Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Đức và Mỹ khó ký được thỏa thuận “không do thám”

Thứ Năm, 16/01/2014, 12:20
Việc các nghị sỹ Đức yêu cầu làm rõ kế hoạch ký thỏa thuận “không do thám” với Mỹ và sẽ cân nhắc trừng phạt Washington nếu thỏa thuận này đổ vỡ đang khiến cho bê bối nghe lén có cơ hội “dậy sóng”.

Bởi theo tờ Thời đại của Đức số ra ngày 14/1, chuyên gia về chính sách nội vụ của liên đảng bảo thủ Stephan Mayer cho rằng, Đức sẽ mất mặt nếu thỏa thuận đổ vỡ, do đó hy vọng Mỹ sẽ nghiêm túc giữ lời hứa trước đó. Đồng thời cảnh báo, nếu thỏa thuận bị đổ vỡ, Đức sẽ tính tới các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mỹ như rút giấy phép của các công ty Mỹ đang hoạt động ở Đức. Chủ tịch nhóm nghị sỹ của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền Thomas Oppermann nhấn mạnh, việc thỏa thuận đổ vỡ "sẽ là điều không thể chấp nhận" vì điều đó sẽ làm thay đổi diện mạo chính trị và quan hệ với Mỹ.

Cũng trong ngày 14/1, tờ Nam Đức (SZ) và Đài phát thanh Bắc Đức (NDR) cho biết, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra nhưng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel gần như đã hết hy vọng ký được thỏa thuận với Mỹ. Theo thông tin của SZ và NDR, Washington không những từ chối đưa ra cam kết ngừng nghe lén các thành viên chính phủ Đức trong tương lai, mà còn từ chối cung cấp thông tin về thời điểm bắt đầu nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel cũng như các chính trị gia cao cấp khác của Đức. Ngoài ra, Mỹ còn bác bỏ yêu cầu của Đức về việc kiểm tra trạm nghe lén tình nghi đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Có tin nói rằng, Washington không muốn ký thỏa thuận “không do thám” với Đức vì lo ngại sẽ tạo tiền lệ với các nước khác.

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier vẫn khẳng định, mọi việc đang được đàm phán nhằm gạt bỏ những bất đồng và Mỹ phải tôn trọng luật pháp Đức trên lãnh thổ nước này. Theo giới truyền thông, Thủ tướng Đức sẽ thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama và bà Angela Merkel hy vọng đạt một thỏa thuận hợp tác tình báo với Washington. Ngày 8/1, Tổng thống Barack Obama đã mời Thủ tướng Angela Merkel đến Mỹ trong một nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ song phương sau bê bối nghe lén điện thoại cầm tay của bà Angela Merkel. Trước đó (3/1), các chính đảng ở Đức đã nhất trí thành lập một Ủy ban của Quốc hội để điều tra việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám tại nước này, nhưng chưa rõ có mời Edward Snowden làm nhân chứng hay không.

Dư luận và giới chuyên môn cũng đang bàn luận về kết luận (hôm 14/1) của một nhóm khảo cứu ở Washington mang tên "Quỹ nước Mỹ mới", theo đó việc thu thập ồ ạt dữ liệu điện thoại của NSA không có tác động rõ rệt đối với việc ngăn chặn khủng bố. Nhóm nghiên cứu kể trên cho rằng, việc theo dõi của NSA có thể đã đóng một vai trò trong các cuộc điều tra khác, nhưng khoảng 60% vụ điều tra bắt nguồn từ các phương pháp điều tra thông thường. Thông tin này trái với tuyên bố hồi năm ngoái của Giám đốc NSA Keith Alexander khi ông cho rằng, việc thu thập dữ liệu đã giúp ngăn chặn hơn 50 vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra tại 20 quốc gia trên thế giới.

Liệu điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel có hết bị theo dõi?

Ngày 3/1, Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders đã viết thư gửi Giám đốc NSA, tướng Keith Alexander, yêu cầu NSA trả lời về việc có theo dõi điện thoại, email và thông tin liên lạc Internet của các nghị sĩ hay không. Cũng trong ngày 3/1, Tòa án giám sát tình báo nước ngoài (FISA) của Mỹ đã gia hạn chương trình thu thập dữ liệu điện thoại của NSA. Phát ngôn viên của Văn phòng FISA Shawn Turner coi đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Barack Obama và cộng đồng tình báo Mỹ nhằm bảo vệ tính hợp pháp của chương trình do thám gây tranh cãi của NSA.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney, Tổng thống Barack Obama sẽ công bố các biện pháp cải cách đối với hoạt động do thám trong ngày 17/1, sau khi có đánh giá đối với NSA. Trước đó (9/1), Nhà Trắng thông báo ông Barack Obama đã tham vấn về các biện pháp cải cách hoạt động do thám của Mỹ khi gặp các nghị sỹ giám sát cộng đồng tình báo và lãnh đạo NSA, CIA, FBI và Giám đốc Tình báo quốc gia. Theo Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss, tại cuộc họp kể trên, ông Barack Obama thừa nhận những tiết lộ của Edward Snowden về chương trình do thám của NSA đã gây tổn hại đến uy tín của chính quyền cũng như làm xói mòn niềm tin của người dân. Do đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ xem xét việc hạn chế theo dõi điện thoại và thư điện tử của lãnh đạo nước ngoài.

Theo giới truyền thông, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình lên Ủy ban Tình báo Hạ viện một bản báo cáo chi tiết, trong đó cho rằng, cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã đánh cắp 1,7 triệu văn kiện mật, đồng thời cảnh báo việc các thông tin này bị tiết lộ có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đặt quân đội Mỹ trên thế giới vào tình cảnh "nguy hiểm chết người". Đây được coi là vụ đánh cắp bí mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo người phát ngôn Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Shawn Turner, việc tiết lộ tài liệu mật khiến các phần tử khủng bố và những tổ chức, cá nhân cổ xúy chủ nghĩa khủng bố có cơ hội nắm rõ cách thức thu thập thông tin tình báo của Mỹ, từ đó có các biện pháp ứng phó. Hạ nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện từng nói đùa rằng: Edward Snowden cần đưa vào danh sách "cần giết" của quân đội. Hạ nghị sĩ Dutch Ruppersberger, thành viên của Ủy ban tình báo Hạ viện cũng có quan điểm giống với Hạ nghị sĩ Mike Rogers. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Rand Paul lại kêu gọi một bản án nhẹ hơn đối với Edward Snowden. Trước đó (2/1), tờ New York Times và The Guardian cũng đã kêu gọi khoan hồng cho Edward Snowden.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/1, Tiểu ban quyền công dân (thuộc Nghị viện châu Âu) đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết đồng ý để cựu nhân viên CIA Edward Snowden trả lời những câu hỏi gửi đến trước qua video nhằm có thêm chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra xung quanh bê bối nghe lén của NSA. Trước đó, một nghị quyết tương tự từng bị các nghị sĩ Anh trong Nghị viện châu Âu bác bỏ vì cho rằng, việc nghe chứng cứ của Edward Snowden sẽ gây phương hại cho mối quan hệ giữa Mỹ với Cộng đồng châu Âu. Dự kiến, dự thảo nghị quyết này sẽ bỏ phiếu tại Tiểu ban quyền công dân trong tháng 2 và nếu được thông qua sẽ được đệ trình lên phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tháng 3. Cách đây không lâu, phóng viên Glenn Greenwald, người đầu tiên công bố những bí mật của cựu nhân viên CIA cho biết, Edward Snowden giữ nhiều bí mật liên quan đến Israel.

Chính phủ Ecuador cho biết đang sở hữu dữ liệu xác nhận công ty Mỹ Chevron đã tiến hành hoạt động gián điệp theo dõi hòm thư điện tử của lãnh đạo nước này. Theo thư ký của Tổng thống Ecuador Alexis Mera: Chevron đã bẻ khóa hòm thư điện tử của Tổng thống Rafael Correa, của ông và công tố viên. Ông Alexis Mera còn cho biết, những bằng chứng này được tìm thấy trong số tài liệu thu được khi điều tra nghị sĩ đối lập Clover Jimenez và các trợ lý của ông ta.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.