Vụ xe nhãn bị lật ở Quảng Bình:

Dựng chuyện người dân lao vào “hôi của”

Thứ Ba, 11/02/2014, 08:42

Ngày 21/1, chiếc xe container mang biển số 89C-01653 chở đầy nhãn bị tai nạn lật xuống vực sâu trên đường 12A đoạn qua xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa. Ngay sau khi chiếc xe bị lật, nhiều người dân và lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để lập biên bản giải quyết vụ việc, đồng thời giúp đỡ chủ xe. Vụ việc đã trôi qua gần nửa tháng, nhưng ba ngày qua một số báo mạng loan tin: Người dân lao vào hôi của và chính quyền bất lực đứng nhìn.

Ngay sau đó, một số trang mạng nước ngoài cũng đã đăng tin theo, đồng thời có những bình luận không đúng bản chất vấn đề, bóp méo sự thật, bôi đen và xúc phạm danh dự người dân. Ngày 10/2, vượt gần 200km, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, đồng thời tìm hiểu phản ánh bản chất vụ  việc.

Hiện trường bên vực thẳm

Gạt cơn mưa tầm tã, chúng tôi đến hiện trường xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa nơi chiếc xe container mang biển số 89C-01653 bị lật. Theo vụ việc, lúc 12h15 ngày 21/1, tại KM 108+50 trên quốc lộ 12A thuộc địa phận thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, xe ôtô container mang biển số 89C-01653 kéo theo rơ moóc mang biển số 89R-00013 do Lê Văn Công (32 tuổi), trú Hưng Yên điều khiển đi theo hướng Cha Lo về ngã ba Khe Ve, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa thì gặp nạn. Đầu và giàn xe bị lật nghiêng trên mặt quốc lộ 12A, riêng container chở đầy nhãn bị đứt rơi xuống vực sâu.

Chiếc container bị vỡ làm toàn bộ nhãn rơi tung tóe quanh khu vực lật xe và rơi xuống khe nước. Hàng trăm thùng xốp đựng nhãn bị bể nát vẫn còn ngổn ngang, rất nhiều nhãn đã khô mốc vẫn còn vương vãi khắp hiện trường vụ tai nạn. Chiếc xe bị tai nạn rơi từ độ cao mặt đường xuống vực sâu gần 50m. Nhiều người dân có mặt cho biết, rất may khi xe bị tai nạn, dây cáp container chở hàng bị đứt rơi xuống vực, còn lái xe và chủ hàng ngồi trong đầu xe mắc lại trên mặt đường nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngay sau khi xe bị lật, lực lượng Công an huyện Minh Hóa và Đồn Công an Hóa Tiến đã có mặt tại hiện trường lập biên bản vụ việc. Đồng thời rất nhiều người dân chủ yếu là bà con dân tộc Khùa, Mày sống gần đó đến, có người đứng nhặt nhãn ăn, có người nhặt gom hàng lại cho chủ xe, thậm chí có người dân đánh cá gần đó cũng chèo thuyền lại rồi nhặt các thùng hàng đang trôi trên suối rồi đưa lại điểm tai nạn cho chủ xe.

Phóng viên Báo CAND tìm hiểu vụ việc tại hiện trường vụ tai nạn.

Toàn bộ thùng xốp đựng nhãn bị bể gãy nên nhãn bị dập nát còn để lại hiện trường.

Song do chiếc xe rơi từ độ cao xuống vực hơn 50m, hầu hết hộp xốp đựng hàng bị bể nát do vậy nhãn rơi ra bị dập nát, đồng thời không thể đưa một số nhãn ít ỏi còn nguyên lên mặt đường do quá dốc nên chủ xe đã để cho người dân lấy nhãn mang về. Một số người dân ăn nhãn tại chỗ, một số mang về một ít, còn lại người dân vẫn để ở hiện trường. Hiện nhãn vẫn còn rơi vãi khắp nơi chiếc xe bị tai nạn. Khi chủ xe cho người dân lấy nhãn, lực lượng Công an tại hiện trường đã đề nghị chủ xe viết cam kết.

Trong bản cam kết, anh Trinh Văn Bảy (39 tuổi), trú Hồng Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đại diện cho Công ty Bích Thị (chủ hàng nhãn nói trên) viết: “Ngày 21/1, tại đường 12A thuộc thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, xe container mang biển số đầu 89C-01653 chở hoa quả thì bị tai nạn, container đổ xuống vực sâu làm hoa quả vỡ nát, một số người dân nhặt lấy, cơ quan Công an đã thu giữ được 12 thùng nhưng tôi (Bảy) đại diện cho công ty thấy số lượng quá ít và lại bị vỡ nát nên tôi (Bảy) không lấy”.

Xúc phạm danh dự

Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, chủ hàng và chủ xe cũng như người điều khiển phương tiện yêu cầu lực lượng Công an lập biên bản xác nhận rủi ro trong tham gia giao thông để được phía công ty bảo hiểm hỗ trợ, đồng thời cam kết xin tự khắc phục hậu quả. Sau gần 20 ngày vụ tai nạn xảy ra, phía Công ty Bích Thị không hề liên lạc với cơ quan chức năng ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình để có đề nghị gì thêm, song ngày 7/2/2014, ông Bùi Văn Duyên, Giám đốc Công ty cổ phần Bích Thị có địa chỉ tại số 178, đường Nguyễn Văn Linh, phường Lam Sơn, tỉnh Hưng Yên lại nói rằng công ty ông bị người dân "hôi của". Và để tô đậm thêm sự việc, có tờ báo mạng còn giật tít “Hôi của man rợ ở Quảng Bình”.

Làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, sự việc diễn ra trên địa bàn nên ông rất quan tâm và buồn. Bởi tất cả những bài báo nêu tên ông mấy ngày qua trả lời trên báo thì ông chưa hề gặp mặt nhà báo nào cả(?). “Trong chiến tranh, đồng bào dân tộc nơi đây sẵn sàng thực hiện xe chưa qua nhà không tiếc. Quân trang, quân nhu của bộ đội đều để nhà dân và bà con cất giấu cho bộ đội. Thời bình cũng thế, bà con dân tộc nơi đây hiền lành, chất phác, đã có hàng chục chiếc xe chở hàng bị nạn đều được người dân hết sức giúp đỡ, gom lại hàng hóa, thậm chí nấu ăn giúp chủ xe… giờ chỉ xe nhãn bị lật, nhãn dập nát, chủ hàng cho người dân còn lấy không hết để lại hiện trường, vậy lại đưa thông tin nói người dân lao vào cướp, hôi của. Nói vậy là oan cho người dân, làm gì cũng phải có tâm của mình, nhất là vào thời điểm đầu năm mới. Do không tìm hiểu vụ việc, nên vụ tai nạn xảy ra ở xã Hóa Thanh, có báo mạng lại viết là ở xã Dân Hóa. Riêng bản thân tôi, một người dân Quảng Bình tôi cảm thấy bị xúc phạm”, ông Nhân nói.

Thượng tá Phạm Quang Du, Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, “ngay sau vụ tai nạn, chúng tôi đã cử lực lượng giúp đỡ chủ xe, đồng thời có phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng và hàng hóa cho người bị nạn. Vậy, nhưng có báo mạng vẫn đưa tin “dân lao vào hôi của, Công an khoanh tay đứng nhìn”. May là khi chủ hàng cho người dân lấy nhãn hầu như đã dập nát, chúng tôi buộc chủ hàng phải làm cam kết, nếu không giờ chúng tôi cũng rất khó để báo cáo sự việc với các cấp, ngành liên quan”.

Cuối giờ chiều ngày 10/2, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan của tỉnh vào cuộc, làm rõ bản chất sự việc

Dương Sông Lam
.
.
.