Đảng của bà Bhutto và cựu Thủ tướng Nawaz Sharif giành chiến thắng

Thứ Tư, 20/02/2008, 11:32
Mặc dù chưa chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử Quốc hội 18/2, nhưng theo giới truyền thông và kết quả sơ bộ thì đảng Nhân dân Pakistan (PPP) do Chủ tịch PPP, cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari đứng đầu và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã giành thắng lợi.
>> Tổng thống Pakistan bị luận tội sau bầu cử?

Tuy nhiên, giới bình luận cho rằng, sẽ không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội 342 ghế. Nếu kết quả này được chứng thực thì đây là điều đã được dự báo trước.

Tuy nhiên, việc mất một lúc cả 2 ghế của Chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-Q), ông Chaudhry Shujaat Hussain tại Quốc hội lẫn Hội đồng lập pháp địa phương được coi là một cú sốc lớn đối với chính phủ của Tổng thống Pervez Musharraf. Sở dĩ nói như vậy vì PML-Q ủng hộ Tổng thống và ông Chaudhry Shujaat Hussain là một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của ông Pervez Musharraf.

Được biết, nhiều đồng minh chủ chốt khác của Tổng thống Pervez Musharraf cũng đã bị mất ghế tại Quốc hội ở những vùng bạo lực thường xuyên hoành hành. Những người ủng hộ Tổng thống Pervez Musharraf đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội 18/2 vừa qua.

Giới bình luận cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thất bại của PML-Q là do ông Pervez Musharraf bởi uy tín của Tổng thống đã bị xuống mức thấp nhất trong thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng, cuộc bầu cử 18/2 không chỉ là cuộc đua giữa phe ủng hộ Tổng thống với phe đối lập, mà còn là cuộc đua giữa những đảng phái khác nhau của phe đối lập bởi đây là lần đầu tiên có sự tham gia rộng rãi của các đảng đối lập kể từ khi Tổng thống Pervez Musharraf tiến hành đảo chính và lên nắm quyền vào năm 1999.

Với kết quả kể trên, Tổng thống Pervez Musharraf buộc phải chấp nhận một liên minh cầm quyền mới với những đối thủ chính trị cũ, đó là PPP và đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Nhiều người cho rằng, tân nội các sẽ là một chính phủ liên minh và điều này đe dọa không nhỏ tới tương lai chiếc ghế Tổng thống, cũng như tương lai chính trị của ông Pervez Musharraf.

Dư luận cho rằng, phe đối lập sẽ nhanh chóng tìm mọi cách để lật đổ Tổng thống Pervez Musharraf, người đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 1999. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Mỹ sẽ phải xem xét lại chiến lược của mình tại quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân, tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, chính trường Pakistan sẽ chịu tác động không nhỏ từ quân đội và đây là một lợi thế không thể bỏ qua của Tổng thống Pervez Musharraf.

Được biết, Tổng thống Pervez Musharraf hiện vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong quân đội nên cựu Tổng tư lệnh quân đội sẽ không dễ dàng bị phế truất. Nếu điều này xảy ra thì Pakistan sẽ càng lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Dự kiến PPP và đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif sẽ họp bàn để thành lập một chính phủ liên minh và tân nội các sẽ quyết định việc có luận tội hay không đối với Tổng thống Pervez Musharraf khi ông áp đặt các quy định khẩn cấp nhằm đảm bảo cho việc tái cử. Dư luận khá quan tâm tới quan điểm của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari đối với Tổng thống Pervez Musharraf. Trong khi ông Asif Ali Zardari không loại trừ khả năng bắt tay với Tổng thống Pervez Musharraf thì ông Nawaz Sharif lại phản đối điều này.

Về phần mình, Tổng thống Pervez Musharraf tuyên bố bất kể đảng nào giành thắng lợi cũng nên thành lập chính phủ mới và sẵn sàng làm việc với bất kể Thủ tướng và đảng nào trong việc thành lập chính phủ mới

Quốc Trung
.
.
.