Đức - Pháp và những hệ lụy khó lường tại khu vực Eurozone

Thứ Hai, 28/05/2012, 14:53
Nếu kịch bản Hy Lạp rời khu vực Eurozone xảy ra, không chỉ Hy Lạp mà nhiều nước châu Âu khác, đứng đầu là Pháp và Đức bị thiệt hại. Pháp sẽ thiệt hại hơn 80 tỷ Euro bởi là một trong những đối tác chính của Hy Lạp - đang nắm 65 tỷ Euro nợ công của Hy Lạp. Đức là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Hy Lạp nên thiệt hại ít nhất cũng vào khoảng 30 tỷ Euro.
>> Vai trò và vị thế của Đức - Pháp trong khu vực Eurozone

Trong khi Thủ tướng Italia Mario Monti tin tưởng Đức sẽ ủng hộ trái phiếu châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6/2012 thì nhiều nước đã lên kế hoạch nếu Hy Lạp rời khu vực Eurozone. Bởi nếu Hy Lạp rời khu vực Eurozone, các nhà đầu tư sẽ hoài nghi về khả năng tài chính của các nước thành viên yếu kém khác trong khu vực này, cũng như tạo nên làn sóng lo ngại về tài chính toàn cầu.

Thứ trưởng Kinh tế Italia Vittorio Grilli cho biết, Roma đã sẵn sàng cho khả năng Hy Lạp rời khu vực Eurozone nếu cử tri nước này bầu cho các đảng không chấp nhận những biện pháp cải cách đã cam kết với EU và IMF để đổi lấy các khoản vay khẩn cấp trong cuộc bỏ phiếu ngày 17/6. Nếu Athens huỷ bỏ thỏa thuận cải cách, Hy Lạp sẽ không có tiền để trả lương, phải rời khu vực Eurozone và bắt đầu in đồng Drachme, đơn vị tiền tệ của nước này.

Nếu Hy Lạp rời khu vực Eurozone thì thiệt hại ban đầu có thể ở mức 1.000 tỷ Euro và đồng Drachme sẽ mất giá 50% khiến lạm phát gia tăng, nhưng sau giai đoạn hỗn loạn ban đầu, sản xuất và xuất khẩu của Hy Lạp có khả năng cạnh tranh cao hơn…

Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Angela Merkel.

Kinh tế trưởng Citigroup Willem Buiter cho rằng, việc Hy Lạp rời khỏi khu vực Eurozone liên quan mật thiết với dự trữ tiền mặt hạn hẹp của họ: đồng drachme sẽ lập tức mất 60% giá trị so với đồng Euro và tiếp tục giảm 50%-60% trong 5 năm tiếp theo và Hy Lạp sẽ tăng trưởng âm 10% vào năm 2013, nhưng phục hồi 4-5% vào năm 2015-2016 khi xuất khẩu được thúc đẩy nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí, đặc biệt là ngành du lịch.

Nếu kịch bản này xảy ra, không chỉ Hy Lạp mà nhiều nước châu Âu khác, đứng đầu là Pháp và Đức. Pháp sẽ thiệt hại hơn 80 tỷ Euro bởi là một trong những đối tác chính của Hy Lạp - đang nắm 65 tỷ Euro nợ công của Hy Lạp (chưa kể khoản đầu tư trực tiếp 2,8 tỷ Euro), là nước xuất khẩu thứ 6, là quốc gia đầu tư thứ 4 của Hy Lạp. Đức là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Hy Lạp nên thiệt hại ít nhất cũng vào khoảng 30 tỷ Euro.

Các ngân hàng ở Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng mất 90 tỷ-340 tỷ Euro tiền gửi nếu Hy Lạp rời khu vực Eurozone. Có người nói rằng, Mỹ cũng phải gánh chịu những hậu quả nhất định nếu Hy Lạp rời khu vực Eurozone.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nên thay thế Hy Lạp tại khu vực Eurozone bởi tăng trưởng năm 2011 của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 11%, trong khi Hy Lạp chìm sâu vào suy thoái. Theo báo cáo quý I-2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hy Lạp dưới 5 tỷ Euro, chưa bằng 50% so với kim ngạch nhập khẩu 10,8 tỷ Euro.

Trong quý I/2012, Hy Lạp phải trả tổng cộng 2,5 tỷ Euro tiền lãi, cổ tức và các khoản tương tự cho các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào trái phiếu chính phủ nước này.

Trong khi đó, khoảng 37 tỷ Euro đã chảy ra khỏi Hy Lạp trong quý I/2012 khi nhà đầu tư nước ngoài rút vốn và người dân nước này chuyển tài sản ra nước ngoài. Nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu Đức nhằm tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn khi tương lai của Hy Lạp ngày càng trở nên bấp bênh và kinh tế khu vực Eurozone vẫn ảm đạm bất chấp nỗ lực của EU.

Giới chuyên môn cũng quan tâm tới cảnh báo hôm 24/5 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về khả năng châu Âu đứng trước nguy cơ “tái khủng hoảng” khi tăng trưởng kinh tế của 17 quốc gia khu vực Eurozone là âm 0,1% trong năm 2012, trước khi tăng trở lại 0,9% vào năm 2013. OECD nhận định, nợ công của nhiều nước châu Âu tiếp tục ở mức cao, trong khi hệ thống ngân hàng suy yếu, ngân sách bị cắt giảm quá mức và tăng trưởng giảm sút nên cần linh hoạt trong kỷ luật ngân sách, nhất là khi chính sách khắc khổ đang gây tác hại đến tăng trưởng.

Cũng trong ngày 24/5, Công ty Nghiên cứu thị trường Markit (Anh) cho công bố kết quả các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, hoạt động của khu vực tư nhân Eurozone bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong gần 3 năm qua. Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi khu vực Eurozone phải vừa áp dụng chính sách tăng trưởng vừa áp dụng thắt lưng buộc bụng mới mong thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.

Dư luận quan tâm tới tin Đức đang yêu cầu ECB trả lại 35 tỷ Euro cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Theo thỏa thuận, ECB được phép giữ khoản tiền này trong vòng 10 tháng để bảo lãnh trái phiếu vỡ nợ từng phần. Có tin nói rằng, ECB đã bí mật cấp 100 tỷ Euro cho các ngân hàng Hy Lạp. ECB cho biết, vàng và những khoản phải thu bằng vàng bởi các ngân hàng trung ương khu vực Eurozone đã giảm 1 tỷ Euro trong khi các ngân hàng trung ương thế giới đang tiếp tục mua vàng để dự trữ. Trong quý I/2012, nhu cầu mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương khu vực Eurozone là 80,8 tấn, giảm 41% so với quý trước.

Dư luận quan tâm tới tuyên bố của ông Mario Blejer, nguyên Thống đốc ngân hàng trung ương Argentina, người đã đưa Argentina từ chỗ vỡ nợ sang tăng trưởng 2 con số khi cho rằng, Hy Lạp không thể tồn tại trong môi trường hiện nay - nợ công khoảng 160% GDP sau khi tái cơ cấu nợ, do đó cần tái cơ cấu số nợ còn lại và tiếp tục ở lại khu vực Eurozone. Người Ireland đã rời đồng bảng Anh, người Bantic ngừng sử dụng đồng Rub, thì tại sao đồng Euro lại không thể chấm dứt vai trò sau hơn 10 năm tồn tại. Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy tuy đánh giá cao những nỗ lực của người dân Hy Lạp, nhưng cũng kêu gọi Athens tiếp tục thực hiện cải cách để đảm bảo chắc chắn nhất cho một tương lai thịnh vượng hơn trong khu vực Eurozone. bởi các nhà lãnh đạo EU đều cam kết hỗ trợ Hy Lạp để nước này tiếp tục ở lại khu vực Eurozone, nhưng đều yêu cầu Athens phải tôn trọng những gì đã cam kết. Ông Herman Van Rompuy cho biết, sẽ đề cập tới giải pháp giúp tăng trưởng EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6/2012.

Vì khủng hoảng kinh tế nên người dân châu Âu (chủ yếu đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Bulgary, Rumania) đã ồ ạt nhập cư vào Đức. Lượng người nhập cư vào Đức đã tăng mức cao nhất trong vòng 16 năm qua sau khi quyền miễn trừ khỏi các điều luật của EU về việc tự do di chuyển của lực lượng lao động Đức hết hạn sau gần 7 năm. Hy Lạp và Tây Ban Nha là 2 quốc gia có lượng người nhập cư vào Đức tăng cao nhất trong năm 2011.

Trong bài trả lời phỏng vấn Đài Europe 1 của Pháp hôm 18/5, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Scaheuble cho rằng, nhiều khả năng bất ổn trong nền tài chính châu Âu vẫn tiếp diễn trong 1 hoặc 2 năm tới.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.