Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần thứ 16: Cơ hội để giải quyết những vướng mắc

Thứ Năm, 23/07/2009, 09:12

Dư luận trong và ngoài khu vực đang đặc biệt quan tâm tới Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần thứ 16 (Diễn đàn ARF-16) diễn ra tại Phuket, Thái Lan (23/7) bởi đây được coi là cơ hội để các bên hữu quan thương đàm, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.

Diễn đàn ARF-16 là Hội nghị an ninh thường niên lớn nhất của châu Á với sự tham gia của quan chức 10 nước thành viên ASEAN và 17 đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu... Diễn đàn ARF-16 cũng sẽ thảo luận những biện pháp nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố, nhất là sau 2 vụ đánh bom tự sát hôm 17/7 tại 2 khách sạn ở Jakarta, thủ đô của Indonesia.

Trước thềm Diễn đàn ARF-16, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya đã có cuộc gặp (30 phút) với Đại sứ lưu động của CHDCND Triều Tiên Pak Kun-gwang bởi Ngoại trưởng nước này không tới tham dự hội nghị.

Theo giới truyền thông, vấn đề Bình Nhưỡng rút khỏi các cuộc đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân sẽ chi phối chương trình nghị sự tại Diễn đàn ARF-16. Nhiều vấn đề thời sự của khu vực và thế giới cũng được đề cập, nhưng trọng tâm của Diễn đàn ARF-16 vẫn là tăng cường hoà bình và tình hữu nghị. Dự kiến, CHDCND Triều Tiên và Myanmar sẽ chủ trì những cuộc thảo luận với ASEAN và Diễn đàn khu vực Đông Nam Á  mở rộng.

Theo giới truyền thông, sự xuất hiện của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn ARF-16 được coi là một thông điệp rõ ràng của Washington - Mỹ đã quay trở lại châu Á. Điều này đã được bà Hillary Clinton nhấn mạnh khi vừa đặt chân tới Thái Lan (21/7) - Mỹ sẽ mở rộng cũng như tăng cường các quan hệ đối tác trong khu vực bất chấp việc "sa lầy" vào 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Để chứng tỏ những điều đã tuyên bố, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, sẽ ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN. Đây được coi là một cam kết của Mỹ trong việc giải quyết hòa bình những bất đồng tại khu vực.

Giới bình luận cho rằng, Mỹ không thể bỏ qua khu vực ASEAN, nơi có 570 triệu dân cùng sản lượng kinh tế chiếm tới 1,1 nghìn tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2008, quan hệ thương mại giữa Mỹ và ASEAN đã vượt qua con số 178 tỷ USD.

Bên lề Diễn đàn ARF-16, bà Hillary Clinton sẽ có các cuộc hội đàm song phương với những người đồng nhiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga nhằm tìm ra giải pháp thuyết phục Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân.

Được biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã đề cập tới các vấn đề đặc biệt trong quan hệ song phương nhằm đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới theo hướng ổn định và lâu dài.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Sang-hee cũng vừa lên tiếng ủng hộ những nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lại không có kế hoạch gặp gỡ với Ngoại trưởng Australia Stephen Smith bên lề Diễn đàn ARF-16 để thảo luận về "sự cố tại Tập đoàn khai thác khoáng sản Rio Tinto". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia (giá trị thương mại đạt 53 tỉ USD trong năm 2008).

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cũng cho rằng, ASEAN+3 (10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cần biến cuộc khủng hoảng hiện nay thành cơ hội mở rộng và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại - đầu tư, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật. ASEAN+3 cần tăng nhanh tiến trình xây dựng thị trường trái phiếu châu Á, nhằm tận dụng tốt hơn nguồn vốn trong khu vực, thúc đẩy kinh tế châu Á phát triển.

Về phần mình, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Javier Solana cũng khẳng định, ASEAN đang được đánh giá là động lực quan trọng thúc đẩy hội nhập khu vực tại châu Á và quan hệ lâu dài giữa EU và khu vực Đông Nam Á đã chuyển hướng mới - EU là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và quan hệ song phương đang tiến triển sâu rộng và gần nhau hơn, nhất là trong kiến tạo hòa bình, an ninh và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

Trước khi khai mạc Diễn đàn ARF-16 (20 và 21/7), cũng tại Phuket đã diễn ra cuộc họp lần thứ tư của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), cuộc họp lần thứ hai của Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 42.

Vì Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD) tiếp tục biểu tình (21/7) yêu cầu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và Ngoại trưởng Kasit Piromya từ chức nên lực lượng cảnh sát và an ninh tiếp tục gia tăng công tác bảo vệ để bảo đảm an ninh cho Diễn đàn ARF-16

Quốc Trung
.
.
.