Đằng sau những cáo buộc do thám - nghe lén

Thứ Ba, 11/02/2014, 13:37
Kế hoạch lưu trữ dữ liệu thu thập từ điện thoại của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sẽ được định đoạn sau ngày 28/3, khi Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo Mỹ công bố quyết định xung quanh chủ đề nhạy cảm này. Đây là thông tin đang được thế giới quan tâm bởi trước đó NSA bị dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ xung quanh chương trình nghe lén-do thám, xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư cá nhân.

Trước đó (30/1), Tổng thống Barack Obama đã đề cử Trung tướng Hải quân Michael Rogers là người thay thế Tướng Lục quân 4 sao Keith Alexander đứng đầu NSA.

Từ khẩu chiến Mỹ - Nga - Anh

Ngày 7/2, ông Dmitry Loskutov, trợ lý Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã phủ nhận vai trò của mình trong vụ rò rỉ cuộc điện đàm giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và đại sứ Mỹ tại Kiev Geoffrey Pyatt liên quan tới Ukraine. Trước đó (6/2), Washington cáo buộc Moskva đã nghe lén và tiết lộ nội dung cuộc điện đàm liên quan tới vấn đề Ukraine giữa bà Victoria Nuland và ông Geoffrey Pyatt. Cả nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki và người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney đều cho rằng, trợ lý Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin là người đầu tiên phát tán đoạn băng ghi âm kể trên, đồng thời khẳng định Moskva có vai trò trong sự việc này.

Ngày 4/2, tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Phó Tổng chưởng lý James Cole tỏ ra dè dặt trước câu hỏi của nghị sĩ Darrell Issa: Chương trình nghe lén của NSA có thu thập dữ liệu của các cuộc trao đổi điện thoại giữa các văn phòng nghị sĩ hay không? Trước đó (22/6/2013), cựu nhân viên NSA Russ Tice từng tiết lộ: Tổng thống Barack Obama bị theo dõi khi còn là Thượng nghị sĩ bang Illinois. Theo đó, mùa hè năm 2004, NSA đã chỉ đạo theo dõi một số quan chức có quan hệ với Thượng nghị sĩ khoảng 40 tuổi tại bang Illinois Barack Obama. Khi đó, ngoài ông Barack Obama, NSA còn chỉ đạo theo dõi bà Hillary Clinton, ông John McCain, ông Colin Powell, tướng David Petraeus và một thẩm phán Tòa án tối cao.

Cũng trong ngày 4/2, người đứng đầu Cơ quan tình báo quân sự Mỹ, Trung tướng Michael Flynn cho biết, Lầu năm góc sẽ phải thực hiện những thay đổi rất tốn kém liên quan tới vấn đề nhân sự cũng như các chương trình khác do sự rò rỉ thông tin tình báo của Edward Snowden.

Theo đài Russia Today và tờ The New York Times, Nga đã đề nghị Mỹ cho phép xây dựng các trạm phát tín hiệu của hệ thống GLONASS, tương tự như GPS trên đất Mỹ hồi tháng 5/2012, nhưng bất thành. Được biết, Lầu năm góc và tình báo Mỹ đã âm thầm ngăn chặn Bộ Ngoại giao Mỹ cấp phép cho Nga vì tình nghi Moskva sử dụng GLONASS để do thám Washington. Hãng RIA Novosti từng dẫn lời phát ngôn viên Đại sứ quán Nga Yevgeny Khorishko bác bỏ cáo buộc của báo chí Mỹ về việc Trung tâm văn hóa Nga ở Washington tham gia các hoạt động gián điệp.

Ngày 30/10/2013, 2 tờ báo Italia (La Stampa và Corriere della Sera) đưa tin, tình báo Nga đã đưa USB và cáp sạc điện thoại chứa mã độc cho các đại biểu dự hội nghị G-20 tại Saint Petersburg (từ ngày 5 đến 6/9/2013) để đánh cắp dữ liệu trong máy vi tính và điện thoại của họ. Hai tờ báo kể trên cho biết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy là người đầu tiên lên tiếng báo động về các thiết bị do thám của Nga và đã gọi điện cho tình báo Bỉ và Đức nhờ tư vấn.

Ông Keith Alexander (trái) và Trung tướng Hải quân Michael Rogers.

Tờ Independent từng dẫn tài liệu do Edward Snowden cung cấp cho biết, Anh đang điều hành một căn cứ do thám Internet bí mật tại Trung Đông. Mặc dù không tiết lộ căn cứ kể trên được đặt tại nước nào, nhưng tờ Independent cho biết, căn cứ này có thể chặn thư điện tử, các cuộc điện đàm và hoạt động mạng cho Mỹ và các cơ quan tình báo khác. Trước đó, Jonathan Powell, trợ lý của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng thừa nhận, kế hoạch đặt thiết bị theo dõi trong những hòn đá giả trên đường phố ở Thủ đô Moskva, Nga của tình báo Anh là hoàn toàn có thật. 8 năm trước (2006-2014), scandal gián điệp “đá giả” Anh - Nga từng khiến cho quan hệ song phương bị ảnh hưởng.

Tới những quốc gia khác

Ngày 4/2, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã ra lệnh điều tra xung quanh cáo buộc một số thành viên chính phủ tham gia đàm phán với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) tại Cuba đã bị theo dõi. Chính phủ Colombia và FARC đã đàm phán tại Cuba (từ tháng 11/2012) nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 50 năm. Tổng thống Juan Manuel Santos đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Juan Carlos Pinzon điều tra thấu đáo hoạt động bất hợp pháp kể trên.

Theo Chủ tịch Thượng viện Colombia Juan Fernando Cristo, Tổng thống Juan Manuel Santos bị do thám vì ông là người nhận thông tin từ nhóm đàm phán. Cũng trong ngày 4/2, tạp chí Semana cho biết hoạt động do thám kể trên được thực hiện từ một trung tâm tình báo hoạt động từ tháng 9/2012 tới tháng 10/2013 dưới vỏ bọc là một nhà hàng và trung tâm tin học ở trung tâm Thủ đô Bogota. Trong số những người bị theo dõi thư điện tử và các tin nhắn thông qua tiện ích liên lạc bằng điện thoại di động WhatsApp có trưởng nhóm đàm phán, cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle; cố vấn cao cấp về hòa bình Sergio Jaramillo; cố vấn cao cấp về tái hội nhập Alejandro Eder và một số nhà lãnh đạo cánh tả.

Khoảng 7 tháng trước (11/7/2013), Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker đã từ chức vì vụ bê bối nghe lén của cơ quan mật vụ nước này. Ông Jean-Claude Juncker đã đưa ra quyết định kể trên sau khi đảng Xã hội (thành viên trong liên minh cầm quyền) kêu gọi giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm để phản đối chương trình nghe lén của các cơ quan mật vụ. Quốc hội Luxembourg điều tra báo cáo khẳng định Sở mật vụ SREL do Thủ tướng Jean-Claude Juncker trực tiếp kiểm soát đã thực hiện hàng loạt sai phạm trong giai đoạn 2003-2009. SREL đã lập hồ sơ theo dõi 13.000 cá nhân và doanh nghiệp, nghe lén hội thoại của các doanh nhân và giúp một tỷ phú Nga trả 10 triệu USD cho một gián điệp Tây Ban Nha…

Cơ quan tình báo Canada đã thu thập dữ liệu của hành khách người Canada khi đi qua các sân bay chính đã kết nối với dịch vụ Wifi và có thể theo dõi họ. Những người này bị theo dõi trong vòng một tuần hoặc lâu hơn khi các thiết bị không dây của họ xuất hiện tại các điểm Wifi ở các thành phố trên khắp Canada, thậm chí tại các sân bay của Mỹ. Trước đó, Canada cũng bị cáo buộc do thám ở nước ngoài theo đề nghị của Mỹ. Ngày 8/10/2013, Thủ tướng Stephen Harper đã bày tỏ quan ngại trước thông tin về việc Trung tâm an ninh viễn thông Canada (CSEC) do thám Bộ khai khoáng và năng lượng Brazil. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã yêu cầu Canada giải thích rõ ràng vấn đề này. Ngoài ra, Canada còn cho phép NSA do thám hội nghị G20 và G8 tổ chức tại nước này hồi tháng 6/2010.

Gần 1 năm trước (7/3/2013), cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã bị một tòa án nước này kết tội và tuyên án 1 năm tù giam vì đã nghe lén đối thủ chính trị Piero Fassino, lãnh đạo của đảng cánh tả mạnh nhất. Ông Silvio Berlusconi bị kết tội đã sắp xếp để cảnh sát nghe lén cuộc đối thoại giữa người đứng đầu công ty bảo hiểm Unipol và ông Piero Fassino (khi đó Unipol đang muốn mua lại ngân hàng BNL), đối thủ chính trị lớn nhất của cựu Thủ tướng vào thời điểm năm 2005. Và sau đó tuồn cuốn băng ghi âm cho một tờ báo do gia đình cựu Thủ tướng làm chủ đăng tải. Công tố viên đã bắt tay điều tra vụ nghe lén sau khi bản ghi một cuộc nói chuyện điện thoại bị cảnh sát chặn được bị phát tán trên tờ Il Giornale do em trai ông Silvio Berlusconi làm chủ.

Theo tiết lộ mới nhất của tờ Washington Post và Wall Street Journal, NSA chỉ thu thập dữ liệu của khoảng 30% các cuộc điện thoại trên nước Mỹ, ít hơn nhiều so với các số liệu đưa ra trước đó. Được biết, kho dữ liệu của NSA từng chứa thông tin của tất cả các cuộc điện thoại tại Mỹ, nhưng trong năm 2013 con số này chỉ khoảng 20-30%. Gần 2 tháng trước (18/12/2013), 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động của hoạt động này đối với việc bảo vệ các quyền con người.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.