Đối thoại Shangri-la: Vẫn nóng vấn đề Biển Đông

Thứ Tư, 20/02/2013, 09:28
Ngày 19/2, Hội nghị an ninh cấp cao châu Á lần thứ 12 (còn gọi là Đối thoại Shangri-la) do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore đã kết thúc với chủ đề trọng tâm là vấn đề Biển Đông và bảo đảm an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn 60 quan chức quốc phòng và chuyên gia về an ninh đến từ 27 quốc gia trên thế giới đã tham dự hội nghị kéo dài từ 18 đến 19/2.

Phát biểu tại lễ khai mạc hôm 18/2, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, Tiến sĩ Ng Eng Hen cho biết, hội nghị an ninh cấp cao châu Á lần này có tên gọi The Shangri-la Dialogue (SLD) Sherpa meeting với ý nghĩa tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng trong khu vực, thể hiện sự quyết tâm, nhất trí cao và đoàn kết giữa các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương trong việc xây dựng một nền an ninh ổn định của khu vực.

Tiến sĩ Ng Eng Hen nói: “Năm ngoái, 29 đại biểu cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng đến từ 28 quốc gia đã tham dự Đối thoại Shangri-la (SLD) và đều khẳng định, SLD là sự kiện đáng được quan tâm nhất của năm và đề nghị chúng tôi mở rộng phạm vi hợp tác cũng như tổ chức thêm các hội nghị để đại diện các nước có thể bàn thảo kỹ hơn về các vấn đề an ninh. Thêm vào đó, theo sáng kiến do Thủ tướng Malaysia khi còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Najib Razak hồi năm 2005: từ nay, chương trình nghị sự của SLD sẽ luôn thường trực vấn đề tuần tra hàng hải chung. Ngoài ra, chúng tôi cũng hoan nghênh và đang xem xét ý tưởng sử dụng máy bay tuần tra vùng eo biển Malacca giữa Indonesia, Singapore, Malaysia”.

Trong bối cảnh, vấn đề Biển Đông đang trở thành chủ đề tranh luận tại các hội nghị quốc tế và là đề tài được báo chí khai thác nhiều nhất kể từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng cảnh báo, những tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang thực sự ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực, tạo nên những bất ổn không đáng có.

Quan điểm của Singapore và nhiều quốc gia khác trong khu vực là ASEAN cần tiếp tục sử dụng cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa các nước thành viên trong khối để giải quyết những bất đồng này. Trước đó, riêng việc Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án Luật Biển của LHQ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul và Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam đều lên tiếng ủng hộ và cho rằng, tất cả các bên nên theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, Tiến sĩ Ng Eng Hen phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ngoại trưởng K Shanmugam thậm chí còn khẳng định: “Quan điểm của ASEAN, trong đó có Singapore là tránh để căng thẳng leo thang. Chúng ta cần phải cố gắng đối phó với điều này và nỗ lực làm giảm căng thẳng theo những quy định chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển 1982, đồng thời tránh để xảy ra những hành động khiêu khích”.

Và để đảm bảo ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tại Đối thoại Shangri-la lần này, Singapore đã mạnh dạn đề xuất một bộ khung khuôn khổ dựa trên 3 nguyên tắc then chốt. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nhấn mạnh, nguyên tắc đầu tiên phải luôn ghi nhớ: các quốc gia dù lớn hay nhỏ, phải cởi mở toàn diện, nói tiếng nói của riêng mình và cải cách các thể chế đa phương hiện có để có một sự công bằng, hài hòa hơn giữa các nước tham gia cùng một diễn đàn.

Tiếp đó là sự tôn trọng các quy định chung của quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế giải quyết tranh chấp như cơ chế ở tòa án công lý quốc tế. Cuối cùng, các tổ chức khu vực cần phải đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia, giúp các nước xích lại gần nhau, đối thoại để giải quyết bất đồng, cùng chung tay góp sức bảo vệ nền hòa bình và an ninh chung. Muốn vậy, điều quan trọng là phải có sự giao thương và đặc biệt là xây dựng lòng tin giữa các bên để hợp tác hiệu quả hơn.

Ông Ng Eng Hen còn cảnh báo, thách thức đang chờ đợi châu Á và nền an ninh của khu vực đang bị tổn hại bởi những xung đột kéo dài giữa các quốc gia, đặc biệt là các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông

Sông Thương
.
.
.