Pakistan:

Cựu Tổng thống Pervez Musharraf có liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto

Thứ Tư, 21/08/2013, 14:21
Ngày 20/8, tại thành phố Rawalpindi, gần thủ đô Islamabad, Tòa án chống khủng bố (ATC) ở Pakistan đã chính thức buộc tội cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf có liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto cách đây gần 6 năm (tháng 12/2007). 6 người khác cùng bị kết án với ông Musharraf.

Trong số 6 người kể trên có 4 nghi can là phiến quân và 2 quan chức cảnh sát cao cấp. Trong số 2 sĩ quan cảnh sát, có cảnh sát trưởng Rawalpindi lúc bấy giờ là Saud Aziz - phải hầu toà vì vi phạm nguyên tắc an ninh sau khi đột ngột thay đổi kế hoạch bảo vệ bà Benazir Bhutto. Việc kết án ông Musharraf được coi là động thái chưa từng có tiền lệ ở Pakistan bởi có một quy định bất thành văn rằng, các lãnh đạo quân sự là bất khả xâm phạm.

Để đảm bảo an toàn cho phiên xét xử, ngày 20/8, hàng trăm cảnh sát đã được triển khai dọc tuyến đường chính khi xe chở ông Musharraf đến tòa và giới báo chí không được phép vào phòng xét xử. Đây là lần thứ hai ông Musharraf phải hầu tòa để đối mặt với những cáo buộc liên quan tới vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Theo cáo buộc của công tố viên, ông Musharraf bị kết án với 3 tội danh: giết người, âm mưu giết người và tạo điều kiện thuận lợi cho hành động giết người.

Phát biểu sau phiên tòa (chỉ kéo dài 20 phút), công tố viên Mohammad Azhar cho biết, ông Musharraf phải bị xét xử. Nhưng đoàn luật sư bảo vệ cho cựu Tổng thống và bản thân ông Musharraf đều bác bỏ mọi cáo buộc vì cho rằng “những cáo buộc này vô căn cứ” và phiên tòa phải hoãn đến ngày 27/8 để thu thập thêm chứng cứ. Luật sư Afshan Adil, người đại diện cho ông Mushrraf cho rằng, mọi vụ án chống lại cựu Tổng thống đều là dàn dựng.

Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf.

Dư luận cho rằng, phiên toà kể trên được tiến hành theo lệnh của tân Thủ tướng Nawaz Sharif bởi sau khi lên nắm quyền, ông đã chỉ đạo thành lập (27/6) một ủy ban điều tra những tội trạng của ông Musharraf trong thời gian cựu Tổng thống cầm quyền. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar, ủy ban kể trên gồm 4 thành viên là các quan chức cấp cao của Cơ quan điều tra liên bang, có nhiệm vụ điều tra tính hợp hiến của lệnh tình trạng khẩn cấp mà ông Musharraf ban bố năm 2007 và lệnh quản thúc tại gia đối với một số thẩm phán đã từ chối tuyên thệ theo Lệnh Hiến pháp lâm thời. Cựu Tổng thống Musharraf trở về nước hồi tháng 3 sau bốn năm sống lưu vong ở nước ngoài. Nhưng kể từ ngày 19/4, ông Musharraf đã bị quản thúc tại gia vì bị cáo buộc giết một thủ lĩnh bộ tộc năm 2006.

Khi còn đương chức, ông Musharraf từng đề nghị khai quật mộ cố Thủ tướng Benazir Buhtto để khám nghiệm tử thi, nhưng chồng bà, Tổng thống Asif Ali Zardari đã từ chối bởi không tin có thể thực hiện một cuộc điều tra đáng tin cậy. Cựu Tổng thống Musharraf cũng từng bác bỏ sự dính líu của quân đội và cơ quan tình báo đến cái chết của bà Benazir Bhutto, đồng thời khẳng định, Al Qaeda đứng đằng sau vụ ám sát này.

Ông Musharraf cũng cho rằng, bà Benazir Bhutto phải chịu trách nhiệm chính đối với cái chết của mình bởi cố Thủ tướng đã nhận được rất nhiều cảnh báo kể từ sau vụ mưu sát hôm 18/10/2007. Tuy sống lưu vong ở Dubai và London, nhưng ông Musharraf từng phải đối mặt với cáo buộc không đảm bảo an ninh cho bà Benazir Bhutto vì bị Tòa án Pakistan phát lệnh bắt giữ (tháng 2/2011).

Giới truyền thông từng đưa tin, trước khi bị ám sát hôm 27/12/2007, bà Benazir Bhutto đã bị mưu sát (18/10/2007) và cố Thủ tướng đã hoài nghi về cuộc điều tra do chính phủ của cựu Tổng thống Musharraf tiến hành nên đã đề nghị FBI (Mỹ) và Scotland Yard (Anh) giúp điều tra. Nhưng đề nghị này khi đó bị Bộ trưởng Nội vụ Aftab Ahmad Sherpao, cựu thành viên của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền phản đối bởi việc này vi phạm chủ quyền của Pakistan.

Ông Aftab Ahmad Sherpao đã bị bãi nhiệm ngay sau vụ mưu sát hôm 18/10/2007 nhằm vào bà Benazir Bhutto, sau đó cựu Bộ trưởng Nội vụ cũng bị mưu sát (21/12/2007). Theo yêu cầu của bà Benazir Bhutto và nhất là sau cái chết của cố Thủ tướng, Thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown đã cử một đội điều tra của Sở Cảnh sát Anh (Scotland Yard) đến Pakistan. Sau một thời gian điều tra, phân tích hiện trường, xét nghiệm tang vật, cảnh sát Anh đã kết luận, Taliban đứng sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto. Tư lệnh Taliban ở Pakistan Baitullah Mehsud là nghi can lớn nhất trong vụ ám sát bà Benazir Bhutto.

Dư luận từng cho rằng, sau 9 năm cầm quyền (1999-2008), cựu Tổng thống Musharraf đã giúp dòng họ Bhutto có cơ hội tái xuất chính trường. Tuy không thể quay trở lại nắm quyền sau khi hồi hương, nhưng cái chết của bà Benazir Bhutto đã tạo điều kiện thuận lợi cho chồng lên nắm quyền - giúp cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari trở thành Tổng thống.

Danh tính của cố Thủ tướng Benazir Bhutto luôn được đề cập mỗi khi Tổng thống Asif Ali Zardari và mọi người nhắc tới nhân kỷ niệm vụ ám sát diễn ra hôm 27/12/2007. Tổng thống Asif Ali Zardari coi cái chết của vợ là âm mưu chống lại nền dân chủ Pakistan. Theo giới truyền thông, Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc từng thẩm vấn những bác sỹ và nhân viên y tế tại bệnh viện Rawalpindi (24/8/2008), nơi bà Benazir Bhutto điều trị trước khi chết hôm 27/12/2007.

Liên hợp quốc bắt đầu điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto từ hôm 1/7/2008 và người đứng đầu nhóm điều tra là Đại sứ Chile tại Liên hợp quốc Heraldo Munoz. Tổng thư ký Ban Ki-moon hy vọng, Liên Hợp Quốc sẽ sớm làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Benazir Bhutto. Nhưng đến tháng 6/2009, Liên hợp quốc lại phải cử một ủy ban độc lập tới Pakistan để tái điều tra về vụ ám sát bà Benazir Bhutto bởi những người ủng hộ cố Thủ tướng không chấp nhận kết quả điều tra trước đó. Tuy nhiên, theo thông báo hôm 30/3/2010 của ông Martin Nesirky, người phát ngôn của Tổng thư ký Ban Ki-moon, cơ quan này phải hoãn công bố kết quả điều tra vụ ám sát bà Benazir Bhutto tới ngày 15/4/2010 bởi người yêu cầu là Tổng thống Asif Ali Zardari.

Vụ xét xử cựu Tổng thống Musharraf được coi là cơ hội để đưa ra ánh sáng những nghi vấn bao trùm lên cái chết của bà Benazir Bhutto. Tuy nhiên, để làm được việc này, cơ quan chức năng sẽ phải tốn nhiều công sức. Bởi đã có khá nhiều cuộc điều tra được tiến hành, nhưng kết quả lại không khiến dư luận hài lòng

Mạnh Phong
.
.
.