Xem xét lại chiến lược đối phó với IS tại Syria:

Đâu là mục đích thực sự của Washington?

Thứ Sáu, 14/11/2014, 09:17
Bên cạnh việc cùng lực lượng liên minh tăng cường không kích vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, trong mấy ngày gần đây, Nhà Trắng đã triệu tập ít nhất 4 cuộc họp của đội ngũ an ninh quốc gia, mà trong đó, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc các cố vấn an ninh xem xét lại “chiến lược ở Syria phù hợp như thế nào với chiến lược chống IS”, vì những vấn đề tại Syria kéo dài bấy lâu nay đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống tổ chức khủng bố cực đoan này.

Giới quan sát cho rằng, yêu cầu này của ông Obama cũng là một sự thừa nhận ngầm rằng, chiến lược ban đầu của Mỹ để đối phó với IS, đầu tiên tại Iraq và sau đó là Syria, nhưng không loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad là một tính toán sai lầm.

Giới chức Mỹ “phân cực” vì Tổng thống Syria

Cuộc chiến chống IS của Mỹ tại Iraq bước đầu đã có hiệu quả khi nhận được sự hợp tác lớn từ phía Chính phủ nước chủ nhà. Tuy nhiên, việc này đã không xảy ra ở Syria. Bằng chứng là thế trận giằng co giữa hai bên (liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu và IS) tại thị trấn chiến lược Kobani trong nhiều tuần qua. Theo chiến lược ban đầu, Mỹ cho biết sẽ ưu tiên đối phó với IS tại Iraq rồi sau đó mới tới Syria, mục đích là tạo điều kiện cho Washington có thêm thời gian đào tạo lực lượng đối lập mà Mỹ xác nhận là “ôn hòa” tại Syria, mà đại diện là tổ chức “Quân đội Syria tự do” (FSA). Tuy nhiên, việc này lại tiến triển rất chậm chạp. Theo đánh giá của một số quan chức Mỹ thì có thể kéo dài vài năm, vì lực lượng “Hồi giáo ôn hòa” FSA đang gặp rất nhiều khó khăn khi “một mình giữa hai làn đạn” (IS và Mặt trận al-Nusra).

Bên cạnh đó, Washington còn mạnh mẽ tuyên bố không hợp tác với Tổng thống al-Assad. Phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 12/11, Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker cho rằng, bất cứ một kế hoạch mới nào trong cuộc chiến chống IS tại Syria cũng phải chứa yếu tố mà ông gọi là một “nỗ lực của ông Assad”. Ông Bob Corker nêu rõ, việc thiếu sự tham gia của ông Assad trong cuộc chiến chống IS đang cản trở những bước tiến trong cuộc chiến này tại Syria. Các đối tác liên minh chống IS sẽ được mở rộng, ví dụ như có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trước tiên là cần phải có một thành phần Assad trong đó. Ngược lại với quan điểm này, một số quan chức Mỹ lại đưa ra nhận định rằng, IS không thể bị đánh bại nếu chính quyền Syria hiện tại và Tổng thống Syria Bashar Assad không bị lật đổ. Cụ thể, Washington từ trước tới nay chỉ xem xét sách lược đối phó với IS ở Iraq và Syria mà không hề tính tới việc thay đổi chính quyền Damascus.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Ultimahora.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Alistair Baskey cho biết: “Chiến lược liên quan đến Syria không thay đổi. Trong lúc trọng tâm trước mắt vẫn là đẩy lùi IS ra khỏi Iraq, chúng tôi và các đối tác trong liên minh vẫn sẽ tiếp tục không kích nhóm phiến quân ở Syria, ngăn chúng có nơi trú ẩn an toàn và làm gián đoạn sức mạnh của chúng”. Ông Baskey cho biết thêm rằng Tổng thống al-Assad “vẫn là người có sức hút mạnh đối với chủ nghĩa cực đoan ở Syria và Tổng thống Obama đã nói rõ rằng ông al-Assad không còn tính hợp pháp để nắm quyền”, và nêu rõ: “Cùng với nỗ lực cô lập và trừng phạt chính quyền Assad, chúng tôi còn đang phối hợp với các đồng minh để tăng cường sức mạnh cho phe đối lập ôn hòa”.

Tiếp tục không kích

Theo số liệu của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), chỉ tính từ ngày 10 – 12/11, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành 23 cuộc không kích vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó 16 cuộc ở Syria, hầu hết tại thị trấn chiến lược Kobani, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và 7 cuộc tại khu vực mỏ dầu phía Bắc Iraq, gây thiệt hại nặng nề cho nhóm khủng bố cực đoan này.

Cụ thể, tại Syria, Mỹ và liên quân đã tấn công 8 tiểu đội của IS, làm hư hỏng 3 cứ điểm chiến đấu và một cơ sở hậu cần. Còn tại Iraq, Mỹ và liên quân đã tiến hành 5 cuộc không kích gần một nhà máy lọc dầu tại Baiji, tấn công một đại đội, 3 tiểu đội của IS, phá hủy 2 tòa nhà, 2 phương tiện vận chuyển và một vị trí bắn tỉa của IS. Ngoài ra, là 2 cuộc không kích khác gần thành phố dầu mỏ Kirkuk do người Kurd kiểm soát ở phía Bắc Iraq. Theo thông báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, kể từ tháng 8 đến nay, lực lượng Mỹ đã thực hiện khoảng 85% tổng số các cuộc không kích.

Các nước đối tác Arab trong liên minh tiến hành 56 trong số 393 cuộc không kích trên lãnh thổ Syria, trong khi các đồng minh phương Tây tiến hành khoảng 70 trên tổng số hơn 470 cuộc oanh kích tại Iraq. Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan và Bahrain tham gia không kích tại Syria, trong khi Australia, Bỉ, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp và Hà Lan tham gia chống IS tại Iraq. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết sau hơn 800 cuộc không kích trong ba tháng, các máy bay Mỹ và đồng minh đã sử dụng khoảng 2.400 quả bom và tên lửa.

Chưa rõ liệu các điều chỉnh của ông Obama có đem lại hiệu quả trong cuộc chiến chống IS hay không, nhưng trước mắt, nó có thể sẽ làm phức tạp thêm những nỗ lực của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm qua tại Syria. Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia phân tích, chưa rõ mục tiêu thực sự của Washington lần này là IS hay Tổng thống al-Assad.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/11, giới chức Mỹ cho biết hơn 30 quốc gia trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu sẽ nhóm họp ba ngày, bắt đầu từ ngày 19/11, tại trụ sở Bộ chỉ huy trung tâm - căn cứ không quân MacDill tại thành phố Tampa, bang Florida, để thảo luận kế hoạch đẩy mạnh cuộc chiến chống IS. Tháng trước, hơn 20 chỉ huy quân sự của các quốc gia trong liên minh cũng đã nhóm họp ở thủ đô Washington của Mỹ

Hà Khổng
.
.
.