Cuộc sống trong Đại sứ quán Ecuador qua lời kể của ông chủ WikiLeaks

Thứ Năm, 17/10/2013, 11:24
Trong khi bộ phim “The Fifth Estate” (tạm dịch là Quyền lực thứ 5) kể về những ngày đầu hoạt động của WikiLeaks cho đến đỉnh điểm của cao trào khi website công bố những tài liệu mật của Mỹ gây tranh cãi vào năm 2010 được công chiếu, ông chủ trang web WikiLeaks Julian Assange lần đầu tiên đã hé lộ chi tiết về cuộc sống đời thường của mình tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) cũng như cái cách mà các nhân viên ở đây trở thành “gia đình” của ông.
>> Điệp viên không dễ

Giản đơn nhưng ấm tình người

Trả lời phỏng vấn hãng The Guardian qua Skype hôm 14/10, ông chủ WikiLeakis cho biết, hơn một năm sống trong khuôn viên Đại sứ quán Ecuador, ông luôn cảm thấy ấm lòng vì tình người của những nhân viên làm việc ở đây.

Julian Assange nói: “Chúng tôi đã trải qua rất nhiều điều với nhau và hiểu rằng chúng tôi cùng trên một chiếc thuyền. Nhiều người đã làm trong Đại sứ quán gần 20 năm. Chúng tôi ăn trưa cùng nhau, cùng kỷ niệm sinh nhật và nhiều hoạt động khác mà vì lý do an ninh tôi không muốn kể chi tiết. Tất nhiên, môi trường làm việc đã thay đổi rất nhiều vì vẫn còn có cảnh sát xung quanh Đại sứ quán và đó thực sự là tình huống khó khăn cho các nhân viên”.

Cũng theo lời miêu tả của ông chủ WikiLeaks thì ông sống trong một văn phòng nhỏ được chuyển đổi thành khu nhà ở, được trang bị một chiếc giường đơn, điện thoại, đèn bàn, máy tính có kết nối Internet, nhà tắm có vòi hoa sen, máy chạy bộ và một chiếc bếp nhỏ. Dù vậy, Julian Assange lại từ chối tiết lộ về việc liệu có phải ông đã tự học tiếng Tây Ban Nha kể từ khi vào ở trong Đại sứ quán hay không.

Mặc dù cuộc sống hằng ngày khá là giản đơn và thiếu tiện nghi nhưng đối với ông chủ WikiLeaks, thời gian ở đây đã mang lại cho ông những trải nghiệm tuyệt vời. Julian Assange không bao giờ cảm thấy buồn vì hầu như tuần nào ông cũng có bạn bè đến thăm.

Vaughan Smith, cựu sĩ quan quân đội cho Julian Assange ở nhờ trong suốt hơn một năm bị quản thúc vẫn thường xuyên ghé chơi Đại sứ quán và kể cho bạn mình nghe những câu chuyện bên ngoài. Và lần nào cũng vậy, Vaughan Smith lặng im lắng nghe người bạn kể chuyện về những kế hoạch, dự án mới của ông cho WikiLeaks trong tương lai. Ông cũng chẳng bao giờ than phiền với Julian Assange về số tiền 20.000 bảng Anh mà ông có thể mất vì đã dùng để bảo lãnh cho ông chủ WikiLeaks năm 2010 sau khi ông này bị bắt vì những cáo buộc liên quan đến chuyện lạm dụng tình dục.

Cuộc sống của Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Tạp chí Hello cũng đã lấy lại thông tin từ hãng The Guardian để ra một chuyên trang về Julian Assange.

Người thứ hai cũng thường xuyên đến thăm Julian Assangle là phát ngôn viên của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson. Ngoài ra, ông chủ WikiLeaks còn nhận được sự thăm hỏi, động viên thường xuyên từ những nhân vật nổi tiếng ủng hộ ông như nhạc sĩ Graham Nash – người mà Julian Assange thường mô tả là "một người ủng hộ bất ngờ nhưng tốt nhất”, Yoko Ono, Sean Lennon, diễn viên Peters Sarsgaard, Maggie Gyllenhaal và John Cusack, cùng với các rapper của ban nhạc MIA.

Trạm vũ trụ thu nhỏ

Năm nay 42 tuổi, Julian Assange đã sống trong Đại sứ quán Ecuador từ tháng 6 năm ngoái khi ông được cấp tị nạn ngoại giao, Chính phủ Anh muốn dẫn độ ông về Thụy Điển theo lệnh bắt giữ châu Âu để thẩm vấn vì những liên quan đến cuộc điều tra tấn công tình dục. Trong hơn 500 ngày qua, nhân viên cảnh sát Anh thường xuyên túc trực bên ngoài Đại sứ quán và được lệnh phải bắt ngay Julian Assange nếu thấy ông xuất hiện ở bên ngoài. Vì thế, dù rất muốn nhưng chưa bao giờ ông chủ WikiLeaks bước chân ra khỏi cổng sắt của tòa đại sứ. Nếu muốn thư giãn, ông chỉ dám đi bộ vòng quanh sân.

Julian Assange tâm sự: “Không thể nói là không chán nản hay khó khăn nếu trong suốt 500 ngày, ngày nào ngủ dậy cũng thấy những bức tường tương tự. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Tôi đang làm tốt công việc của mình và không có thời gian cho bất cứ điều buồn chán nào. Tôi có trái tim và linh hồn của tôi trong công việc.Tôi có một nhân viên rất có khả năng và trung thành và chúng tôi có rất nhiều người ủng hộ trên toàn thế giới và những người tin vào những gì chúng tôi làm và muốn nhìn thấy nếu nó tiếp tục. Vì vậy, mặc dù tôi đang bị mắc kẹt trong những bức tường, trí tuệ tôi vẫn ở bên ngoài với những người của chúng tôi ngày hôm nay và điều đó với tôi là quan trọng".

Thừa nhận mối quan tâm lớn nhất là sự an toàn cho gia đình, Julian Assange nói: "Tôi có một gia đình và đó là điều tôi lo nhất. Mọi người trong gia đình tôi đã phải di chuyển, thay đổi tên họ và hứng chịu nhiều mối đe dọa. Nhiều tổ chức thậm chí còn lên kế hoạch bắt cóc hoặc giết con trai tôi để buộc tôi phải ngừng hoạt động của WikiLeaks. Vậy mà tôi chẳng làm được gì ngoài việc ngồi đây và nhờ những người bạn tốt giúp đỡ. Rất may, chúng tôi đã có biện pháp phòng ngừa an ninh và xử lý các mối đe dọa nên tôi không sợ hãi về điều đó nữa”.

Hãng tin Daily Mail của Anh cho hay, sống tách biệt một nơi nhưng Julian Assange vẫn điều hành công việc của WikiLeaks. Mỗi ngày anh dành tới 17 đồng hồ để giám sát hoạt động của trang web này hay trao đổi ý kiến với các nhân viên làm việc cùng. Julian Assange vẫn phủ nhận các cáo buộc lạm dụng tình dục và nói rằng, điều mà ông quan tâm hơn cả là những vấn đề sẽ phải đối mặt ở Mỹ, nơi ông có thể bị khởi tố vì công bố các tài liệu ngoại giao và quân sự mật. Thế nhưng, Julian Assange không bao giờ hối tiếc về những hành động dẫn đến tình trạng hiện tại của ông.

Bất chấp hoàn cảnh bế tắc hiện nay giữa Anh và Ecuador, ông chủ WikiLeaks vẫn tin rằng một ngày nào đó ông sẽ sang được Ecuador và từ đó, ông cùng các cộng sự có thể di chuyển an toàn sang một số nước khác như Tunisia, Ai Cập, Nga, Brazil, Ấn Độ, Venezuela, Chile và Argentina. Và để chuẩn bị cho tương lai, Julian Assange đã vẫn giữ thói quen chạy bộ với máy chạy, tập quyền anh và có một huấn luyện viên riêng là một cựu binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Anh SAS từng cung cấp thông tin cho WikiLeaks. Để thư giãn, ông hay xem các bộ phim truyền hình của Australia hay những phim chính trị, hành động của Mỹ

Ngọc Khuê
.
.
.