Cuộc chiến tại Libya: Chuẩn bị khai hỏa cuộc chiến cuối cùng

Thứ Bảy, 10/09/2011, 11:06
Ngày 10/9 mới là thời hạn chót phải hạ vũ khí đối với lực lượng trung thành với ông Gadhafi và sau thời điểm này, quân nổi dậy sẽ khai hỏa tấn công vào những cứ điểm cuối cùng, nhưng cũng cảnh báo, các tay súng của họ sẽ nổ súng sớm hơn nếu vẫn bị đặt trước nguy cơ bị tấn công.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi bắn 10 quả tên lửa Grad vào phe nổi dậy bên ngoài Bani Walid, cách thủ đô Tripoli khoảng 140km về phía Đông Nam sáng 8/9. Sau đó, giao tranh đã bùng nổ khiến một tay súng của ông Gaddafi thiệt mạng. Việc này diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Gaddafi xuất hiện trên truyền hình kêu gọi phe ủng hộ chiến đấu đến cùng. Giới quân sự cho rằng, việc bắn tên lửa đã phá vỡ thế án binh cho dù thời hạn chót chưa tới.

Thủ tướng lâm thời Mahmud Jibril, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) cảnh báo, các tay súng NTC có quyền bảo vệ - khai hỏa kể cả khi thời hạn chót chưa kết thúc. Lời cảnh báo của ông Mahmud Jibril khiến dư luận cho rằng, một cuộc huyết chiến sẽ diễn ra.

Giới truyền thông đưa tin, sáng 8/9, các chiến binh của NTC đã kiểm soát được Red Valley, một mục tiêu quan trọng trên đường tới Sirte, quê hương của ông Gaddafi. Red Valley (Wadi-al-Ahmar) cách Sirte khoảng 60km và là tuyến phòng thủ chính trên đường dẫn tới một trong những thành trì cuối cùng của chế độ Gaddafi.

Ông Mustafa Bendaraf, chỉ huy lực lượng NTC ở tiền phương cho biết, họ chiếm được Red Valley vào hồi 2h45 ngày 8/9 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, ông Mahmud Jibril vẫn khuyến cáo, những cuộc chiến khốc liệt nhất vẫn còn ở phía trước bởi các cuộc đàm phán về việc đầu hàng hòa bình ở Bani Walid tiếp tục thất bại.

Các tay súng NTC đang chuyển quân tới Bani Walid.

Cũng trong sáng 8/9, lực lượng nổi dậy đã điều động thêm nhiều chiến binh đến thành phố sa mạc Bani Walid để chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng với những người ủng hộ ông Gaddafi tại đây. Theo cư dân ở Bani Walid, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi vẫn thường xuyên đi tuần tra và trước khi giao tranh nhiều người đã tìm đường sơ tán về hướng Đông.

Một số chỉ huy tiền phương của NTC cho biết, đã tìm thấy tung tích của ông Gaddafi. Mặc dù không tiết lộ phe nổi dậy đã tìm thấy dấu tích của ông Gaddafi tại đâu, nhưng phát ngôn viên của NTC cũng thông báo, hiện ông Gaddafi đang bị bao vây trong phạm vi đủ để không thể trốn ra ngoài và nếu không thể bắt sống, họ sẽ giết chết ông.

Để thể hiện quyết tâm truy bắt bằng được ông Gaddafi, NTC đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm với khoảng 200 người cùng những phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại nhất. NATO cũng giúp NTC săn lùng ông Gaddafi bằng các hoạt động tình báo và những thiết bị dò tìm tối tân nhất.

Ngày 8/9, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Paulo Portas, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, NATO sẽ tiếp tục sứ mệnh ở Libya cho đến khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi không còn khả năng gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho người dân ở đây. Sau khi mọi mối đe dọa đã được xóa hết, vai trò của NATO ở Libya sẽ chỉ mang tính hỗ trợ, giúp đỡ.

Tuyên bố hôm 8/9 của Ngoại trưởng Niger Bazoum Mohamed cũng khiến dư luận cho rằng, nước này vẫn chưa dứt khoát trong việc đứng hẳn về phía nào. Trả lời phỏng vấn của hãng BBC, Ngoại trưởng Bazoum Mohamed tuyên bố, Niger không thể đóng cửa biên giới với Libya bởi đường biên giới quá dài, lực lượng của họ lại ít. Ngoài ra, ông Bazoum Mohamed cũng xác nhận, có khá nhiều quan chức chính phủ Gaddafi đã chạy sang Niger và việc ở lại nước này hay đi nước khác là sự lựa chọn của họ - Niger sẽ giúp đỡ những người này theo luật quốc tế.

Trước đó, Ngoại trưởng Bazoum Mohamed đã chứng thực sự có mặt của 3 đoàn xe chở quan chức cấp cao chính phủ Gaddafi tới Niger. Về phần mình, đoàn đại biểu của NTC không những yêu cầu Chính phủ Niger không cho phép Tổng thống Gaddafi và thân tín của ông ta lánh nạn, mà còn yêu cầu Niger trả lại tất cả số tiền và vàng mà những người "chạy nạn" chở sang Niger.

Theo Đài phát thanh Mosaique FM ngày 8/9, lực lượng an ninh Tunisia đã bắt Tướng Khouildi Hamidi, một trong những sỹ quan từng hỗ trợ Đại tá Gaddafi lên cầm quyền tại Libya trong cuộc đảo chính năm 1969, là trợ thủ thân tín nhất của Tổng thống Libya, tại sân bay quốc tế Carthage của nước này hôm 7/9.

Lực lượng an ninh Tunisia bắt Tướng Khouildi Hamidi và gia đình ông khi những người này đang cố tháo chạy tại sân bay quốc tế Tunis. Tổng chưởng lý Tunisia đã thẩm vấn Tướng Khouildi Hamidi, nguyên Giám đốc Cơ quan tình báo Libya, người bị kết tội xâm nhập trái phép Tunisia.

Việc bắt giữ Tướng Khouildi Hamidi diễn ra ngay sau khi Mỹ kêu gọi các nước láng giềng nhanh chóng bắt giữ các quan chức trong chính quyền của ông Gaddafi. Mỹ cho biết, nhiều phụ tá thân cận của ông Gadhafi chạy sang Niger đều đã bị bắt giữ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đang giám sát chặt chẽ động thái của những người đã trốn sang Niger.

Ngày 8/9, trả lời phỏng vấn báo giới, Thống đốc Ngân hàng trung ương lâm thời NTC Qassim Azzuz cho biết, chính quyền của ông Gaddafi đã bán 29 tấn vàng (khoảng 1,4 tỷ USD) trong tổng số 145 tấn vàng dự trữ của Libya cho các thương gia trong nước để trả lương kể từ khi cuộc nổi dậy nổ ra. Theo ước tính, hiện tài sản của Ngân hàng trung ương Libya vào khoảng 115 tỷ USD, trong đó 90 tỷ USD ở nước ngoài.

Cũng trong ngày 8/9, Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết, đã cử một nhóm công tác độc lập tiến hành điều tra tội ác liên quan đến ông Gaddafi tại Libya. ICC cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế trong việc bắt giữ ông Gaddafi. Ngày 9/9, Interpol đã phát lệnh truy nã bố con ông Gaddafi và Giám đốc tình báo Libya. Theo Bộ trưởng Y tế lâm thời NTC Naji Barakat, kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra (hơn 6 tháng) đã có ít nhất 30.000 thiệt mạng và khoảng 50.000 bị thương.

Ông Naji Barakat nhấn mạnh, con số thương vong cuối cùng có thể cao hơn dự kiến. Về phần mình, Chủ tịch NTC Mostafa Abdel Jalil cho biết (8-9), sẽ hoàn thành việc dời trụ sở về thủ đô trong tuần tới. Sau khi thành lập chính phủ lâm thời, NTC sẽ thực hiện theo đúng lộ trình đã công bố trước đó và nếu xảy ra tranh chấp chính trị ông sẽ rút lui.

Ngày 7/9, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Rice cho biết, Washington không hài lòng với cách giải thích của Trung Quốc xung quanh việc bán vũ khí cho ông Gaddafi. Mỹ muốn Trung Quốc giải thích rõ vấn đề có liên quan tới việc "công ty vũ khí Trung Quốc đã vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc". Trước đó (6/9), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tái khẳng định, Trung Quốc không ký hợp đồng vũ khí và cũng không cung cấp vũ khí cho Libya

Lê Trịnh-Trọng Hậu (tổng hợp)
.
.
.