“Cuộc chiến” mới giữa Tổng thống Afghanistan và Quốc hội

Thứ Hai, 06/08/2012, 08:57
Mặc dù nguyên nhân của cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ hôm 4/8 tại Hạ viện Afghanistan là do phản ứng yếu ớt của 2 quan chức này trước các cuộc pháo kích tại biên giới với Pakistan, nhưng dư luận coi đây là cuộc chiến mới giữa Tổng thống Hamid Karzai với Quốc hội, cũng như giữa Hạ viện Afghanistan với Mỹ và phương Tây.

Sở dĩ nói như vậy vì Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak được coi là người thân Mỹ và phương Tây, còn Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi là thân tín, đồng minh chủ chốt của Tổng thống Hamid Karzai. Cách đây gần 4 tháng (10/4), Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak và Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi từng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tiếp đón tại Lầu Năm Góc.

Giới truyền thông đưa tin, cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm đối với Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak và Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi diễn ra sau khi tỉnh Kunar và Nuristan (phía Đông Afghanistan) liên tiếp phải hứng chịu hàng trăm quả đạn pháo hạng nặng bắn từ Pakistan hồi cuối tháng 7 khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, nhưng các đơn vị quốc phòng và an ninh không đáp trả.

Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi.

Ngoài chỉ trích kể trên, Hạ viện Afghanistan còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak và Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi phải giải trình về những cáo buộc tham nhũng, cũng như sự yếu kém về an ninh tại 2 bộ này thời gian qua. Theo Chủ tịch Hạ viện Abdul Rauf Ibrahimi, chỉ có 228 trong tổng số 249 nghị sỹ tham gia bỏ phiếu bãi nhiệm hôm 4/8, trong đó 146 nghị sỹ bỏ phiếu chống Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak và 126 bỏ phiếu chống Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi.

Với kết quả kể trên, Hạ viện yêu cầu Tổng thống Hamid Karzai phải cách chức ngay và chọn người thay thế 2 nhân vật này. Tuy nhiên, theo giới truyền thông, hiện Tổng thống Hamid Karzai vẫn đề nghị ông Abdul Rahim Wardak và ông Bismullah Khan Mohammadi lãnh đạo 2 bộ này cho tới khi tìm được người thay thế.

Nếu nói rằng Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi không có phản ứng gì trước động thái kể trên của Pakistan thì oan uổng bởi ông và một số quan chức cao cấp khác nhiều lần công khai buộc tội Pakistan, trong khi Tổng thống Hamid Karzai rất cẩn trọng khi công khai chỉ trích quân đội Pakistan tiến hành các cuộc pháo kích vào Afghanistan.

Afghanistan đã cảnh báo Pakistan, nếu tiếp tục xảy ra các vụ pháo kích qua biên giới, quan hệ giữa hai nước sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, nhưng Pakistan đã phủ nhận cáo buộc này. Cũng trong ngày 4/8, Pakistan đã mở lại tuyến tiếp vận của NATO (cho phép 14 xe chở container) đi vào Afghanistan từ khu vực biên giới Torkham, phía Tây Bắc nước này sau khi Pakistan nhận được khoản viện trợ 1,118 tỷ USD từ Mỹ tối 1/8... 

Được biết, Hạ viện Afghanistan luôn tìm cách loại bỏ các chính sách và sự bổ nhiệm của ông Hamid Karzai, nhưng theo quy định của Hiến pháp, quyền lực tối cao thuộc về Tổng thống nên mâu thuẫn luôn xảy ra. Nghị sỹ Mohammad Iqbal Safi, đại biểu của tỉnh Kapisa cho biết, Hạ viện sẽ yêu cầu tất cả các quan chức chính phủ phải giải trình trước những cáo buộc tham nhũng.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có nhiều chính trị gia cho rằng, Tổng thống Hamid Karzai không muốn mạnh tay với nạn tham nhũng tại các bộ. Đài truyền hình Tolo vừa công bố các bản sao văn bản ngân hàng trong giai đoạn 2007-2011 cho thấy, khoản tiền hơn 1 triệu USD đã được chuyển cho Bộ trưởng Tài chính Omar Zakhilwal.

Ông Noor ul-Haq Holomi, một cựu tướng lĩnh trong quân đội Afghanistan cho rằng, hơn 11 năm nắm quyền, nhưng Tổng thống Hamid Karzai chẳng làm gì, không nói gì nên đã đánh mất niềm tin của người dân. Trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện hôm 4/8, Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak và Bộ trưởng Nội vụ Bismullah Khan Mohammadi từng có phiên điều trần trước Quốc hội về tình hình bất ổn an ninh tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan thời gian gần đây dẫn đến các vụ ám sát một số quan chức cấp cao của Afghanistan cũng như những cáo buộc liên quan đến các vụ tham nhũng tại 2 bộ này.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện còn được coi là "cú đấm mạnh" vào chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai trong thời điểm nội các của ông đang cố gắng xây dựng hình ảnh Afghanistan ổn định trước thời điểm các lực lượng nước ngoài chuẩn bị rời khỏi quốc gia này. Hơn 1 tháng trước (21/6), khi phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Hamid Kazai từng thừa nhận: những nỗ lực hơn 10 năm qua của Afghanistan và các nước phương Tây nhằm mang lại hòa bình cho đất nước Nam Á này đã thất bại bởi bạo lực vẫn tiếp diễn.

Tuyên bố của Tổng thống Hamid Kazai hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của NATO: tình hình an ninh đã được cải thiện khi thời hạn phương Tây rút toàn bộ quân đội chiến đấu khỏi Afghanistan đang tới gần. Giới chức quân sự Anh vừa kêu gọi Thủ tướng David Cameron chuyển giao trách nhiệm an ninh dần cho các lực lượng Afghanistan.

Tuy nhiên, theo nhật báo Telegraph, quân đội và cảnh sát Afghanistan vẫn chưa đủ khả năng đảm nhận trách nhiệm an ninh từ các lực lượng quốc tế, do đó, nếu các lực lượng nước ngoài rút quân nhanh chóng khỏi Afghanistan có thể huỷ hoại những thành tựu đã đạt được và tạo cơ hội cho lực lượng Al Qeada hoạt động mạnh mẽ hơn

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.