Dư luận quốc tế yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Thứ Năm, 26/07/2012, 10:59
Sức nóng của vấn đề Biển Đông đang ngày càng lan tỏa trên khắp thế giới và thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo giới chức cũng như dân chúng các nước. Không chỉ các quốc gia ở khu vực châu Á mà cả Mỹ và cả nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) đề nghị các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
>> Phải giải quyết tranh chấp Biển Đông theo UNCLOS

Theo một báo cáo mang tên “Khuấy động Biển Đông: Các phản ứng trong khu vực” được ICG công bố hôm 24/7, các chuyên gia nghiên cứu khủng hoảng quốc tế đều cho rằng, tranh chấp trên Biển Đông đang phức tạp vì những động thái căng thẳng từ phía Trung Quốc.

Hãng AFP dẫn lời của Paul Quinn-Judge, Giám đốc chương trình châu Á của ICG cho hay: “Chừng nào các nước ASEAN còn chưa thống nhất được chính sách về Biển Đông thì luật pháp và quy định tại những khu vực tranh chấp sẽ không được tuân thủ”.

Chưa hết, báo cáo của tổ chức có trụ sở tại Brussels (Bỉ) còn cho rằng, Trung Quốc đang có những “hoạt động tích cực nhằm chia rẽ ASEAN” và biện pháp đưa ra là Bắc Kinh có những đối xử ưu tiên với nước nào ủng hộ mình trong các tranh chấp ở Biển Đông. Báo cáo nhấn mạnh: “Sự thiếu đoàn kết giữa các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, cộng với những điểm yếu trong cơ chế đa phương của khu vực đang gây khó khăn cho việc tìm kiếm một giải pháp”.

Tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực bãi đá ngầm Scarborough hồi tháng 4, tạo nên những đợt sóng mới trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Quan điểm của các chuyên gia của ICG là mọi động thái căng thẳng có thể sẽ phá hỏng giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề Biển Đông. Vì thế, điều quan trọng bây giờ là các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc phải đoàn kết, tìm kiếm một giải pháp với Trung Quốc để chia sẻ lợi ích có được từ nguồn tài nguyên giàu có của Biển Đông. 

Trong khi đó, Mỹ cảnh báo Trung Quốc chớ có những hành động "đơn phương" trên Biển Đông. Tuyên bố này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đưa ra trong cuộc họp báo hôm 24/7 sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập một đơn vị hành chính quanh các vùng lãnh hải đang tranh chấp. Bà Victoria Nuland nhấn mạnh:  "Chúng tôi vẫn quan ngại về khả năng có bất kỳ hành động đơn phương nào như vậy”.

Đồng thời, bà Victoria Nuland cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du châu Á gần đây "thường bày tỏ quan ngại trước mọi tình trạng ép buộc về kinh tế hay quân sự" liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á thông qua những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Nhiều Thượng nghị sĩ và quan chức Mỹ cũng đã lên tiếng về vấn đề này trong đó có phát biểu của Thượng nghị sĩ John McCain. Ông John McCain nói: “Quyết định của Quân ủy Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai binh sỹ tới các đảo tại khu vực Biển Đông là một quyết định khiêu khích không cần thiết. Tương tự như vậy, việc Trung Quốc bổ nhiệm các nhà lập pháp để quản lý tất cả các đảo và vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại khu vực Biển Đông chỉ một lần nữa khẳng định tại sao rất nhiều nước châu Á đang ngày càng lo ngại về việc mở rộng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các tuyên bố của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế là không có cơ sở”.

Thượng nghị sỹ Mỹ khẳng định, các hành động của Trung Quốc trong tình huống này đã gây thất vọng và không xứng đáng là một cường quốc lớn có trách nhiệm. Do đó, Mỹ sẽ xúc tiến việc thúc giục tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông tìm kiếm một giải pháp đa phương và hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và tuân thủ các qui tắc tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế.

Trước đó một ngày, Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng các Thượng nghị sỹ Jim Webb, Lugar, James Inhofe và Lieberman cũng đã giới thiệu Nghị quyết S.Res 524 ra Thượng viện Mỹ, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia thuộc khối ASEAN và Trung Quốc được ký kết năm 2002.

Báo chí Philippines đưa tin về những mưu toan mới của Trung Quốc

Tin từ tờ Philippines Daily Inquirer ngày 25/7 cho hay, hôm 24/7, Philippines đã lên tiếng phản đối về kế hoạch xây dựng đồn trú quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại nước này để trao công hàm ngoại giao phản đối việc hạm đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Tờ Philstar thì đưa tin Trung Quốc còn đang mưu toan xây dựng đường băng đầu tiên tại một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Tiếp nối những động thái của Trung Quốc, Đài Loan cũng đã đưa pháo cao xạ, súng cối ra Biển Đông... Chính vì thế, quân đội Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi hành động của Trung Quốc, Đài Loan và phối hợp với các cơ quan khác trong chính quyền Manila tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. (A.T.)

Phan Hiển
.
.
.