hội nghị thượng đỉnh mùa thu của Liên minh châu Âu (EU) với chủ đề chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã buộc phải thay đổi chương trình nghị sự khi vấn đề an ninh dữ liệu cá nhân được các nước đồng loạt nêu ra, nhất là khi có thông tin Mỹ đang do thám 35 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng hàng triệu người dân châu Âu khác.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ngày 25/10, tức trong ngày thứ 2 của hội nghị, các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí ra tuyên bố đề cập tới quan hệ giữa khối này với Mỹ sau khi những thông tin rò rỉ về hoạt động do thám của Mỹ làm khuấy động dư luận. Tuyên bố của hội nghị nêu rõ, tuy việc thu thập tình báo là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng sự thiếu lòng tin được chứng minh trong hành động nghe lén đồng minh của Mỹ đã làm phương hại tới sự hợp tác cần thiết trong lĩnh vực này. Hơn nữa, nó cũng tác động đến quan hệ trong nội bộ các nước châu Âu cũng như trong quan hệ với Mỹ.

Hiện tại, Pháp và Đức, hai nước vừa được thông tin về việc Mỹ nghe lén hàng triệu cuộc điện thoại của người dân, trong đó có cả điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang lên kế hoạch cho một cuộc thảo luận song phương với Mỹ nhằm tìm kiếm sự cảm thông về vấn đề này vào cuối năm 2013. Đồng thời, một nhóm công tác giữa EU và Mỹ làm việc trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cũng sẽ xây dựng một quy trình hợp tác và các hoạt động mang tính xây dựng trong hoạt động tình báo.

Theo các nhà phân tích, việc EU sớm ra một tuyên bố chung trong vấn đề nghe lén liên quan đến Mỹ cho thấy sự cấp thiết của vấn đề cũng như sự bức xúc của các thành viên trong EU. Ngay tại phiên khai mạc hôm 24/10, lãnh đạo nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Đức đều cho rằng việc Mỹ theo dõi liên lạc cá nhân của công dân các nước châu Âu là không thể chấp nhận được và phải có hành động đối phó thích hợp. Và với sự bảo trợ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, chương trình của hội nghị có thêm việc bàn thảo về luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân EU. Lập luận của ông Jose Manuel Barroso là luật này sẽ ngăn cản các công ty của Mỹ thu thập những thông tin dạng này và phải được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2014.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều kêu gọi hành động mạnh mẽ ngay lập tức trước việc Mỹ do thám công dân EU.

Người phát ngôn Ủy ban Tư pháp các quyền cơ bản của EC Mina Andreeva nói: “Bảo vệ dữ liệu thông tin cần phải được thực thi ngay lập tức, cho dù đó là các thư điện tử của công dân hay điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu cần hành động, chứ không chỉ đơn thuần là những cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của EU”.

Mối lo cho FTA EU - Mỹ

Như vậy, có thể thấy, chương trình do thám quy mô lớn PRISM của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) mà “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ càng ngày càng gây bức xúc dư luận. Tình thế càng trở nên bất lợi hơn cho Mỹ khi hãng Guardian của Anh tiếp tục công bố tài liệu của Edward Snowden cho thấy, Mỹ đã nghe lén điện thoại của ít nhất 35 nguyên thủ quốc gia.

Bài báo trên hãng Guardian có đoạn viết: “Theo một bức thư mật đề tháng 10/2006, một quan chức của một cơ quan khác của chính phủ đã đưa cho NSA 200 số điện thoại, trong đó có số điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới”. Thậm chí, NSA còn đề nghị quan chức thuộc các cơ quan khác của Mỹ như Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng chia sẻ số điện thoại của các nhà lãnh đạo nước ngoài để theo dõi. Tuần báo L'Espresso của Italy cho hay, họ có đầy đủ tài liệu về việc Anh và Mỹ đã săm soi các quan chức chính phủ, lãnh đạo quốc phòng và các tập đoàn của quốc gia Nam Âu này…

Song có lẽ, điều gây bức xúc nhất trong chính giới châu Âu chính là tuyên bố của cố vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama về an ninh nội địa và chống khủng bố Lisa Monaco. Bà này đã có bài viết đăng trên nhật báo Mỹ USA Today nhằm đảm bảo với người dân trong nước rằng, chương trình giám sát của Mỹ là hợp pháp. Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright thì phát biểu tại Trung tâm tiến bộ Mỹ rằng, các nước đều do thám lẫn nhau và bà cũng từng bị Pháp nghe lén khi còn giữ chức Đại sứ Mỹ ở Liên hợp quốc từ năm 1993-1997…

Các nhà phân tích nhận định, bê bối nghe lén này của Mỹ nếu không xử lý khéo sẽ ảnh hưởng đến tiến trình thảo luận Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa Mỹ và EU. Mà nếu điều này xảy ra thì đây quả là cú đánh mạnh vào hai nền kinh tế đầu tàu thế giới, bởi lẽ nếu EU và Mỹ đạt được FTA, hàng rào thuế quan sẽ được hạ thấp, mở ra nhiều thị trường và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Kể từ cuộc đàm phán đầu tiên vào tháng 7, cho đến nay, các cuộc gặp về FTA giữa hai bên đã liên tục bị trì hoãn hoặc bị hủy.  Ủy viên EU phụ trách Tư pháp Viviane Reding khẳng định, EU và Mỹ khó có thể đạt được những dự án lịch sử như FTA khi hai bên không có lòng tin lẫn nhau

Gia Nam
.
.
.