EU chia rẽ về biện pháp giải cứu đồng Euro

Thứ Năm, 08/12/2011, 11:04
Kế hoạch do Pháp và Đức đưa ra về việc giải cứu đồng euro đang gây nhiều tranh cãi trong nội bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia lại đang cố thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để "chiều lòng" các đối tác trong khu vực nhằm đổi lấy những khoản vay mới.

Hãng tin AP nhận định, trong tuần này, số phận của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ được định đoạt vào ngày 9/12 khi Hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu. Nhưng ngay từ ngày 5/12, các quốc gia thành viên EU đã có những động thái nhằm tìm kiếm liên minh ủng hộ giải pháp cho vấn đề nợ công đang ngày càng gia tăng hiện nay.

Lo ngại về sự mất giá của đồng Euro, sau cuộc hội kiến ở Paris (Pháp), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã họp bàn và công bố kế hoạch về một Hiệp ước mới của EU để thắt chặt hơn nữa các quy định về ngân sách, bao gồm các biện pháp trừng phạt ngay các nền kinh tế buông lỏng kỷ luật ngân sách trong khu vực đồng euro.

Đại diện hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu tuyên bố ủng hộ việc trừng phạt bất cứ thành viên nào của khu vực đồng Euro để cho mức thâm hụt ngân sách vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó. Cơ quan được đề xuất có thẩm quyền xác nhận sự tuân thủ điều khoản này của các quốc gia thành viên là tòa án công lý châu Âu (ECJ).

Theo đề xuất này, 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ phải thực hiện, 10 thành viên còn lại của EU nhưng không sử dụng đồng tiền này có thể tham gia trên cơ sở tự nguyện.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hy vọng đề xuất của họ sớm được thông qua.

Thế nhưng, Anh, quốc gia không sử dụng đồng Euro lại đe dọa sẽ ngăn chặn việc này bởi họ cho rằng, Pháp và Đức đang muốn thúc ép London chịu ảnh hưởng của EU nhiều hơn. Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, ông tới đây để "bảo vệ và nâng cao vị thế cũng như lợi ích của nước Anh".

Quan điểm của Thủ tướng David Cameron là các quốc gia thuộc khu vực đồng Euro không cần phải có những biện pháp mang tính ép buộc như vậy. Nếu họ (tức Pháp và Đức) vẫn muốn thay đổi Hiệp ước EU, Anh sẽ có biện pháp riêng để đối phó". Trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên EU nhưng không sử dụng đồng Euro cũng đã có phản ứng trước đề nghị của Pháp và Đức. Một số quốc gia khác tuyên bố, họ cần biết cụ thể hơn về kế hoạch của Pháp và Đức trước khi đưa ra phản hồi.

Ngày 7/12, kế hoạch của Pháp và Đức đã được cụ thể hóa bằng văn bản gửi lên Chủ tịch EU Herman Van Rompuy. Ngày 8/12, ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ xem xét kế hoạch khi tham dự cuộc họp tại Frankfurt (Đức). Sau đó, đến ngày 9/12, lãnh đạo các quốc gia EU sẽ thảo luận cụ thể về vấn đề này.

Nguồn tin từ hãng AP cho biết, vào ngày 8/12, ECB sẽ hạ lãi suất để ngăn suy thoái kinh tế và đưa ra các biện pháp để mang đến nguồn cung vốn dài hạn cho các ngân hàng châu Âu hiện đang khó khăn.  Nếu mọi diễn biến tiếp theo này đúng với kế hoạch của chính phủ Đức và Pháp, đến cuối ngày 9/12, EU sẽ có một thỏa thuận tài khóa áp dụng cho 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu

Gia Nam
.
.
.