Đằng sau cuộc chạy đua tàu ngầm tại châu Á

Thứ Sáu, 14/02/2014, 09:45
Cách đây 60 năm, chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên trên thế giới mang tên Nautilus do Mỹ chế tạo được hạ thủy (21/1/1954 tại nhà máy đóng tàu Groton, bang Connecticut, với sự xuất hiện của Tổng thống Dwight Eisenhower), đánh dấu bước phát triển cách mạng trong lịch sử nền công nghiệp đóng tàu ngầm thế giới.

Tuy 60 năm đã trôi qua, nhưng cho tới nay vẫn chưa có quốc gia nào vượt qua Mỹ trong lĩnh vực này. Được biết, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ có 4 chiếc mang tên lửa hành trình, mỗi chiếc có khả năng phóng đến 156 tên lửa Tomahawk. Mỹ còn có 14 tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo, có thể xóa sổ một quốc gia cỡ vừa bằng 100 tên lửa Trident D-5 (tầm bắn 11.300 km).

Theo giới quân sự, lực lượng tàu ngầm tại Đông Á đang ở thế cân bằng động, và điều này đồng nghĩa với quá trình hiện đại hóa hải quân đang diễn ra sôi nổi ở khu vực này. Được biết, hiện có khoảng 40% tàu ngầm thông thường trên thế giới tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương và việc chạy đua chế tạo, mua sắm tàu ngầm thông thường tiên tiến của các nước hữu quan đang làm cho các tuyến đường biển trong khu vực này trở nên nguy hiểm.

Giới quân sự cho rằng, Bắc Kinh đã nhân rộng lực lượng tàu ngầm lần đầu tiên sau 34 năm “nằm yên” và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn “đại phát triển của hải quân”. Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đang bị tàu ngầm nước ngoài bao vây. Bởi ở phạm vi biển xa, Trung Quốc còn yếu trong khả năng săn ngầm lâu dài và ở biển Hoa Đông có lực lượng tàu ngầm của Nhật-Hàn kiềm chế. Được biết, ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã triển khai nhiều tàu ngầm động cơ thông thường và hạt nhân hiện đại.

Giới truyền thông cho biết, gần 4 năm trước (tháng 10/2010), Nhật Bản từng quyết định tăng số lượng tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ từ 16 lên 22 chiếc và đến năm 2013 con số này là 24 chiếc. Nhưng tình hình này đã thay đổi sau khi tàu ngầm trở thành sự lựa chọn đầu tiên của nhiều quốc gia bởi tàu ngầm có tính ẩn náu tốt, tính tấn công mạnh, không dễ bị phát hiện, và luôn là lực lượng răn đe quan trọng của hải quân. Theo giới quân sự, mặc dù tàu ngầm là một trong 5 thành tố của lực lượng hải quân, nhưng đóng vai trò quan trọng. Một lực lượng hải quân hoàn thiện bao gồm tàu chiến (tàu sân bay), tàu ngầm, lực lượng phòng không, lực lượng lính thủy đánh bộ và lực lượng phòng vệ bờ biển.

Biên đội tàu ngầm của Nhật Bản.

Bài viết "Tàu ngầm hạt nhân mới và căn cứ của Hải quân Trung Quốc" của nhà nghiên cứu vấn đề quân sự Trung Quốc Saburo Tanaka trên nguyệt san "Nghiên cứu Quân sự" của Nhật Bản số ra tháng 1-2014 thực sự khiến dư luận quan tâm. Bởi Trung Quốc có tổng cộng 3 căn cứ tàu ngầm hạt nhân là Sa Tử Khẩu ở Thanh Đảo, vịnh Á Long ở Hải Nam và đảo Tiểu Bình ở Đại Liên. Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Sa Tử Khẩu (chứa ít nhất 6 tàu ngầm hạt nhân) cách căn cứ tàu sân bay Cổ Trấn Khẩu không đến 70 km, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực này. Vịnh Á Long là căn cứ tàu ngầm hạt nhân lớn nhất châu Á và ở gần đó cũng có căn cứ tàu sân bay. Đảo Tiểu Bình là căn cứ tàu ngầm hạt nhân sớm nhất của Trung Quốc, nằm giữa Đại Liên và Lữ Thuận. Theo giới quân sự, gần chục năm qua, Trung Quốc luôn xây dựng căn cứ tàu ngầm mới và tàu nổi cỡ lớn mới ở vịnh Á Long, Tam Á, đảo Hải Nam.

Tàu ngầm của Nga.

Theo giới chuyên môn, Bắc Kinh luôn tỏ ra cứng rắn ở Biển Đông là nhờ có căn cứ tàu ngầm Tam Á và điều này cũng tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Được biết, Trung Quốc sẽ tập trung cho hướng Biển Đông bởi khu vực này lâu nay không có mối đe dọa tàu ngầm quá lớn - do bị tác động bởi quy mô hải quân, thực lực kinh tế và nhân tố chính trị, nên các nước quanh Biển Đông phát triển lực lượng tàu ngầm chậm chạp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang ráo riết tăng cường năng lực chống tàu ngầm thông qua việc nâng cấp phi đội máy bay chống tàu ngầm. Trong đó, lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng (2/11/2013), Trung Quốc không cần nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như Mỹ, nhưng ít nhất cũng phải sở hữu 20 chiếc để bảo vệ các quyền lợi của mình. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn cho rằng, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc mặc dù có vai trò lớn trong bảo vệ bờ biển, nhưng không thể ngăn tàu ngầm Mỹ hoạt động ở lãnh hải của mình. Đây là nhận định của Owen Cote, Giáo sư thuộc Viện Chương trình nghiên cứu An ninh công nghệ Massachusetts. Bắc Kinh đã mở rộng hạm đội tàu ngầm và hoàn thiện cơ cấu lực lượng hải quân hợp lý hơn, nhưng nền tảng vẫn tương đối kém nếu căn cứ theo 4 tiêu chuẩn quốc tế.

Tàu ngầm Trung Quốc.

Giới chuyên môn cho rằng, mặc dù việc mua sắm thêm tàu ngầm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được thực hiện đúng theo kế hoạch, nhưng hạm đội tàu ngầm của nước này vẫn nhỏ hơn nhiều so với hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc. Tuy bị chi phối bởi Hiến pháp cùng 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản không thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân, nhưng tàu ngầm thông thường hiện nay của Tokyo có tính năng ưu việt. Nhật Bản đang sở hữu một lực lượng tàu ngầm thông thường có tính năng tiên tiến, từ lớp Harushio, lớp Oyashio đến lớp Soryu. Bên cạnh đó, trọng tải tàu ngầm của Nhật Bản cũng ngày một lớn, cùng độ sâu không ngừng lập kỷ lục mới, khả năng lặn liên tục ổn định và được cải thiện, hiệu quả chạy êm ngày càng tốt.

Theo tờ Giải phóng quân Trung Quốc (20/11/2013), trong thế giới thực sự có "rồng đen" sau khi Nhật Bản hạ thuỷ chiếc tàu ngầm lớp Soryu thứ sáu mang tên Kokuryu và chính thức thuộc biên chế của Lực lượng Phòng vệ Biển từ tháng 3/2014. Giới chuyên môn coi đây là động thái “Nhật Bản muốn đặt bom hẹn giờ trước cửa nhà Trung Quốc”. Điều này đồng nghĩa với việc, đến năm 12015, Tokyo sẽ hoàn thành kế hoạch sở hữu 10 tàu ngầm AIP lớp Soryu. 5 chiếc lớp Soryu đã đưa vào trong biên chế bao gồm:SS-501 Soryu, SS-502 Unryu, SS-503 Hakuryu, SS-504 Kenryu và SS-505 Zuiry. Kế hoạch đóng tàu của Nhật Bản nhanh đến mức khiến Trung Quốc lo lắng bởi nếu chậm chân toàn bộ Đông Hải sẽ là lãnh địa của tàu ngầm Nhật Bản.

Gần 4 tháng trước (28/10/2013), tờ Thời báo Hoàn cầu từng giới thiệu chi tiết về năng lực tấn công hạt nhân của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc đã vươn tới Mỹ, bao gồm các thành phố lớn như: Seattle, Los Angeles, San Francisco và San Diego… Theo Lầu Năm góc, Trung Quốc có lực lượng tàu ngầm lớn nhất ở châu Á, bao gồm 6 chiếc SSN và 54 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel (SS). Hơn một nửa số tàu ngầm chạy bằng diesel là loại hiện đại lớp Kilo, lớp Tống và lớp Nguyên.

Có tài liệu nói rằng, Trung Quốc hiện có 3 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel, đến năm 2020-2025 Trung Quốc sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 62 chiếc hiện nay lên 75 chiếc. Trung Quốc đã đàm phán xong việc mua 4 tàu ngầm lớp Lada của Nga và Lada là khắc tinh đối với tàu ngầm hiện đại lớp Soryu của Nhật Bản. Lầu Năm Góc cho rằng, Bắc Kinh dự kiến sở hữu 6 tàu ngầm lớp 094 vào năm 2016 và có thể tiếp tục bổ sung. Theo ước tính của hải quân Mỹ, đến năm 2015, 40% lực lượng tàu ngầm tiêu chuẩn của thế giới sẽ tập trung về châu Á-Thái Bình Dương với trọng tâm là khu vực phía Tây.

Tờ Washington Free Beacon cho rằng, sức mạnh tấn công hạt nhân từ trên biển của Trung Quốc, tập trung chủ yếu vào tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSBN) thế hệ mới nhất thuộc lớp Tấn (Type 094) vì có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Cự Lang-2 (JL-2), với tầm phóng 7.400km. Tướng Greenert là quan chức cao cấp đầu tiên trong chính phủ Tổng thống Barack Obama cảnh báo về “sự đe dọa của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc”. Lầu Năm Góc cho rằng, Trung Quốc tuy có lực lượng hải quân lớn nhất ở châu Á, nhưng tạp âm của một số tàu ngầm mới nhất của Trung Quốc vẫn chưa có thay đổi gì lớn so với cách đây mấy chục năm và điều này đã làm giảm rất nhiều sức chiến đấu của tàu ngầm Trung Quốc

Khắc Dũng - Quốc Tuấn
.
.
.