Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp:

Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy khó “lội ngược dòng”

Chủ Nhật, 06/05/2012, 17:47
Nhiều nhà phân tích nhận định, với kết quả các từ các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, nhiều khả năng sẽ không có đột phá ở vòng 2 và hiện tại ưu thế vẫn đang thuộc về ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande.

Ngày 6/5, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống để lựa chọn người xứng đáng nhất vào vị trí ông chủ điện Elysee, giúp đưa nước Pháp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công và lương hưu đang hoành hành ở châu Âu cũng như những khó khăn khác về kinh tế, xã hội, ngoại giao… mà nước này đang vấp phải.

Nhiều nhà phân tích nhận định, với kết quả các từ các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, nhiều khả năng sẽ không có đột phá ở vòng 2 và hiện tại ưu thế vẫn đang thuộc về ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande.

Tin từ hãng AFP cho hay, chưa đầy 24h trước khi vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống bắt đầu, hai ứng viên là đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thuộc Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và ứng cử viên đảng Xã hội (PS) Francois Hollande đã có những nỗ lực cuối cùng để kêu gọi cử tri bầu cử cho mình.

Giống như những lần vận động tranh cử trước đó, cả hai ứng viên đều cố gắng nhấn mạnh ưu điểm của mình, khoét sâu vào điểm yếu của đối phương để từ đó công kích, thậm chí là “dìm” hình ảnh đối phương trước các cử tri. Đó là chưa kể đến những lời lẽ miệt thị, chỉ trích quá mức lẫn nhau giữa hai người nhất là khi họ cùng xuất hiện trong cuộc đối thoại trực tiếp trên truyền hình rạng sáng 3/5 (theo giờ Việt Nam).

Theo ghi nhận của các phóng viên trong và ngoài nước, ông Francois Hollande và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy đều cố gắng tận dụng mọi khả năng để đưa ra những tranh cãi nảy lửa về những vấn đề cả nước Pháp, đặc biệt là các giải pháp kinh tế. Và trong khi ông Nicolas Sarkozy muốn giảm chi tiêu để giảm nợ nần và hạn chế thâm hụt thì ông Francois Hollande lại kiên trì quan điểm phải đầu tư phát triển kinh tế để tạo thêm công ăn việc làm.

Trên thực tế, đây chỉ là hai cách nhìn nhận khác nhau của hai người về một vấn đề. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp ngày càng trì trệ thì đây lại là hai hướng đi hoàn toàn khác nhau mà nếu lựa chọn bên nào đó là cử tri Pháp chấp nhận hướng giải quyết hay nói đúng hơn là cách đi cho nền kinh tế nước mình, cho cuộc sống của chính bản thân họ trong tương lai.

Theo các kết quả thăm dò dư luận mới nhất, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy có thể nhận được 47,5% số phiếu ủng hộ, còn đối thủ của ông Francois Hollande lại nhận được 52,5% phiếu ủng hộ. Vì vậy, trong buổi mít tinh vận động tranh cử cuối cùng diễn ra ở miền Tây nước Pháp hôm 4/5, ông Nicolas Sarkozy đã kêu gọi tất cả cử tri đi bỏ phiếu, sáng suốt đặt niềm tin đúng chỗ. Đồng thời, đương kim Tổng thống cũng đề nghị cử tri Pháp hãy tự hỏi mình đâu là điều cần cho đất nước và người dân Pháp trong 5 năm tới và làm thế nào để đạt được điều đó.

Đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gặp gỡ những người ủng hộ ở Les Sables d'Olonne, phía Tây nước Pháp. Ảnh: Reuters.

Như vậy, với kết quả thăm dò của Ifop-Fiducial, ông Nicolas Sarkozy chỉ còn kém ứng viên Hollande có 5% số phiếu, một con số không lớn và cũng không nhỏ. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu đương kim Tổng thống có “lội ngược dòng”? Nhận xét về tình thế này, một chuyên gia của Ifop-Fiducial cho biết: “Sự sụt giảm nhẹ tỷ lệ ủng hộ đối với ứng cử viên Francois Hollande được giải thích do sự giảm nhẹ số cam kết của cử tri đã bầu cho ứng cử viên về thứ tư của vòng 1 Jean-Luc Melenchon của đảng Mặt trận cánh tả (FG). Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Nicolas Sarkozy tăng nhẹ do có nhiều hơn (khoảng 54%) cử tri đã bầu cho ứng cử viên về thứ ba của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen cam kết sẽ bầu cho ông Sarkozy trong vòng 2. Tuy vậy, vị trí của ông Sarkozy cũng không cải thiện được nhiều”.

Hơn nữa, tỷ lệ dự đoán này lại được đưa ra trước khi nhân vật về thứ 5 trong vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp Francois Bayrou đã tuyên bố sẽ bầu cho ông Francois Hollande với tư cách cá nhân và không có chỉ dẫn cụ thể nào cho cử tri của mình là bầu cho ai.

Trong một cuộc họp báo, ông Francois Bayrou đã giải thích rõ ràng lý do vì sao ông bỏ phiếu cho cánh tả: đó là vì ứng cử viên cánh hữu đã bỏ rơi các giá trị nền tảng của phe hữu để chạy theo cánh cực hữu. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, với  tuyên bố mới của ông Francois Bayrou, ứng cử viên đảng PS Francois Hollande đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của hai ứng cử viên phe cánh tả và không bị phản đối, nếu không nói là ngầm ủng hộ từ hai nhân vật về thứ 3 là bà Marine Le Pen và ông Francois Bayrou. Và như thế, rõ ràng, nhân vật mà các ứng viên Tổng thống tham gia bầu cử vòng 1 chờ đợi chiến thắng là ông Francois Hollande.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ từ bỏ chính trị nếu ông không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai

Huyền Chi
.
.
.