Đến thăm nhà quốc tế Cộng sản

Chủ Nhật, 30/08/2009, 10:30
Đây là bài báo của nhà thơ Nga - Xôviết Osip Mandelstam (1891-1938) đã đăng trên tuần san "Ngọn lửa nhỏ" ("Ôganiôk") số 39 (năm 1923) của Liên Xô. Có lẽ đây là bài viết đầu tiên về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trước 22 năm khi Người trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian Người từ Pháp sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III - cuối năm 1923. Chúng tôi xin dịch nguyên văn bài viết đó từ nguyên bản tiếng Nga.

- Phong trào của ông Gandhi có ảnh hưởng như thế nào ở Đông Dương? Có những làn sóng, những tiếng vang gì tới đó không? - tôi hỏi Nguyễn Ái Quốc.

- Không, - người tiếp chuyện tôi trả lời - Nhân dân Annam, nông dân đang sống trong tăm tối của địa ngục trần gian, không có báo chí, không mảy may biết gì đang diễn ra trên thế giới; là đêm tối - một đêm tối thật sự.

Nguyễn Ái Quốc là người Annam duy nhất ở Moskva, là người đại diện của chủng tộc Mã Lai cổ xưa. Ông hầu như còn trẻ, gầy và thanh mảnh trong chiếc áo khoác ấm len đan. Ông nói tiếng Pháp - thứ tiếng của kẻ áp bức dân ông, nhưng những từ tiếng Pháp vang lên trầm mờ, không được rõ, như là tiếng chuông êm dịu của tiếng mẹ đẻ.

Nguyễn Ái Quốc thấy kinh tởm khi nói tới từ "khai hoá". Ông đã đi hầu như khắp thế giới, đã từng ở Bắc và Trung châu Phi và đã nhìn thấy được rất nhiều. Trong đàm thoại, ông thường nói tới từ "anh em". Anh em - đó là người da đen, người Ấn Độ, người Syria, người Trung Quốc... Ông đã viết thư cho René Maran, một người da đen Pháp, tác giả của tác phẩm "Batula" nổi tiếng và đặt vấn đề dứt khoát: Maran có muốn hay không giúp đỡ giải phóng những người anh em thuộc địa? René Maran nổi tiếng của Viện Hàn lâm Pháp đã trả lời một cách giữ kẽ và quanh co.

- Tôi vốn xuất thân từ một gia đình trí thức Annam - Nguyễn Ái Quốc cởi mở câu chuyện - Những gia đình đó ở chúng tôi không làm được gì cả. Thanh niên thì nghiên cứu đạo Khổng. Ông có biết Khổng giáo không? - đó không phải là tôn giáo mà là một khoa học về thử nghiệm đạo đức và nguyên nhân. Và trên cơ sở của mình mà dự đoán "thế giới xã hội". Khi còn là cậu bé 13 tuổi, tôi lần đầu tiên được nghe những từ tiếng Pháp: "tự do", "bình đẳng" và "bác ái" - bởi chính với chúng tôi bất cứ người da trắng nào thì đó là người Pháp mà. Tôi muốn được tìm hiểu sự khai hoá của Pháp, thăm dò xem cái gì được che giấu sau những từ đó. Nhưng ở các trường học bản xứ người Pháp đang dạy những con vẹt. Họ đã giấu chúng tôi sách và báo chí, họ cấm đọc tác phẩm không những của các nhà văn mới mà còn ngay cả Rousso và Montesque. Thế cần phải làm gì? Tôi đã quyết định ra đi. Người dân Annam là nông nô. Chúng tôi bị cấm không chỉ đi du lịch mà còn đi lại trong đất nước. Các đường sắt được xây nên chỉ với mục đích "chiến lược": Theo người Pháp thì chúng tôi chưa biết thành thạo dùng nó. Tôi đã tới bến tàu rồi ra đi. Lúc đó tôi 19 tuổi. Ở Pháp đã diễn ra cuộc bầu cử. Bọn tư bản bôi xấu nhau. (Trên khuôn mặt Nguyễn Ái Quốc biểu hiện nét kinh tởm về điều đó. Con người vẻ mờ đục và u buồn bỗng sáng rực lên. Trong đôi mắt to của ông ngấn lệ: ông như người mù liếc mắt và nhìn thấy được).

- Khi người Pháp đến thì tất cả những nền nếp cũ của gia đình đã bị mất đi. Bọn súc sinh biết nịnh hót đã chiếm lấy nhà cửa, vườn tược; giờ thì chúng giàu lên thành giai cấp tư sản mới, chúng có thể dạy con cái chúng theo kiểu cách Pháp. Ở nước chúng tôi nếu con trai theo học với các nhà truyền đạo Công giáo thì đó là đồ phế thải, cặn bã. Vì việc đó phải trả tiền. Có những kẻ thật ngốc nghếch hèn hạ dù chúng có đi làm cảnh sát hay lính đánh thuê. Ở nước chúng tôi một phần năm đất đai thuộc các nhà truyền đạo Công giáo. Chỉ có bọn chủ xí nghiệp tô nhượng mới có thể cạnh tranh với họ.

- Thế thực dân Pháp là ai? Ồ, đó là thứ dân bất tài và thiển cận. Việc lo lắng đầu tiên là xếp đặt bố trí bà con ruột thịt. Sau đó là chiếm đoạt và ăn cướp càng nhiều và càng nhanh càng tốt, mà mục đích chính của chính sách đó là một ngôi nhà riêng làm "nhà của mình" ở nước Pháp.

- Người Pháp đang đầu độc nhân dân tôi. Họ bắt nhân dân tôi phải uống rượu. Chúng tôi chọn gạo tốt để làm rượu ngon thết đãi bạn bè hay để cúng giỗ tổ tiên. Người Pháp thì chọn gạo xấu, rẻ tiền để nấu rất nhiều rượu chứa trong các thùng phuy, không ai muốn mua rượu của chúng. Chúng ấn định cho các tỉnh trưởng địa phương phải theo số lượng dân cư mà phân phối số rượu bắt buộc dân phải mua - điều mà chẳng ai muốn...

Tôi hình dung thấy rõ họ (tức thực dân Pháp - ND) đã tập uống rượu say cho một dân tộc yếu ớt, thích tế nhị và điều độ, ghét sự thái quá. Toàn bộ hình dáng Nguyễn Ái Quốc toát lên vẻ lịch sự tế nhị bẩm sinh. Sự khai hoá kiểu châu Âu là làm việc bằng lưỡi lê và rượu khi che giấu chúng dưới chiếc áo thụng của các nhà truyền giáo. Con người Nguyễn Ái Quốc toát ra một văn hoá không phải châu Âu, mà có thể là văn hoá của tương lai.

Hiện nay ở Paris có một nhóm đồng chí từ các nước thuộc địa của Pháp: 5 - 6 người từ xứ Nam Kỳ (theo tên gọi của Pháp về miền Nam Việt Nam), Sudan Madagascar, Haity. Họ xuất bản tờ báo "Le Paria" phục vụ cho cuộc đấu tranh với chính sách thực dân của Pháp. Đây chỉ là một tờ báo rất nhỏ - mỗi cộng tác viên đều phải trả thêm tiền từ túi của mình thay cho việc nhận nhuận bút.

Một thanh tre trên đó khắc lời kêu gọi được bí mật gửi đi khắp các làng quê. Nó được chuyển từ nơi này tới nơi khác và đã có được sự đồng thuận. Nó đã được người dân Annam trả giá đắt: bị tử hình, phải chịu biết bao đầu rơi máu chảy.

Nhân dân Annam không có linh mục, cố đạo và không có đạo giáo theo nghĩa châu Âu. Thờ cúng tổ tiên thuần tuý là một hiện tượng xã hội. Không có tăng lữ, thầy cúng. Người chủ gia đình hay trưởng thôn làng chủ trì thực hiện các nghi thức tưởng niệm. Chúng tôi không biết quyền uy của thầy cúng hay linh mục là gì. Vâng, thật lạ là chính quyền Pháp đã dạy cho người nông dân chúng tôi các từ "bônsêvich" và "Lênin". Họ đã bắt đầu truy nã những người cộng sản trong người dân Annam trong khi không có người cộng sản nào. Và họ đã tuyên truyền bằng cách như vậy.

Người Annam - đó là người dân giản dị và lịch thiệp. Trong phong thái tao nhã, trong giọng nói trầm buồn của Nguyễn Ái Quốc ta nghe thấy cái ngày mai, cái đại dương tĩnh lặng của tình hữu ái toàn cầu.

Trên bàn là một bản thảo. Một bản báo cáo công việc thầm lặng. Một phong cách điện báo của người phóng viên. Ông đang phóng tác với đề tài: "Đại hội Quốc tế Cộng sản vào năm 1947". Ông nhìn thấy và nghe được Chương trình đại hội, ông có mặt ở đó và đang ghi biên bản...

Lúc chia tay, Nguyễn Ái Quốc như nhớ lại điều gì đó:

- Vâng, ở nước chúng tôi còn một "vụ nổi loạn" nữa. Vị vua Duy Tân của Annam đã khởi xướng nó. Đó là chống lại việc đưa những người nông dân chúng tôi tới lò sát sinh của Pháp. Vua Duy Tân đã chạy đi. Hiện ông đang sống lưu vong ở nước ngoài. Hãy nói thêm về ông ta.

Ghi chú:
1. Osip Mandelstam (1891-1938)
Nhà thơ Nga - Xôviết có các tác phẩm đã in: Tuyển tập "Camen" (1913); "Tristia" (1922); "Sổ ghi ở Voronej" (1966) và sách "Đàm luận về Dante" (1967). Thơ ông phong phú những hình ảnh lịch sử - văn hoá và có phong cách rõ ràng, cụ thể cảm nhận thế giới quan.
2. René Maran (1887-1960)
Nhà văn da đen người gốc Guyan (thuộc địa của Pháp Mỹ - Latinh). Sống ở Pháp, bất đồng với bọn thống trị da trắng. Chuyên viết về người châu Phi. Nổi tiếng với tiểu thuyết “Batula” viết về người da đen (1921) được giải thưởng Gôngcua. Các tác phẩm của ông như “Cõi lòng se lại” (1931); “Một con người như mọi người” (1947); “Sách lưu niệm” (thơ 1958); “Junna, con chó và rừng sâu” (1927); “Những người mở đầu của đế chế” (1943-1946)... đều phê phán những sai lầm của chính quyền thực dân...
Nguyễn Hữu Dy (chuyển ngữ)
.
.
.