Cyprus điều tra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng

Thứ Bảy, 30/03/2013, 02:19
Chính phủ CH Cyprus hôm 28/3 đã thành lập một nhóm gồm 3 cựu thẩm phán từng làm việc tại tòa án tối cao tham gia cuộc điều tra về sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và tìm hiểu xem có phải các hoạt động tội phạm trốn thuế đã khiến hệ thống ngân hàng này yếu kém và dẫn đến phá sản.

Trong khi đó, trên đường phố thủ đô Nicosia và những thành phố lớn khác, hàng trăm ngàn người xếp hàng dài trên các con phố, nơi có phòng giao dịch của ngân hàng hoặc các địa điểm thẻ ATM để được rút tiền.

Nhiều nhà phân tích nhận định, dù có thêm cả gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), thì với tốc độ rút tiền như hiện nay, các ngân hàng ở CH Cyprus chỉ cầm cự được hết tháng 4.

Để trấn an dân chúng về những tin đồn không hay về gói cứu trợ 10 tỷ euro, ngày 29/3, Tổng thống Nicos Anastasiades đã xuất hiện trước đám đông dân chúng ở thủ đô Nicosia, tuyên bố rằng mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng của CH Cyprus đã hết sau gói cứu trợ mà EU, ECB và IMF thông qua.

CH Cyprus cũng không hề có ý định rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhưng ở lại Eurozone cũng có nghĩa là CH Cyprus phải cải tổ hoàn toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời mở cuộc điều tra sâu rộng về những sai phạm trong ngành tài chính - ngân hàng, siết chặt quy định về tài chính và gửi tiền để tránh nguy cơ đổ vỡ thứ hai.

Ông Nicos Anastasiades cũng cho biết, một ủy ban điều tra cũng đã được thành lập với sự tham gia của 3 cựu thẩm phán từng làm việc tại tòa án tối cao gồm cựu thẩm phán George Pikis, cựu thẩm phán Panayiotis Kallis và cựu thẩm phán Yiannakis Constantinides.

Cùng chia sẻ khó khăn với người dân trong hoàn cảnh hiện nay, Tổng thống Nicos Anastasiades cũng đã quyết định tự cắt giảm 25% lương của mình và 20% lương của các thành viên nội các.

Theo ghi nhận của phóng viên hãng Guardian (Anh), 24 tiếng đồng hồ sau khi các ngân hàng ở CH Cyprus được mở cửa trở lại sau 10 ngày bị buộc phải đóng cửa để chính phủ thực hiện đàm phán gói cứu trợ với lãnh đạo EU, tình hình rút tiền ở quốc đảo này vẫn lộn xộn. Người dân xếp hàng dài trên các đường phố nơi có phòng giao dịch ngân hàng hoặc các địa điểm ATM để được rút tiền trong tài khoản và cả tiền tiết kiệm.

Việc rút tiền ở CH Cyprus được kiểm soát nhằm tránh mọi rủi ro có thể xảy ra với hệ thống tài chính của quốc đảo này. CH Cyprus đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Eurozone ban lệnh kiểm soát rút tiền tại ngân hàng.

Để ngăn chặn sự rút tiền ồ ạt, các ngân hàng chỉ được phép mở cửa từ 10h đến 18h cùng ngày và mỗi khách hàng bị giới hạn rút tối đa 300 euro/ngày. Séc tiền mặt cùng việc chuyển tiền ra nước ngoài bị cấm hoàn toàn và người dân cũng bị cấm mang hơn 1.000 euro tiền mặt ra khỏi đảo. Mua hàng bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ trong thời gian ở nước ngoài cũng bị khống chế ở mức 5.000 euro/tháng.

Việc kiểm soát này, theo lý giải của một quan chức chính phủ là được áp dụng khi CH Cyprus tìm cách huy động 5,8 tỷ euro để đủ điều kiện đổi lấy gói cứu trợ trị giá 10 tỷ USD. Ngoại trưởng Ioannis Kasoulides cho biết, việc giới hạn này cũng chỉ có thể kéo dài trong vòng 1 tháng bởi nhiều người quá khích thậm chí còn tuyên bố sẽ ăn, ngủ, nghỉ ngay tại các trụ sở ngân hàng cho đến khi nào rút hết tiền của họ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Michalis Sarris lại tuyên bố, các biện pháp kiểm soát sẽ được xem xét lại sau 7 ngày và một số ngân hàng có thể được miễn hoàn toàn. Dẫu vậy, lời nói của ông Michalis Sarris cũng không thể làm yên lòng người dân CH Cyprus và các nhà đầu tư nước ngoài bởi nếu chính phủ nới lỏng việc kiểm soát thì bộ ba EU, ECB và IMF không chấp nhận.

Hôm 28/3, Ủy ban châu Âu đã khẳng định sẽ theo dõi sát việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng vốn tại CH Cyprus để đảm bảo việc đó được thực thi phù hợp với mục tiêu ngăn chặn mọi rủi ro có thể tác động đến sự ổn định về tài chính tại hòn đảo này...

Các nhà phân tích nhận định, giải pháp này mới chỉ có thể cứu CH Cyprus tạm thời còn trong tương lai, hệ thống ngân hàng của quốc đảo này vẫn có nguy cơ sụp đổ. Nguyên do là, để đổi lại gói cứu trợ 10 tỷ euro, chính phủ CH Cyprus phải tiến hành thu nhỏ các ngân hàng gặp khó khăn, tư hữu hóa một số tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tăng tỷ lệ thuế công ty trên danh nghĩa thêm 2,5% lên 12,5%, áp thuế một lần duy nhất ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và 6,75% đối với các khoản tiền gửi thấp hơn tại các ngân hàng trong nước.

Thực chất, những điều khoản bắt buộc mà EU, ECB và IMF bắt CH Cyprus phải theo là nhằm đánh thuế vào số tiền mà giới thượng lưu châu Âu và Mỹ đang cất giấu tại đây. Vốn được mệnh danh là “thiên đường thuế”, trong 5 năm qua, ngoài ngành dịch vụ và du lịch, CH Cyprus đã để ngành ngân hàng phát triển một cách ồ ạt bằng việc nới lỏng các quy định về tài chính, thiết lập hành lang pháp lý và cơ chế thông thoáng, dễ tiếp cận, áp dụng thuế doanh nghiệp thấp...

Từ đó, CH Cyprus đã trở thành “cục nam châm" khổng lồ hút vốn từ khắp nơi đổ về. Tốc độ tăng trưởng quá nóng dựa trên nền tảng không vững vàng đã khiến hệ thống ngân hàng của CH Cyprus ngày càng bộc lộ "gót chân Achilles” và sụp đổ!

Huyền Chi
.
.
.